Giữ hồn cho đình làng
Bình Dương có 125 ngôi đình làng tại các địa phương. Để giữ hồn của các ngôi đình, hầu hết các đình đều có người coi giữ, dọn dẹp vệ sinh, mở cửa đón khách đến viếng. Bên cạnh đó, Ban quý tế và các bậc cao niên trong phường, xã cũng thường xuyên tổ chức lễ cúng đình để tưởng nhớ, tạ ơn các thần hoàng, bậc tiền nhân đã phù hộ cho dân; cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa...
(BDO)
Ông Nguyễn Văn Xe, “ông Từ” đình Phú Cường đang dọn dẹp bàn thờ
Duyên với danh “ông Từ”, “bà Từ” giữ đình
Để bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc, đình làng không thể thiếu hình ảnh của những “ông Từ” giữ đình. Những “ông Từ” hầu hết là người đứng tuổi, có tâm huyết và coi việc trông nom, chăm sóc, hương khói cho các bậc tiền hiền… là niềm vui trong cuộc sống.
Đến tham quan đình Phú Cường vào một ngày đầu tháng 5, trong khi chúng tôi đang loay hoay không biết gọi ai vì cửa đã được khóa, thì có cụ ông từ trong đình đi ra hỏi khách. Đó chính là “ông Từ” Nguyễn Văn Xe (71 tuổi). Vừa tiếp chúng tôi, ông Xe vừa dọn dẹp vệ sinh xung quanh đình, lau chùi bàn thờ. Ông Xe tâm sự, ông nhận nhiệm vụ trông coi đình hơn 26 năm nay. Vốn là người Bình Dương nhưng do cuộc sống khó khăn nên ông được Ban quý tế đình cho nương tựa trong ngôi đình cổ. Hiện nay, ông cùng 2 người con trai cất ngôi nhà nhỏ phía bên trái đình làm chỗ an cư. Ông Xe nói: “Ở cái tuổi đã xế chiều, hàng ngày được gần gũi các vị thần đình, tôi như quên hết những muộn phiền cuộc sống”.
Không chỉ có “ông Từ” nhiều ngôi đình trong tỉnh còn có “bà Từ”. Đơn cử như “bà Từ” Nguyễn Thị Kim Chí, giữ đình Phú Thuận (TP.Thủ Dầu Một). Không chỉ do hoàn cảnh khó khăn cô tìm đến đình được có chỗ ở mà xuất phát từ cái tâm mong muốn được nương tựa nơi cửa đình để tâm hồn thanh thản; đồng thời đóng góp chút sức giữ gìn văn hóa truyền thống địa phương. Gắn bó với đình được gần 3 năm, công việc thường ngày của cô bắt đầu từ rất sớm. Tầm 5 giờ sáng, cô đã dậy quét dọn sân miếu, bàn thờ, thắp nhang cho Thánh, sau đó tưới nước chăm sóc vườn hoa, cây cảnh bên trong khuôn viên đình. Sau khi làm xong các việc chính trong ngày, thời gian rảnh, cô nhận gia công thêm hoặc nhận giúp việc nhà kiếm thêm thu nhập. Theo cô Chí, công việc trông coi, bảo vệ đình chỉ là quét dọn, vệ sinh, mở cửa đón khách tham quan. Nói ra nghe có vẻ nhàn hạ, nhưng không phải ai cũng có thể làm được nếu không có đức tin và sự kiên nhẫn, bởi lẽ, công việc này không lương, không trợ cấp.
Còn theo lãnh đạo Bảo tàng tỉnh, các điểm di tích đình, miếu đều có một ban quản lý phụ trách, trong ban sẽ chọn ra một người có những điều kiện phù hợp về phẩm chất, gần nơi thờ tự, có tâm... cho việc bảo vệ, túc trực tại những điểm này. Những “ông Từ”, “bà Từ” đều là người có tâm huyết với nghề, rất tích cực trong công tác bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa để phục vụ nhu cầu đời sống tâm linh của người dân.
Lưu giữ truyền thống
Giữ hồn đình làng, không chỉ nói đến những người giữ đình mà còn có nghi thức cúng đình được lưu giữ tại các ngôi đình trong tỉnh. Hàng năm, đến ngày 15-4 âm lịch, Ban cúng tế Đình thần Tân Trạch, xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên lại tổ chức Lễ hội Kỳ Yên Đình thần Tân Trạch. Trước đó, ông Lâm Thoại, Trưởng Ban quý tế đình và các thành viên trong ban liên tục gặp nhau họp bàn việc tổ chức lễ đình sao cho chu đáo. Không chỉ thực hiện nghi thức cúng đình, từ năm 2005 đến nay, cứ đến ngày 27-7, người dân trong ấp lại đến cúng tế và tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh. Theo thông lệ, 5 ngôi đình còn lại trong xã cũng dâng hương tế lễ dịp 27- 7.
Việc tổ chức cúng đình đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Việc cúng tế đình làng do các bậc cao niên, người hiểu biết nghi lễ trong Ban quý tế đình làng đảm nhiệm. Dù việc truyền dạy các nghi lễ cúng tế theo truyền miệng, cha truyền con nối hoặc từ người biết cho người không biết, các thế hệ sau vẫn giữ được đúng cốt cách xưa của cha ông. Riêng các bài văn tế, có đình được truyền từ đời này sang đời khác bằng chữ Hán, chữ Nôm và nay được dịch sang chữ Quốc ngữ cho dễ bề cúng tế, lưu truyền cho thế hệ sau khi người biết đọc, viết văn tế bằng chữ Hán, chữ Nôm không còn nhiều.
Một số đình trong tỉnh, không chỉ cúng đình theo thông lệ mà còn tổ chức lễ Giỗ tổ Vua Hùng vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Cụ thể như Đình thần Bưng Cù (TX.Tân Uyên). Lễ Giỗ tổ Hùng Vương tại Đình Bưng Cù được tổ chức 2 phần lễ và hội... Có thể thấy, mỗi ngôi đình có một cách cúng đình riêng nhưng đều ca ngợi công đức các vị thần đãgiúp đỡ, phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp, xua đuổi dịch bệnh... Bên cạnh đó, việc cúng đình cũng là nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam để đưa người dân đến với đình làng, hiểu thêm về mảnh đất, con người Bình Dương xưa. Khắc ghi lời dạy của các bậc tiền hiền để nỗ lực lao động, sáng tạo đưa Bình Dương ngày càng phát triển.
TỐ TÂM