Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”
Giữ gìn bản sắc văn hóa-bảo vệ nền tảng tinh thần xã hội
(BDO) Lợi dụng chủ trương hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới của Đảng, Nhà nước Việt Nam, các thế lực thù địch càng có cơ hội đẩy mạnh âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa, nhằm phủ nhận những thành quả của cách mạng Việt Nam, thay đổi theo chiều hướng tiêu cực nền tảng tinh thần của xã hội.
Từ đó, hướng tới âm mưu tạo ra những cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng nhung” nhằm thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Hơn lúc nào hết, việc giữ gìn bản sắc văn hóa-nền tảng tinh thần của xã hội-cần được đẩy mạnh, củng cố niềm tin cho nhân dân vào con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) mà dân tộc Việt Nam đã lựa chọn.
Kỳ I: Nhận diện nguy cơ “diễn biến hòa bình” về văn hóa
Khi nền văn hóa bản địa bị xâm thực, nền tảng tinh thần xã hội bị lung lay, đổ vỡ thể chế chính trị là diễn trình tất yếu…
Bài học lớn từ quá khứ
Năm 1991, Liên bang Xô viết chính thức sụp đổ. Đó là mất mát vô cùng lớn lao đối với phong trào cộng sản trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đó cũng là bài học kinh nghiệm rất có giá trị đối với những đất nước tiếp tục vững bước tiến lên theo con đường CNXH như Việt Nam. Một trong những bài học kinh nghiệm rút ra từ việc Liên bang Xô viết sụp đổ là sự xâm thực về văn hóa, dẫn tới thay đổi về nền tảng tinh thần xã hội.
Cuối năm 1958, Liên Xô và Hoa Kỳ thống nhất việc tổ chức hai cuộc triển lãm tại thành phố New York và thủ đô Moscow nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa và sự hiểu biết lẫn nhau. Đây được coi là một sự kiện gây chấn động thế giới, bởi hai quốc gia siêu cường Liên Xô và Hoa Kỳ đối nghịch về nền tảng chính trị và có những khác biệt rất lớn về văn hóa. Sau này, triển lãm của Liên Xô tại thành phố New York không được đề cập nhiều nhưng triển lãm của Hoa Kỳ lại gây tiếng vang đáng kể.
Tại công viên Sokolniki ở thủ đô Moscow, Hoa Kỳ đã quảng bá văn hóa, công nghệ cũng như các sản phẩm tiêu dùng, từ ô tô, đồ uống đến nghệ thuật, thời trang và kiến trúc. Nhiều nhà tài trợ và doanh nghiệp lớn nổi tiếng của xứ cờ hoa, như: Disney, Dixie Cup Inc, IBM, Pepsi… đều có gian hàng trưng bày sản phẩm. Ngày 24-7-1959, trước khi triển lãm Moscow chính thức khai mạc, Phó tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã mời nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev tham quan các gian hàng. Họ dừng lại trước một căn bếp-nơi trở thành “hiện trường” cho cuộc tranh luận nổi tiếng trong chiến tranh Lạnh. Căn bếp này do các nhà thiết kế Hoa Kỳ dựng lên với đầy đủ tiện nghi, như: Máy rửa bát, lò nướng bánh mì, máy xay sinh tố… dường như là để “khoe” mọi người dân Mỹ đều có thể sở hữu căn bếp như thế. Lãnh đạo Liên Xô tỏ ý không vừa lòng, nói rằng các gia đình Liên Xô cũng có những thứ này. Cuộc tranh luận bắt đầu, chủ đề được mở rộng đến các vấn đề chính trị như chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tư bản (CNTB), chiến tranh hạt nhân... Ngày hôm sau, "Cuộc tranh luận trong bếp" là tin tức xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo ở Hoa Kỳ. Và điều thú vị nhất của “Cuộc tranh luận trong bếp” là sau khi nó kết thúc, Nixon và Khrushchev cùng uống Pepsi. Một nhiếp ảnh gia đã bắt được khoảnh khắc Nixon và Khrushchev đứng cạnh nhau trong khi nhà lãnh đạo Liên Xô thưởng thức nước ngọt có ga của một thương hiệu… phương Tây.
Ảnh minh họa. Nguồn: hanoimoi.com.vn.
Cùng các cuộc chiến về chính trị, ngoại giao, văn hóa là mũi nhọn được các thế lực thù địch phương Tây sử dụng nhằm tiêu diệt nhà nước Nga Xô viết. Dưới thời nhà lãnh đạo Khrushchev, các thế lực chống cộng và chính quyền phương Tây căn cứ vào tình hình đã tăng cường thực thi “diễn biến hòa bình”, âm mưu phương Tây hóa, phân hóa Liên Xô. Đến thời Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan (hai nhiệm kỳ-1981-1989), Chính phủ Hoa Kỳ càng đẩy mạnh chủ trương ngoại giao cân bằng, thẩm thấu tư tưởng, văn hóa với Liên Xô và các nước Đông Âu qua truyền bá quan điểm phương Tây về tự do, nhân quyền với hạt nhân là lợi ích cá nhân. Reagan cho rằng, trong cuộc đấu tranh giữa CNTB và CNXH, nhân tố quyết định cuối cùng không phải là đọ sức đạn hạt nhân và tên lửa mà là cuộc đọ sức của ý chí và tư tưởng.
Ở chiều ngược lại, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô khi đó là Mikhail Gorbachev lại ra sức cổ súy cho cái gọi là tư duy mới chính trị quốc tế. Lợi dụng thời cơ đó, các thế lực chống cộng ở phương Tây tài trợ cho một số cơ quan nghiên cứu lập phương án đánh vào những tình cảm nhân dân Liên Xô dành cho Lênin và Stalin. Các tác phẩm chống Lênin, Stalin xuất hiện đầy rẫy trên báo, đài phát thanh, đài truyền hình, phim ảnh... Họ kích động nhân dân Liên Xô đề nghị mai táng thi hài Lênin. Phương Tây còn ca tụng tư duy cải tổ của Gorbachev, nhằm làm suy yếu và hủy bỏ uy tín của Đảng Cộng sản Liên Xô, của chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN), tuyên truyền cho cái gọi là cuộc sống tươi đẹp ở phương Tây và tính ưu việt của chế độ tư bản. Phương Tây rất chú trọng dùng lối sống tiêu dùng để tác động và ảnh hưởng đến đông đảo người dân Liên Xô, đặc biệt là lứa tuổi thanh niên.
Sau này, tổng kết về “thắng lợi” của chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với Liên Xô và Đông Âu, năm 1988, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã xuất bản cuốn sách “1999-Chiến thắng không cần chiến tranh”. Trong đó, R.Nixon xác định: “Mặt trận tư tưởng là mặt trận quyết định nhất, toàn bộ vũ khí của chúng ta, các hoạt động mậu dịch, viện trợ, quan hệ kinh tế sẽ không đi đến đâu, nếu chúng ta thất bại trên mặt trận tư tưởng!".
Nguy cơ hiện hữu
Từ năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, cùng với âm mưu xâm lăng nước ta bằng quân sự, các nước đế quốc còn thực hiện âm mưu xóa bỏ những giá trị truyền thống, tinh hoa văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Cuộc đấu tranh này ở nước ta, theo thời gian, theo sự phát triển của xã hội ngày càng diễn ra rất phức tạp, gay go và quyết liệt.
Nguy cơ “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực văn hóa-tư tưởng diễn ra từ hai góc độ: Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và xu hướng “tự chuyển hóa” của những đối tượng yếu kém bản lĩnh chính trị trước sự biến động của xã hội.
Ở góc độ chống phá của các thế lực thù địch, biểu hiện rõ nét nhất là hoạt động xuyên tạc, bôi đen giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống XHCN, ra sức du nhập văn hóa, đạo đức, lối sống tư sản thực dụng, trụy lạc, tôn thờ đồng tiền là trên hết, sống ích kỷ, phi đạo đức. Cùng đó, các thế lực thù địch luôn khuyến khích khuynh hướng đòi văn hóa, văn nghệ hoạt động độc lập với chính trị, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực này.
Trong nhiều năm qua, đã có không ít văn nghệ sĩ lạc đường, từ bỏ lợi ích của quốc gia, dân tộc, chuyển sang sáng tác theo khuynh hướng văn hóa, nghệ thuật phương Tây, hạ thấp, coi rẻ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, khuyến khích các giá trị văn hóa cá nhân cực đoan, đề cao giá trị dân chủ, tự do tư sản. Thậm chí, đã xuất hiện những sáng tác miêu tả cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta mang một màu đen tối, chết chóc, bi kịch, vô nghĩa; phủ định những sáng tạo văn hóa, văn nghệ trong thời kỳ chiến tranh, coi đó là “minh họa”, là tô hồng, là cao hơn, là đứng trên hiện thực. Chúng ta không phủ nhận những hạn chế lịch sử của mảng văn học, nghệ thuật trong chiến tranh nhưng không thể nhân danh đổi mới để bôi nhọ cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc bằng việc chỉ miêu tả mặt đen tối, sự chết chóc và tha hóa con người trong chiến tranh. Khuynh hướng này chỉ là phiến diện, chưa trung thực với lịch sử. Với vai trò văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, những sản phẩm đội danh văn hóa này đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ làm tha hóa thế hệ trẻ, tạo ra một thế hệ “mất gốc”, phủ nhận các giá trị truyền thống dân tộc, thích đua đòi, ăn chơi hưởng lạc, kích thích các tệ nạn xã hội phát triển.
Ở góc độ chủ quan những người “tự chuyển hóa”, khi đất nước mở cửa sâu rộng với thế giới, những yếu tố có khả năng tác động tới sự biến đổi về xã hội ùa vào theo là vấn đề tất yếu. Đó bao gồm hai sản phẩm cơ bản: Văn hóa và tiêu dùng. Cả hai sản phẩm này, dù được nhập khẩu chính ngạch nhưng đều mang tính hai mặt, đặc biệt với sản phẩm văn hóa. Những sản phẩm văn hóa được phép lưu hành đều mang những giá trị nhất định về chân-thiện-mỹ, cổ vũ lối sống lành mạnh, tốt đẹp. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là việc phổ biến những giá trị văn hóa, hình ảnh xã hội khác biệt, thậm chí đi ngược với những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Dưới góc độ hội nhập, chúng ta không thể không tiếp thu những tinh hoa của văn hóa thế giới nhằm bổ sung, làm giàu thêm nền văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, nếu việc tiếp thu thiếu chủ động, không đủ bản lĩnh, năng lực để chỉ lựa chọn cái tốt, cái có ích cho đời sống văn hóa thì quá trình hội nhập về văn hóa sẽ trở thành nguy cơ làm “biến màu” nền văn hóa bản địa.
Đối với sản phẩm tiêu dùng, là những thứ vô cùng gần gũi trong cuộc sống mỗi người, như: Cái ăn, cái mặc, cái làm đẹp, sự tác động về văn hóa diễn ra âm thầm nhưng không kém phần mạnh mẽ. Bởi lẽ, bất cứ lĩnh vực nào, sản phẩm gì trong xã hội đều ẩn chứa yếu tố văn hóa. Một chiếc quần Jean gắn với hình ảnh chàng Cowboy miền Tây nước Mỹ. Một chiếc ô tô Mercedez gắn với văn hóa Đức. Một sản phẩm tiêu dùng tốt, bền, giá cả phải chăng thường gắn với hình ảnh đất nước Mặt trời mọc… Khi quen thuộc với những sản phẩm tiêu dùng ấy, đồng nghĩa với việc người sử dụng trở nên “thân thiết” với nền văn hóa làm ra chúng. Từ đó, tâm lý sùng bái hàng ngoại có thể tiếp biến thành sùng bái văn hóa ngoại.
Những tác động của văn hóa lên nền tảng tư tưởng xã hội thường không mang tính chất tức thời mà là một quá trình “mưa dầm thấm lâu”. Tuy nhiên, sự chuyển biến chậm rãi đó lại có khả năng thay đổi bền vững tư duy, tình cảm của mỗi người. Vì thế, nếu thiếu cảnh giác, để những tác động tiêu cực của văn hóa ngoại lai du nhập, thẩm thấu sâu vào đời sống xã hội Việt Nam, chúng ta sẽ phải trả cái giá rất đắt. Thậm chí, có thể là cả việc lạc mất con đường tiến lên CNXH mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân đã lựa chọn.
(còn nữa)
Theo qdnd.vn