Giữ chân lao động bằng lương, thưởng
(BDO) Trong bối cảnh cạnh tranh nguồn lực lao động diễn ra ngày càng gay gắt, nếu lơ là việc quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động, xem như doanh nghiệp mất nguồn lực lao động. “Nhảy việc” là chuyện thường ngày của công nhân lao động, đặc biệt là vào các thời điểm doanh nghiệp cần lao động để hoàn thành đơn hàng. “Nhảy việc” là quy luật khi việc nhiều, người ít và công nhân lao động muốn tìm kiếm môi trường làm việc tốt hơn. Do vậy, thu hút và giữ chân người lao động đang được nhiều doanh nghiệp đặc biệt chú trọng, nhất là vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.
Công nghiệp ngày càng phát triển và trải đều khắp các vùng miền trên cả nước, lợi thế việc làm không còn là độc quyền của riêng tỉnh, thành nào. Nếu như trước đây lao động từ miền Bắc, miền Trung phải vào Nam để tìm kiếm việc làm thì nay họ có thể tìm được việc làm ngay tại quê hương mình. Nhà máy, xí nghiệp mọc lên khắp nơi, thu hút một lượng lớn lao động tại địa phương nên việc dịch chuyển lao động giữa các vùng miền đang chậm lại. Chính vì điều này mà nhiều nhà máy, xí nghiệp tại khu vực phía Nam đã và đang rơi vào tình trạng thiếu nguồn lực lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Việc nhiều, người ít đã và đang mang lại cho người lao động lợi thế là tìm kiếm được việc làm thích hợp, môi trường làm việc tốt hơn với thu nhập cao hơn. Ngược lại về phía người sử dụng lao động, để thu hút và giữ chân lao động buộc họ phải xây dựng môi trường làm việc thân thiện đi cùng với các chế độ đãi ngộ cao hơn. Chọn nơi làm việc hiện nay đối với người lao động, bên cạnh thu nhập còn là môi trường làm việc, đời sống tinh thần và các chế độ đãi ngộ khác. Chính vì điều này mà nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương đã có sự thay đổi. Doanh nghiệp không chỉ quan tâm tạo việc làm mà còn chăm lo nhà lưu trú, nhà trẻ, các chế độ phụ cấp và thỏa thuận với người lao động về lương, thưởng hàng năm.
Về môi trường làm việc, bên cạnh bảo đảm các quy định của pháp luật, không khó để tìm thấy tại nơi làm việc của công nhân bên trong các nhà máy, xí nghiệp còn có cả căn tin phục vụ nước uống và bữa ăn nhẹ. Trước giờ vào ca và lúc nghỉ giữa ca, nhà máy nhộn nhịp như quán cà phê, công nhân lao động được thư giãn trong bầu không khí có âm nhạc nhẹ nhàng và thức uống miễn phí. Không gian nghỉ ngơi của công nhân lao động được bài trí đẹp mắt, xanh mát. Bữa ăn chính tại các nhà máy, xí nghiệp của công nhân lao động cũng được doanh nghiệp chăm chút, cải thiện nhiều hơn so với trước đây. Tất cả đều nhằm mục đích giữ chân người lao động, mong muốn công nhân xem nhà máy là nhà và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Mặc dù Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, nhưng lợi thế về lao động đang dần mất đi do tăng trưởng công nghiệp và già hóa dân số diễn ra nhanh. Cạnh tranh nguồn lực lao động giữa các doanh nghiệp vì vậy cũng sẽ ngày càng gay gắt hơn và nếu không có chiến lược tốt, doanh nghiệp sẽ khó giữ chân được người lao động. Chiến lược đó chính là môi trường làm việc, các chế độ đãi ngộ và thu nhập từ lương, thưởng mà người lao động có thể chấp nhận.
LÊ QUANG