Giới trẻ Bình Dương với thư pháp Việt
Thứ bảy, ngày 02/02/2013
Tham gia sinh hoạt
CLB thư pháp là một hình thức giải trí, thư giãn, đồng thời mở mang kiến thứcHọc viết thư pháp vì niềm đam mêÝ tưởng thành lập CLB ban đầu chỉ là một nhóm sinh viên,
hàng tuần, họ chọn Công viên Văn hóa Thanh Lễ là nơi sinh hoạt và giao lưu với
những người yêu thích thư pháp. Ban đầu, các bạn chỉ tập trung luyện những nét
chữ cái cơ bản trên loại giấy A4, các giấy bìa cứng… càng về sau khi những nét
chữ ấy trở nên thanh thoát hơn, đẹp hơn, các bạn lại viết trên những chất liệu
khác như lụa, tre, gỗ, bình gốm… và hàng tuần nhóm đã có những buổi cho chữ rất
đông bạn trẻ đến tham dự. Sau này, được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ, đồng thời
với ý thức giữ gìn, phát triển và nhân rộng môn nghệ thuật thư pháp, nhóm bạn
trẻ này đã chọn chùa Thanh Long làm nơi sinh hoạt và đặt tên là “CLB Thư pháp
Bình Dương”. Qua hơn 3 năm, đến nay CLB đã có 30 người, trong đó có 7
thành viên trụ cột. CLB không chỉ là sân chơi nghệ thuật thư pháp cho các bạn
sinh viên đang học chuyên ngành hay những ai có năng khiếu mà còn thu hút khá
nhiều những bạn trẻ không liên quan đến lĩnh vực này, thậm chí các bạn điều kiện
công tác khá bận rộn. Với họ, sinh hoạt CLB thư pháp mỗi chiều các ngày lẻ
trong tuần cũng là một hình thức giải trí, thư giãn, đồng thời mở mang kiến thức.
Ông đồ trẻ “múa bút” Lê Đăng Tiến (sinh viên năm 4, khoa Quản trị kinh doanh, Đại
học Bình Dương) chia sẻ: “Thật ra mình không có năng khiếu về viết thư pháp,
nhưng do yêu thích những nét chữ nên mình tham gia và cố gắng tập luyện, thử
làm ông đồ múa bút. Qua đó đã hiểu được giá trị truyền thống của thư pháp và có
những phút giây làm cho tư tưởng mình lắng đọng lại”. Được biết, Tiến chơi đàn
bầu khá hay lại yêu thích các nhạc cụ dân tộc nên vào mỗi buổi sinh hoạt CLB,
Tiến lại có cơ hội thể hiện tài năng của mình. Trên nền nhạc của tiếng đàn bầu
du dương, các học viên lại có thêm niềm cảm hứng để thỏa sức sáng tạo những con
chữ. Nguyễn Minh Đức (sinh viên năm 4, khoa Kiến trúc, Đại học
Bình Dương) - Chủ nhiệm CLB cho biết: “Các bạn trẻ tìm đến CLB thư pháp vì nhiều
lẽ, có bạn vì đam mê, có bạn muốn tìm đến sự thanh thản giữa cuộc sống bận rộn.
Trong quá trình hoạt động có bạn viết tốt, có bạn chỉ viết được những nét cơ bản.
Còn để viết được những nét chữ như “phượng múa rồng bay” đòi hỏi người học phải
có niềm đam mê thực sự và thời gian luyện tập lâu dài”. Không chỉ dừng lại ở việc viết chữ để thỏa mãn niềm đam mê
mà hiện đã có nhiều sinh viên trong CLB đã biết kết hợp với nhau mở những gian
hàng bán tranh thư pháp. Số tiền thu được từ việc bán tranh sẽ làm quỹ của CLB
để mua giấy, bút trang trải cho việc học chữ, hay tham gia các hoạt động từ thiện.
Ngoài ra với mong muốn các thành viên trong CLB ngày chuyên nghiệp hơn trong từng
con chữ, học hỏi những người đi trước, CLB cũng thường xuyên tổ chức những
chương trình viết thư pháp giao lưu với các trường Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học
Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, các CLB thư pháp khác. Đức cho biết thêm, để tạo điều kiện cho các bạn trẻ có cơ hội
tham gia nhiều hơn, hiểu thêm những giá trị đẹp đẽ về bộ môn nghệ thuật truyền
thống này, sắp tới, CLB sẽ mở một Hội quán riêng. Đặc biệt, khác với mọi năm,
gian hàng thư pháp trên đường hoa Bạch Đằng (TP.TDM) tết năm nay không phải là
sự xuất hiện của những ông đồ đến từ CLB thư pháp của thanh niên TP.Hồ Chí Minh
mà thay vào đó sẽ là những ông đồ trẻ đến từ CLB Thư pháp Bình Dương. Hy vọng
gian hàng thư pháp với những ông đồ trẻ “múa bút” sẽ thu hút nhiều người đến
thưởng thức và mua chữ. Vâng, một mùa xuân nữa lại về, các thành viên CLB không mong
mình trở thành những ông đồ chuyên nghiệp mà trước hết mong cái tâm của mình luôn
trong sáng như chính những nét thư pháp bay bổng. Ý nghĩa hơn khi những nét chữ
này trao tặng người thân nhân dịp tết đến. TÂM BÌNH