Giới trẻ Bình Dương với thư pháp Việt

Thứ năm, ngày 04/02/2016

(BDO) Thư pháp, bộ môn nghệ thuật mới nghe người ta thường mường tượng đến những ông đồ già như trong bài thơ “Ông đồ” của thi sĩ Vũ Đình Liên: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua...”. Thế nhưng thật bất ngờ và thú vị khi hôm nay, hình ảnh ông đồ lại được tái hiện qua nghệ thuật viết thư pháp của những bạn trẻ trên đất Bình Dương. Đây thực sự là một nét đẹp văn hóa muôn đời được tái hiện điểm xuyết trong bức tranh tết của quê hương.

Thấy lại ông đồ xưa

Ngày xuân, chúng tôi tìm về Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp Bình Dương cùng tản mạn về thú chơi nho nhã. Trong thư phòng nhỏ ẩn mình trên đường Phạm Ngũ Lão (phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một) của “ông đồ” trẻ Nguyễn Minh Đức, Chủ nhiệm CLB nườm nượp học viên. Trên các vách tường, treo đến cả trăm bức thư pháp do chính Đức và các thành viên sáng tạo ra, mỗi tác phẩm ra đời không chỉ để bày bán mà còn mang giá trị nghệ thuật cao cho loại hình nghệ thuật vốn tưởng đã đi vào hoài cổ này. Từng nét uốn lượn theo con chữ chỉ là vẻ bề ngoài, còn phía sau là những đậm, nhạt, sáng, tối nhưng chính những gam màu của cuộc sống do tác giả cảm nhận được.

Khai bút đầu xuân trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống bao đời nay của người Việt Nam. Ảnh: TÂM BÌNH

Vừa nắn nót từng nét chữ của một câu ca dao nói về mẹ, bạn Lê Đăng Tiến, thành viên CLB chia sẻ: “Chọn một câu ca dao, tục ngữ hay một câu nói nổi tiếng không khó nhưng thể hiện thành công lên bức tranh, trang giấy mới là điều nan giải. Vì ngoài việc thể hiện nét bút pháp, nghệ thuật và khả năng của người viết, nội dung bức thư pháp còn cho thấy tư tưởng, kiến thức, tâm hồn của người viết. Khi cầm bút, ngoài những đường nét “rồng bay phượng múa”, người viết còn phải nhập tâm với những gì mình sắp sửa viết ra. Tâm trạng vui buồn, hồ hởi, phấn khích gì đều thể hiện hết ở nét chữ…”.

CLB Thư pháp Bình Dương thành lập từ năm 2009, lúc đầu chỉ là sự đam mê của một số bạn trẻ. Đến nay, CLB đã trực thuộc Hội LHTN tỉnh, có 6 thành viên nòng cốt và 30 thành viên chính tham gia sinh hoạt. Họ đa phần là học sinh, sinh viên và niềm đam mê môn nghệ thuật này đã gắn kết họ lại, cùng nhau gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Mới 25 tuổi, nhưng Nguyễn Minh Đức, Chủ nhiệm CLB đã có thâm niên gần 8 năm gắn bó với mực tàu, giấy đỏ, là một trong những trụ cột của CLB, luôn đứng ra “chia sẻ” kiến thức về nghệ thuật thư pháp cho các bạn trong CLB, Đức vốn là sinh viên khoa kiến trúc (ĐH Bình Dương) nhưng anh luôn dành tình cảm đặc biệt cho thư pháp. Đức nhớ lại, anh đến với thư pháp bằng niềm đam mê, tự học hỏi từ những người đi trước chứ không hề qua bất kỳ trường lớp nào. Lần đầu tiên cầm bút lông, nghiên mực, không ai hướng dẫn, anh phải tự mày mò, học hỏi từ những người biết chút ít về thư pháp. Ra trường, anh cùng một vài người bạn chọn thư pháp làm nghề trước khi dự định mở một văn phòng quảng cáo riêng. Đức cho biết, hàng năm mỗi khi có hội hè, lễ, tết, “ông đồ” trẻ lại có dịp trổ tài tung hoành bút lực, bày mực tàu, giấy đỏ viết thư pháp phục vụ những người yêu thích”. Hoạt động của CLB đã góp phần làm cho bức tranh xuân trên từng góc phố đẹp hơn. Các bạn đều là dân “ngoại đạo” yêu thích thư pháp nên tự mày mò học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thú chơi.

Nặng lòng với môn nghệ thuật truyền thống

Vào các ngày thứ ba, thứ năm, chủ nhật hàng tuần, thư phòng của CLB rất nhộn nhịp, đông vui. Các “ông đồ” trẻ tề tựu về đây truyền dạy cho học trò. Người học viên được trang bị kiến thức cơ bản từ cuốn “giáo trình” như những nét chữ cơ bản trong thư pháp, cách viết và thể hiện thư pháp, tìm hiểu ấn chương và cách viết thư pháp, các thể loại trong thư pháp... Những “giáo trình” này được các “ông đồ” trẻ tự nghiên cứu, tìm hiểu qua các loại sách viết về thư pháp tổng hợp lại thành những kiến thức khá bài bản.

Mỗi ngày trôi qua, các bạn trẻ tìm đến tham gia CLB ngày càng nhiều hơn. Thế nhưng, Đức khẳng định, thư pháp không thể “chạy” theo phong trào, phải có tình yêu đặc biệt dành cho môn nghệ thuật này thì mới có thể “vẽ” ra những nét chữ chứa đựng cái tinh tế trong tâm hồn. Mê thư pháp đến nỗi dành thư phòng để dạy cho các bạn, song Đức và các thành viên không nặng lòng với việc kiếm được nhiều hay ít tiền mà quan trọng hơn là để có cơ hội được hướng dẫn cho các bạn trẻ. Đức cho biết: “CLB tập hợp thanh niên tham gia vào một hoạt động có ích là thiết thực lắm rồi. Nhưng thú chơi tao nhã, đậm truyền thống dân tộc, giúp giới trẻ tiếp cận với văn hóa dân tộc, những câu thơ, câu văn, lời hay ý đẹp nên cũng có tác dụng giáo dục tư tưởng, tâm hồn, tình cảm rất tốt. CLB cũng thường xuyên đưa các hội viên đi giao lưu, học hỏi thêm kinh nghiệm ở một số nơi để nâng cao hiểu biết và trình độ nghệ thuật. Cái khó của CLB hiện nay là cơ sở vật chất, nơi sinh hoạt, phòng trưng bày giới thiệu tác phẩm chưa có. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của chính quyền, hội, đoàn thể để CLB hoạt động thuận lợi, đóng góp thiết thực cho địa phương”...

Thành phố trẻ đang chuyển mình bước vào một mùa xuân mới, các thành viên trong CLB Thư pháp trẻ Bình Dương cũng đang mài giũa nét bút, tất bật tìm thuê gian hàng để kịp làm “ông đồ” xuống phố, góp thêm nét văn hóa xưa cho phố thị lúc vào xuân.

TÂM BÌNH