Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mới là quan trọng

Thứ sáu, ngày 12/08/2011

Những ngày qua, dư luận dành sự quan tâm đáng kể về việc Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục - Đào tạo) được giao soạn thảo thông tư quy định hướng dẫn về tiếng Việt, trong đó có đề xuất bổ sung thêm 4 ký tự F, J, W, Z vào ngôn ngữ tiếng Việt. Hầu hết các ý kiến đóng góp đều bày tỏ sự băn khoăn như: Đây là chuyện hệ trọng, cần giao đúng người, đúng cấp có thẩm quyền thực hiện; xem xét, có cách làm thật hợp lý để tránh xáo trộn về việc phát âm, phân biệt ký tự (như FỞ hay PHỞ, ZA hay GIA), tránh gây lãng phí do phải chỉnh sửa lại văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với ký tự mới... Bổ sung hay không bổ sung, việc này sẽ còn tiếp tục bàn bạc nhưng một vấn đề có tính quan trọng không kém và cũng rất thời sự cần được giải quyết trước là làm sao để gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt!

Trong ý định soạn thảo của Cục Công nghệ thông tin có tính đến việc hướng dẫn phân biệt “i” và “y”, cách bỏ dấu trên nguyên âm nào là chuẩn (như “hòa” hay “hoà”)... Đây là tính toán phù hợp nhằm thống nhất hóa cách sử dụng từ ngữ tiếng Việt, nhưng thiết nghĩ đó chỉ là một phần, còn việc giáo dục thế nào để thế hệ trẻ sử dụng thật chuẩn ngôn ngữ dân tộc mới cấp bách và căn cơ hơn. Suy nghĩ này xuất phát từ hiện tượng ngày càng nhiều thanh, thiếu niên sử dụng “ngôn ngữ @”, lai căng đến khó chấp nhận. Điển hình như: “><jn lôo~j méy hem ney 3m b4.n wóa, hok kó tjme tr4? loj*” (Xin lỗi mấy hôm nay em bận quá, không có thời gian trả lời” hay “rùi” (rồi), “oy” (ôi), “hẽm bít” (hổng biết), wé (quá)... Ngôn ngữ dạng này xuất hiện rất phổ biến qua tin nhắn điện thoại di động, các diễn đàn trên mạng của tuổi mới lớn. Cũng do “nhiễm” với các ký tự “lạ đời” này mà rất nhiều em mang chúng vào luôn trong các cuộc trò chuyện, ghi chép vào tập học... Nếu như thói quen sử dụng từ ngữ “loạn” như trên không kịp thời được ngăn chặn, để bùng phát rộng rãi trong xã hội thì mức độ ảnh hưởng có thể kéo dài đến hàng thế hệ.

Tâm lý tuổi mới lớn thường hiếu động, thích tìm tòi, khám phá cái mới, độc đáo để thể hiện mình, nhưng trước hiện tượng từ ngữ hỗn tạp như vừa nêu thì việc giáo dục sử dụng chữ quốc ngữ cần được quan tâm một cách sâu sắc. Nhìn xa hơn, việc ngày càng nhiều thanh, thiếu niên sử dụng ngôn ngữ lai căng, hỗn tạp cũng chính là dần đánh mất đi bản sắc, tinh thần dân tộc, do đó không thể xem nhẹ hiện tượng này.

Thực tế cho thấy, từ ngữ, ký tự tiếng Việt hiện nay không thiếu để diễn đạt và cũng cần có bản sắc riêng gắn với truyền thống dân tộc. Say sưa tìm cách “hội nhập” từ ngữ mà không chú trọng giáo dục sử dụng ngôn ngữ của dân tộc cũng là chưa làm tròn trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.