Giới trẻ Trung Quốc chi nhiều tiền chữa lành tâm hồn
(BDO) Để cân bằng cuộc sống trong một xã hội đầy cạnh tranh, nhịp độ nhanh, ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc đang hướng tới những phương pháp xoa dịu tâm hồn bắt nguồn từ niềm tin cá nhân hơn là khoa học.
Một buổi trị liệu bằng dầu ở các buổi học chữa lành.
Sự phát triển nhanh chóng của các loại hình chữa lành
Được bao quanh bởi những ngọn nến lung linh và những viên pha lê lấp lánh giữa căn phòng thiếu ánh sáng ở thành phố phía đông Hàng Châu, một người cố vấn được cho là có kinh nghiệm trong công việc này bắt đầu buổi trị liệu cho một cặp đôi.
Hai người phải dùng cách khiêu vũ để mô tả cuộc sống hàng ngày của mình, mỗi bước đi và cử chỉ đều phản ánh mối quan hệ của họ. Đến cuối buổi, cả hai đều rơi nước mắt. Xung quanh họ, hàng chục người khác đang quan sát trong im lặng và say mê. Người cố vấn - là một phụ nữ trung niên - tuyên bố: “Trải nghiệm này là một món quà từ vũ trụ, cơ hội để các bạn khám phá và giải phóng những cảm xúc sâu sắc nhất dành cho nhau”.
Shu Meng (27 tuổi) - người đã chi 2.000 nhân dân tệ (khoảng 7 triệu đồng) cho lớp học như thế này từ mùa hè năm ngoái và từ đó đã trở thành khách hàng quen. Nhớ lại lần đầu tiên chứng kiến nghi thức này, khi đó Shu Meng cũng đã bật khóc. Cô kể: "Không khí trong phòng rất mạnh mẽ, tôi hoàn toàn bị cuốn vào khoảnh khắc đó".
Trải nghiệm của Shu là mô hình thu nhỏ của một hiện tượng văn hóa lớn hơn ở Trung Quốc. Để cân bằng cuộc sống trong một xã hội đầy cạnh tranh, nhịp độ nhanh, ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc đang hướng tới những phương pháp xoa dịu tâm hồn như vậy, bắt nguồn từ niềm tin cá nhân hơn là khoa học.
Trên khắp đất nước nước tỉ dân, những trị liệu như vậy và vô số hoạt động tương tự khác, được gọi chung là “thân-tâm-linh”, có nghĩa là “cơ thể, tâm trí và tinh thần”. Chúng bao gồm từ các buổi khiêu vũ ngẫu hứng mà Shu tham dự đến bowl-singing (liệu pháp thư giãn bằng âm thanh của chuông), thiền và đọc bài tarot. Một số thậm chí còn mua những món đồ như pha lê, vòng tay bồ đề và các loại bùa khác vì tin rằng chúng giúp tăng cường hạnh phúc.
Sự ảnh hưởng của ngành này đang được thể hiện rõ trên các nền tảng truyền thông xã hội. Như trên nền tảng xã hội Xiaohongshu, chủ đề "thực hành tâm linh" có đến gần 113 triệu lượt xem, tất cả đều liên quan đến các chủ đề như nâng cao tinh thần, hoàn thiện bản thân và hướng tới sự bình an nội tâm.
Nhà tâm lý học với 18 năm kinh nghiệm - Zhou Xiaopeng cho rằng khó có thể định nghĩa được hết tất cả những hoạt động trong việc thực hành tâm linh, vì nó quá hỗn tạp. Nhưng điều có thể nhìn thấy rõ là hầu hết đều không hề rẻ.
Những chiếc bùa hoặc vòng tay, thường có giá khoảng 500 nhân dân tệ (hơn 1,7 triệu đồng) trở lên. Các buổi chữa lành đặc biệt có giá trung bình trên 3.000 nhân dân tệ (hơn 10 triệu đồng). Những sản phẩm, dịch vụ này thường được quảng cáo là có nhiều lợi ích khác nhau, từ việc đoàn tụ vợ chồng đến mang lại tài lộc và xua đuổi bệnh tật.
Lĩnh vực này đang mở rộng nhanh chóng. Theo một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 2 năm ngoái của công ty tư vấn Frost & Sullivan, thị trường dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần toàn quốc của Trung Quốc, bao gồm các hoạt động tâm linh, sẽ đạt 10,41 tỷ nhân dân tệ vào năm 2025.
Nhưng vì yêu cầu tham gia vào ngành này chưa cao, thiếu sự quản lý tiêu chuẩn, cộng thêm các báo cáo về việc các hoạt động tâm linh khiến nhiều người chìm trong nợ nần đã thu hút nhiều phản ứng trái chiều từ công chúng và Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc cũng phải vào cuộc. Chính quyền đang áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với những nội dung như vậy, bao gồm cả những thứ thường được dán nhãn là mê tín như việc đọc tarot và sử dụng tinh thể.
Bất chấp sự phản đối, ngành thực hành tâm linh vẫn tiếp tục phát triển. Các chuyên gia nói rằng sự thiếu giám sát làm dấy lên mối lo ngại về những cố vấn không đủ tiêu chuẩn tham gia vào lĩnh vực này.
Những tác động
Tháng 9/2023, câu chuyện về một người phụ nữ đã tiêu hết toàn bộ tiền tiết kiệm của mình vào một hội thảo tâm linh đã khiến dư luận dậy sóng.
Một người phụ nữ đang thất nghiệp và chỉ còn 4.000 nhân dân tệ (hơn 13 triệu đồng) tiền tiết kiệm đã tham gia hội thảo trực tuyến của Xuebamao - một người nổi tiếng trong ngành thực hành tâm linh. Trong các buổi gặp gỡ, cô được khuyến khích tiêu tiền hoang phí vào những thứ như đồng hồ xa xỉ và chi phí khách sạn, tuân theo nguyên tắc "chi càng nhiều, bạn sẽ càng kiếm được nhiều".
Nhiều tuần sau, cô thấy mình ngập trong nợ nần chồng chất, một hoàn cảnh mà nhiều người đi trước trong việc theo đuổi thực hành tâm linh đã mắc phải.
Vụ việc đã gây ra làn sóng chỉ trích rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc đối với cả Xuebamao và cả những người tham gia vào hoạt động.
Shu Meng thừa nhận bản thân cũng là một phần của cộng đồng Xuebamao và thấy không có gì đáng xấu hổ về điều đó. Ban đầu, cô phải trả phí tham gia là 300 nhân dân tệ (khoảng 1 triệu đồng) để tham gia cộng đồng, sau đó đã tăng lên 3.000 nhân dân tệ (khoảng 10 triệu đồng) và thêm 3.000 nhân dân tệ nữa cho các khóa học tiếp theo. Cô bắt đầu quan tâm đến thiền vào cuối năm 2020 và nghiên cứu các phương pháp thực hành tâm linh vào năm 2021 khi còn là nghiên cứu sinh ngành điện ảnh, phải vật lộn với áp lực căng thẳng của mùa tuyển dụng.
"Đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành điện ảnh trong nước hồi đó. Quá áp lực, tôi chuyển sang thực hành tâm linh", Shu Meng - hiện đang làm việc trong một công ty quảng cáo ở Hàng Châu chia sẻ.
Cô bắt đầu với thiền định và dần dần khám phá các lĩnh vực khác như Mạn đà la, yoga, tarot và cuối cùng là các buổi khiêu vũ thử nghiệm. Trên mạng xã hội, Shu thẳng thắn chia sẻ kinh nghiệm của mình với nhiều phương pháp chữa bệnh khác nhau, nhấn mạnh cách chúng biến cô thành một người tự tin hơn.
Trong khi Shu tìm cách giải tỏa áp lực công việc thông qua thiền định, thì con đường hướng tới tâm linh của Wang Ziqi (25 tuổi) được hình thành từ việc cô phải chiến đấu với chứng trầm cảm. Cô thường hay đến chùa, sử dụng vòng tay pha lê hay xem bài tarot. Theo Wang Ziqi, vấn đề phổ biến mà người mắc các chứng bệnh tâm lý gặp phải khi đi tư vấn tâm lý chuyên nghiệp là bị coi là "có vấn đề", khiến họ mong muốn tìm kiếm các phương pháp trị liệu thay thế khác.
Lin (31 tuổi) - giảng viên đại học ở Thành Đô cũng có trải nghiệm tương tự vì cho rằng bản thân tìm đến trung tâm tư vấn tâm lý nổi tiếng để được hỗ trợ gỡ rối các vấn đề nhưng lại bị đánh giá như chính mình mới "có vấn đề". Điều này khiến cô cảm thấy khó chịu.
He Jingzhao - một cố vấn tâm lý ở Quảng Châu được nhà nước chứng nhận - nhấn mạnh sự cần thiết phải hiểu tại sao rất nhiều thanh niên Trung Quốc lại chuyển sang các phương pháp như vậy. Ông giải thích rằng tư vấn truyền thống gặp khó khăn trong việc giữ chân khách hàng, còn các thực hành tâm linh thường có vẻ hấp dẫn hơn.
"Thay vì chỉ trích giới trẻ về việc tiêu tốn chi phí cho các dịch vụ này, chúng ta nên xem xét lý do tại sao họ lại tìm kiếm sự an ủi tâm lý như vậy. Ngành công nghiệp này đã tồn tại hơn một thập kỷ là có lý do. Nó phản ánh thời đại của chúng ta, nơi mà giới trẻ nói riêng ngày càng tập trung vào sự cân bằng nội tâm", He Jingzhao nói.
Nhưng ông cũng cảnh báo việc thiếu quy định chặt chẽ cũng là con dao hai lưỡi trong một thị trường có sức thu hút như vậy. Mọi người luôn kỳ vọng những người cố vấn này phải là những bậc thầy hiểu biết toàn diện, có thể đưa ra giải pháp tức thời cho các vấn đề của họ, nhưng thực tế không phải ai cũng đủ chuyên môn.
Nhà tâm lý học Zhou Xiaopeng cũng coi sự tăng trưởng của ngành này là dấu hiệu cho thấy ngày càng nhiều người thừa nhận vấn đề sức khỏe tâm thần của họ. Ông nhấn mạnh: "Điều quan trọng là thực hiện các quy định phù hợp để ngăn chặn nội dung không đủ tiêu chuẩn tiếp cận khách hàng".
Theo TTXVN