Giữ chân và thu hút người lao động bằng những chính sách phúc lợi
(BDO) Sau nhiều tháng phải tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mở cửa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại. Bên cạnh việc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt tại nơi làm việc, chủ doanh nghiệp (DN) còn ban hành nhiều chính sách đãi ngộ để chăm lo, giữ chân và thu hút người lao động gắn bó với công ty.
Với nhiều chính sách chăm lo cùng với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại nhà máy, CNLĐ Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam phấn khởi đi làm trở lại, an tâm làm việc gắn bó lâu dài với DN
Thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch
Sau gần 3 tháng nghỉ việc, gần 4.000 công nhân lao động (CNLĐ) trên tổng số gần 6.000 CNLĐ Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam (Khu công nghiệp (KCN) Đồng An 1, TP.Thuận An) đã đi làm trở lại từ ngày 1-10, theo phương án sản xuất “3 xanh”. Anh Nguyễn Đình Đợt, công nhân may K4, cho biết gần 3 tháng qua, do ảnh hưởng đại dịch bùng phát, công ty phải tạm ngừng hoạt động để chống dịch và vợ chồng anh phải ngừng việc. Những ngày không đi làm ở nhà chống dịch, anh cùng các công nhân khác được công ty trả lương căn bản tối thiểu vùng trong 2 tháng 7 và 8, riêng tháng 9 được hỗ trợ 50% lương tối thiểu vùng. Ngoài trả lương, ban giám đốc cùng công đoàn cơ sở công ty còn trao tặng thực phẩm thiết yếu, gạo, mì tôm... “Tôi rất vui vì dịch bệnh đã được khống chế, công ty mở cửa hoạt động trở lại và được đến nhà máy làm việc, có thu nhập để tết còn có tiền về quê ăn tết bên gia đình”, anh Đợt chia sẻ.
Để hoạt động sản xuất diễn ra ổn định và bảo đảm sức khỏe cho người lao động, Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam tiếp tục duy trì thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong nhà máy, CNLĐ trước khi vào làm việc tại công ty phải khai báo thông tin y tế cũng như tình trạng sức khỏe đầy đủ, thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh, thông điệp “5K” của Bộ Y tế, tổ chức xét nghiệm nhanh cho người lao động...
Trong khi đó, tại Công ty TNHH Fujikura Fiber Optics Việt Nam, KCN Việt Nam - Singapore (VSIP1) hiện có khoảng 1.700 CNLĐ đã đi làm việc trở lại. Tương tự, tại Công ty TNHH Far Eastern Polytex Việt Nam (VSIP1) hiện cũng có khoảng hơn hơn 1.000 CNLĐ đã đi làm việc trở lại theo phương án “3 tại chỗ” và “3 xanh”. Theo các công ty, việc mở cửa lại hoạt động sản xuất được tổ chức theo kế hoạch từng bước có tính toán cụ thể với số lượng CNLĐ đi làm lại chia theo tỷ lệ 10% - 30% - 50%... bảo đảm cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại nhà máy hiệu quả cao và hoạt động sản xuất ổn định. Đồng thời, các công ty thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại nhà máy, thông điệp “5K” của Bộ Y tế, tổ chức vừa xét nghiệm nhanh vừa xét nghiệm PCR cho tất cả người lao động khi trở lại nhà máy làm việc. Hoạt động sản xuất trong nhà máy được phân chia các khu vực tách biệt nhau... Để phương án sản xuất “3 xanh” hiệu quả cao, ngoài việc việc phòng, chống dịch bệnh tại nhà máy, người lao động chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại nơi làm việc, trên đường về nhà, nơi ở của mình. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần kiểm soát tốt việc thực hiện tiêu chuẩn “nhà trọ xanh” của các chủ trọ trên địa bàn.
Nhiều chính sách chăm lo
Ông Đào Ngọc Trung, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Fujikura Fiber Optics Việt Nam, cho biết trong thời gian CNLĐ công ty nghỉ làm để chống dịch bệnh Covid-19, ngoài việc tạo điều kiện làm thủ tục nhanh chóng cho CNLĐ được hưởng các gói trợ cấp an sinh của Trung ương và địa phương, công ty vẫn trả 50% mức lương tối thiểu vùng cho CNLĐ và nhiều chính sách chăm lo thiết thực từ tổ chức công đoàn. Do vậy, hầu hết CNLĐ yên tâm ở lại gắn bó làm việc với công ty. Trong thời gian tới ban giám đốc và công đoàn cơ sở công ty tiếp tục có những hỗ trợ cụ thể thiết thực nhằm chia sẻ khó khăn với CNLĐ do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
CNLĐ Công ty Uchyama Việt Nam (VSIP 2A) trong giờ làm việc
Tại Công ty TNHH Far Eastern Polytex Việt Nam, trong thời gian gian CNLĐ tạm ngừng việc, ban giám đốc cùng công đoàn cơ sở công ty cũng đã triển khai chính sách chăm lo, hỗ trợ CNLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tặng hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu, trả 100% và 50% mức lương tối thiểu vùng cho CNLĐ tính theo mốc thời gian cụ thể cho đến ngày công ty có thông báo đi làm việc trở lại… Còn tại Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam, do nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất cần tuyển số lượng lớn lao động. Do đó, ngoài gần 6.000 CNLĐ hiện có, công ty đang tuyển thêm 2.000 công nhân may, trong trường hợp chưa có tay nghề sẽ được công ty đào tạo, với thu nhập hàng tháng hơn 8 triệu đồng trở lên kèm theo nhiều phúc lợi khác... Đặc biệt, CNLĐ sẽđược thưởng 1,5 - 2 triệu đồng/người cho tháng đầu làm việc.
Bà Trần Thị Hà Bình, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam, cho biết trong thời gian tạm ngưng hoạt động để chống dịch, công ty triển khai thực hiện những chính sách hỗ trợ đối với CNLĐ, vẫn chi trả lương tối thiểu vùng cho người lao động, trao tặng hỗ trợ thực phẩm... Từ ngày 1-10 khi công ty hoạt động trở lại, đối với những CNLĐ cũ trở lại làm việc đúng thời gian theo thông báo, được ban giám đốc công ty thưởng 2 triệu đồng/người, nhằm chia sẻ bớt khó khăn với CNLĐ do ảnh hưởng bởi dịch bệnh phải nghỉ làm trong thời gian dài…
Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, cho biết cùng với những chính sách an sinh của Trung ương, chính quyền địa phương, tổ chức công đoàn trong tỉnh cũng đã triển khai thực hiện nhiều chính sách “An sinh công đoàn” để chia sẻ khó khăn với đoàn viên công đoàn, CNLĐ và DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong đó, Công đoàn tỉnh Bình Dương đã trao hỗ trợ hơn 140 tỷ đồng từ nguồn tài chính công đoàn tích lũy cho các DN nâng cao chất lượng bữa ăn cho CNLĐ “3 tại chỗ”. “Gói an sinh công đoàn” hỗ trợ đoàn viên, CNLĐ tại các DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19 gồm 150.000 suất quà “An sinh công đoàn”, mỗi suất quà nhu yếu phẩm thiết yếu có trị giá 200.000 đồng, với tổng kinh phí 30 tỷ đồng, sử dụng từ nguồn tài chính công đoàn tích lũy của công đoàn cơ sở.
Ngoài ra, nhiều hoạt động chăm lo khác đã được các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai tới đoàn viên, CNLĐ. Tính đến nay, LĐLĐ tỉnh đã tiếp nhận gần 590 tấn hàng hóa là thực phẩm thiết yếu, gạo, mì tôm, sữa, rau củ quả... với tổng giá trị lên đến gần 10 tỷ đồng. Qua đó, các cấp công đoàn đã cấp phát, hỗ trợ đến CNLĐ tại các địa bàn trên phạm vi toàn tỉnh, đối tượng chủ yếu là CNLĐ khó khăn với khoảng trên 80.000 phòng trọ vàtrên 170.000 người thụ hưởng.
ĐỖ TRỌNG