Giữ chân người lao động bằng các hoạt động chăm lo thiết thực

Thứ năm, ngày 28/07/2016

Qua 87 năm xây dựng và trưởng thành, tổ chức công đoàn (CĐ) đã khẳng định vị trí, vai trò trong xã hội, ngày càng thể hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên CĐ, người lao động (NLĐ). Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương nhân kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.1929 - 28.7.2016), ông Nguyễn Thiện Phước, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho biết, để đáp ứng yêu cầu thực tế, thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp CĐ trong tỉnh thực hiện nhiều giải pháp chăm lo thiết thực đời sống NLĐ trên địa bàn tỉnh.

(BDO)

 Tuyên dương lao động giỏi, lao động sáng tạo cũng là một trong nhiều hoạt động nhằm động viên, khích lệ NLĐ. Trong ảnh: Ông Trần Thanh Liêm (thứ 6, hàng đầu, từ phải qua), Chủ tịch UBND tỉnh tuyên dương các lao động giỏi, lao động sáng tạo năm 2016. Ảnh: T.LÊ

 - Thưa ông, với vai trò là cầu nối giữa người sử dụng lao động và NLĐ, thời gian qua, công tác chăm lo cho NLĐ đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh đã được các cấp CĐ tỉnh thực hiện ra sao?

Trong 6 tháng đầu năm, các cấp CĐ đã tuyên truyền vận động thành lập được 89 CĐ cơ sở, trong đó có 87 CĐ cơ sở tại doanh nghiệp ngoài Nhà nước; kết nạp mới được 20.010 đoàn viên CĐ. Tính tới thời điểm này, toàn tỉnh có 2.951 CĐ cơ sở với 623.395 đoàn viên CĐ/690.456 NLĐ tại các đơn vị có tổ chức CĐ, trong đó có 2.188 CĐ cơ sở tại doanh nghiệp ngoài Nhà nước với 574.502 đoàn viên CĐ/638.538 NLĐ.

- Có thể khẳng định, thời gian qua, các cấp CĐ đã tập trung thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ do nghị quyết Đại hội CĐ các cấp, chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra; tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ)... Tích cực tham gia thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, chính sách, chế độ cho NLĐ ở cơ sở; tham gia giải quyết tình trạng các doanh nghiệp nợ lương, nợ BHXH, chế độ chính sách; tham gia giải quyết đơn thư, khiếu nại và tư vấn pháp luật. CĐ cũng chủ động phối hợp với các ngành chức năng tham gia giải quyết các vụ tranh chấp lao động và đình công; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ và đoàn viên CĐ.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm có 625 CĐ cơ sở phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức hơn 1.200 cuộc đối thoại giữa người sử dụng lao động với NLĐ và cán bộ CĐ tại nơi làm việc nhằm giải quyết kịp thời những vấn đề thắc mắc của NLĐ; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa ổn định trong doanh nghiệp. LĐLĐ tỉnh phối hợp với UBND tỉnh tổ chức 2 buổi đối thoại với NLĐ, đoàn viên CĐ trên địa bàn TX.Thuận An, TX.Dĩ An; tiếp nhận và tham gia giải quyết 395 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Qua giải quyết và tham gia giải quyết đã có 101 NLĐ được trở lại làm việc... Ngoài ra, các tổ chức CĐ cũng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động CNVCLĐ tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

- Với 85% lao động ngoại tỉnh, vậy để giữ chân lao động gắn bó lâu dài với Bình Dương, các tổ chức CĐ thời gian qua đã có những giải pháp cụ thể nào, thưa ông?

- Chăm lo cả về đời sống vật chất, đời sống tinh thần cho NLĐ vẫn là cách tốt nhất để giữ chân họ. 85% lao động ngoại tỉnh đang sinh sống và làm việc tại Bình Dương là con số không nhỏ. Ngoài vấn đề tiền lương, hài hòa lợi ích giữa NLĐ và doanh nghiệp, tổ chức CĐ cũng cần tổ chức các chương trình, hoạt động thu hút sự tham gia đông đảo của NLĐ. Trong 6 tháng đầu năm, phong trào thi đua Lao động giỏi, sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được đông đảo CNVCLĐ tích cực hưởng ứng và đăng ký tham gia. Kết quả, có 300 công trình sản phẩm được đăng ký, hoàn thành 2 công trình; đăng ký 256 đề tài, công nhận 6 đề tài; có 3.000 sáng kiến, giá trị làm lợi hơn 50 tỷ đồng. CĐ cấp trên cơ sở đã tổ chức tuyên dương cho 19 tập thể và 132 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào này.

Song song đó, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã cùng chung tay chăm lo, bảo đảm cho lực lượng công nhân có cuộc sống ổn định. Tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ trong và ngoài tỉnh được an tâm lao động, học tập, sinh sống; được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội. Nhiều chương trình, hoạt động thiết thực được tỉnh quan tâm tổ chức cho lực lượng công nhân, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến việc làm, nhà ở, vui chơi giải trí… cho công nhân lao động. Điều này đã thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của các cấp, các ngành trong tỉnh, đã và đang góp phần khích lệ, động viên NLĐ gắn bó và coi Bình Dương là quê hương thứ 2.

- Theo ông, trong thời gian tới, các cấp CĐ trong tỉnh sẽ có những biện pháp gì để góp phần tích cực trong việc chăm lo cho quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ?

- Tập trung chăm lo việc làm, đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động, nhất là tại các doanh nghiệp khó khăn đang nợ lương, BHXH, các chế độ, chính sách của NLĐ. Tiếp đó, các cấp CĐ cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên và NLĐ về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, công tác CĐ; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên và NLĐ, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tổ chức CĐ cần quan tâm phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ CĐ; tiếp tục vận động nữ CNVCLĐ hưởng ứng phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”... Đây là một số nhiệm vụ quan trọng mà các tổ chức CĐ trong tỉnh cần tiếp tục duy trì, phát huy nhằm nâng cao vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho NLĐ.

- Xin cám ơn ông!

THANH LÊ (thực hiện)