Giữ hồn gốm Việt

Thứ sáu, ngày 17/05/2019

(BDO) Các phường Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên), Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một), Lái Thiêu (TX.Thuận An) là cái nôi của nghề làm gốm sứ ở Bình Dương. Trong dòng chảy của kinh tế thị trường, ngành gốm sứ nơi đây vẫn giữ được vai trò của mình, góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh nhà và giữ được cái tinh túy của hồn gốm Việt.


Sản xuất gốm tại Công ty Phước Dũ Long.
Ảnh: PHÙNG HIẾU

Những bước thăng trầm

Khi nhắc đến Bình Dương nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một vùng đất nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, là vùng đất phát triển mạnh các ngành nghề thủ công, đặc biệt là gốm sứ. Ngành gốm sứ ở Bình Dương ra đời cách nay hàng ngàn năm, điều này đã được chứng minh qua nhiều di tích khảo cổ về nghề làm đồ gốm nằm rải rác trên địa bàn tỉnh.

Với ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long, từ thuở lên chín lên mười ông đã theo cha ông vào lò gốm xem các nghệ nhân làm gốm. Tuổi thơ của ông gắn liền với các trò chơi nặn đồ vật từ đất sét. Những bài học đầu đời về cách thức làm gốm của những người cùng thế hệ với ông đã được đúc kết như thế.

Nghề gốm của Bình Dương phát triển gắn liền với ba làng nghề Tân Phước Khánh, Chánh Nghĩa và Lái Thiêu với hàng chục nghệ nhân tên tuổi truyền bá lại nghề làm gốm cho thế hệ con cháu. Trước khi tiến hành phát triển công nghiệp, gốm sứ chính là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Sông Bé trước đây (nay chia tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước).

Theo ông Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty Gốm sứ Cường Phát, thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, tại Bình Dương có đến hàng ngàn cơ sở gốm sứ lớn nhỏ, gốm sứ của Bình Dương được xuất đi khắp nơi trong cả nước. Các mặt hàng gốm sứ khi ấy chủ yếu là lu, khạp, chén, ly, dĩa... đáp ứng nhu cầu rất lớn của các tầng lớp nhân dân trong sinh hoạt, đời sống. Không những thế, gốm sứ Bình Dương cũng bắt đầu có những đơn hàng xuất khẩu, dần định hình cho một nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống chuyển mình theo hướng công nghiệp với quy mô và hàm lượng công nghệ cao hơn.

Bình Dương hiện có gần 300 cơ sở sản xuất gốm, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 130 - 150 triệu sản phẩm các loại. Mỗi năm, mặt hàng gốm sứ của tỉnh xuất khẩu đạt giá trị khoảng 150 triệu USD, còn tiêu thụ thị trường trong nước đạt 70 triệu USD. Ngành gốm sứ của tỉnh không chỉ duy trì ổn định mà còn được liên tục kế thừa và phát triển. Với đặc thù là sản phẩm kết tinh bởi trình độ tay nghề của người thợ và trình độ công nghệ sản xuất nên sản phẩm gốm sứ sản xuất tại tỉnh đạt giá trị rất cao. Đây cũng là ngành tạo được giá trị gia tăng cao nhất trong số các ngành xuất khẩu chủ lực của địa phương.

Ngành gốm sứ trong cả nước nói chung, tại Bình Dương nói riêng hiện nay có rất nhiều thay đổi so với những năm trước, số cơ sở gốm nhỏ giảm dần vì không chịu nổi áp lực cạnh tranh nhưng bù lại một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gốm dần lớn mạnh, khẳng định tên tuổi và uy tín trên thị trường. Xu hướng chia sẻ đơn hàng đang được các doanh nghiệp gốm sứ tại Bình Dương thực hiện, cụ thể là các doanh nghiệp lớn nhận đơn hàng rồi phân phối lại cho các cơ sở nhỏ để gia công. Việc này vừa giúp các cơ sở gốm nhỏ tiếp tục ổn định sản xuất, vừa giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực thời gian giao hàng.

Hướng đi phù hợp cho ngành gốm

Một trong những thay đổi lớn nhất của nghề làm gốm ở Bình Dương trong thời gian qua chính là việc chuyển đổi lò nung. Trong giai đoạn 1995-2000, các cơ sở sản xuất trong tỉnh đã chuyển đổi thiết bị từ lò củi sang lò gas; số lượng cơ sở sản xuất gốm thủ công gia dụng bình dân dần bị thu hẹp, nhường chỗ cho các cơ sở kỹ thuật công nghệ cao sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Đối với các doanh nghiệp lớn như Phước Dũ Long, Minh Long I, Cường Phát… đã chuyển sang lò nung bằng điện và gas. Theo các doanh nghiệp này, ngoài việc hạn chế ô nhiễm môi trường, lò nung điện hay gas cho ra chất lượng sản phẩm đồng đều hơn.

Festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 tổ chức tại Bình Dương nhân kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, gốm sứ Bình Dương đã tạo được tiếng vang lớn. Đặc biệt 3 tác phẩm: Chén ngọc Văn Lang, cúp Sen Vàng và cúp Hồn Việt của Công ty Gốm sứ Minh Long I lần đầu tiên xuất hiện, được thực hiện bởi 22 nghệ nhân làm việc liên tục bằng thủ công trong suốt 5 năm mới hoàn thành với những dấu ấn đặc sắc như: Là tác phẩm được nung hoàn nguyên liền khối hông bắt ốc, dán keo; tác phẩm được mạ vàng 24K loại tốt nhất, đẹp và hoàn mỹ nhất với những hình ảnh đẹp, sang trọng mang đậm bản sắc văn hóa…

Quá trình chuyển đổi công nghệ này đã làm cho nghề gốm có sự phân hóa rất rõ nét: Các cơ sở nhỏ không đủ điều kiện kinh tế chuyển đổi công nghệ đã phải thu hẹp quy mô sản xuất, thậm chí có cơ sở phải đóng lò. Nhưng bù lại, các doanh nghiệp lớn mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng trang bị lò nung công nghệ mới tiếp cận dễ dàng với thị trường xuất khẩu, dần tạo ra những đơn hàng giá trị và ổn định giúp nghề gốm của Bình Dương phát triển lên một tầm cao mới với những sản phẩm chất lượng, tính mỹ thuật cao. Đơn cử như sản phẩm gốm sứ Minh Long I xuất hiện đã có mặt tại nhiều nhà hàng, khách sạn cao cấp trong và ngoài nước. Không những thế, nhiều dòng sản phẩm gốm sứ của Công ty Minh Long I trở thành món quà biếu giá trị trong quan hệ đối ngoại giữa nước ta với các nước.

Ông Lý Ngọc Bạch cho hay, gốm sứ Bình Dương đa dạng về mẫu mã, chủng loại, màu sắc, giàu tính nghệ thuật. Từ các sản phẩm gia dụng như lu, khạp, chén, dĩa… cho đến các loại gốm sứ mỹ nghệ như hình các loại thú dùng trang trí trong nhà, trang sức dùng làm quà lưu niệm đều được khách hàng đánh giá cao về mẫu mã, chủng loại, chất lượng.

Hiện nay, sự cạnh tranh quyết liệt ở thị trường xuất khẩu buộc các doanh nghiệp, làng nghề gốm sứ phải có những chuyển đổi mạnh mẽ để thích nghi. Với xu thế gốm mỹ nghệ trang trí của châu Á đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường quốc tế, các doanh nghiệp gốm sứ trong nước cần xác định từng sản phẩm làm ra phải luôn có hai mục đích chính là chức năng và trang trí. Bằng việc đẩy mạnh tính đa dạng, sự pha trộn giữa nét truyền thống Việt Nam, Á Đông với phương Tây chính là hướng đi hiệu quả để các sản phẩm gốm sứ của doanh nghiệp trong nước phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.

Theo ông Vương Siêu Tín, hiện nay sản phẩm gốm sứ ngoài chịu sự cạnh tranh tại thị trường nội địa, mặt hàng này còn chịu sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xuất khẩu. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp muốn đứng vững trên thị trường thì phải biết “làm mới mình” bằng việc sẵn sàng đa dạng hóa sản phẩm, đầu tư đổi mới công nghệ nhằm bảo đảm chất lượng, giảm giá thành, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Qua trao đổi với các nghệ nhân làm gốm, chúng tôi được biết hầu hết các doanh nghiệp, nghệ nhân bày tỏ mong muốn Bình Dương tổ chức nhiều hơn các sự kiện liên quan đến nghề làm gốm như Festival gốm sứ Bình Dương năm 2010 nhân kỷ kiệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Theo các nghệ nhân, thời gian qua nghề gốm đã có sự thay đổi rất lớn, một festival chuyên về gốm sứ thật sự cần thiết để các doanh nghiệp nắm bắt xu thế mới của thị trường, từ đó định hình lại thị trường xuất khẩu và tạo cơ hội để quảng bá sản phẩm gốm sứ của tỉnh đến bạn bè quốc tế.

Nhà giáo nhân dân - Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ ông rất ấn tượng với gốm mỹ nghệ của Bình Dương. Nghề gốm sứ của Bình Dương đã có bước phát triển đáng nể, nhiều doanh nghiệp đã chứng tỏ được uy tín, thương hiệu của mình ở thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó có nhiều sản phẩm có chất lượng mỹ thuật cao, nâng tầm sản phẩm gốm sứ thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. “Hồn gốm” Bình Dương đã được định hình trong tâm trí của khách hàng. Đây là điều rất đáng quý bởi Bình Dương vừa bảo tồn được nghề truyền thống vừa có thêm sản phẩm xuất khẩu giá trị kinh tế cao.

PHÙNG HIẾU