Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012
1. Nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 (sau đây gọi chung là Luật phòng, chống tham nhũng) đã được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2012 tại kỳ họp thứ 4 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/2/2013 với việc bổ sung thêm 09 điều mới; sửa đổi, bổ sung 15 điều và bãi bỏ 01 điều (Điều 73, Luật phòng, chống tham nhũng.)
1.1 Về phạm vi sửa đổi:
Nhằm kịp thời khắc phục một số bất cập gây khó khăn, vướng mắc cho việc thi hành Luật phòng, chống tham nhũng và thể chế hóa các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 3 khóa X, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 (sau đây gọi chung là Luật phòng, chống tham nhũng) tập trung vào một số nội dung bao gồm:
- Tiếp tục mở rộng và tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là về các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao đã được nhận diện trong thời gian qua;
- Hoàn thiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập theo hướng thực chất hơn giúp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng;
- Trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước về quyết định, hành vi của mình khi có yêu cầu từ phía các đối tượng bị tác động trực tiếp;
- Trách nhiệm của người đứng đầu trong việc áp dụng các biện pháp tạm thời đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng để xác minh, làm rõ;
- Sửa đổi các quy định có liên quan đến Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Kết luận của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI.
1.2 Các nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể:
1.2.1 Bãi bỏ quy định liên quan đến Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng (khoản 4 Điều 55 và Điều 73):
Thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng (sau đây gọi là Luật sửa đổi, bổ sung) đã bỏ cụm từ “Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng” tại khoản 4 Điều 55 và bãi bỏ Điều 73, Luật phòng, chống tham nhũng. Như vậy, ở Trung ương, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ được thành lập trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban để đảm bảo sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với toàn bộ hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ được quy định trong văn kiện của Đảng , không quy định trong Luật. Những nội dung sửa đổi, bổ sung này hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp và nguyên tắc Đảng không làm thay chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trọng bộ máy nhà nước.
1.2.2 Sửa đổi, bổ sung các quy định về hình thức và lĩnh vực thực hiện công khai, minh bạch:
Luật sửa đổi, bổ sung đã sửa đổi khoản 2 Điều 12 Luật phòng, chống tham nhũng về hình thức công khai. Theo đó, nhằm khắc phục tính hình thức khi thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, Luật sửa đổi, bổ sung quy định các hình thức công khai bắt buộc mà người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải lựa chọn từ điểm b đến điểm e (khoản 1 Điều 12, Luật phòng, chống tham nhũng) khi pháp luật không có quy định về hình thức công khai. Các hình thức công khai bắt buộc bao gồm: niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; phát hành ấn phẩm; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và đưa lên trang thông tin điện tử. Cùng với các hình thức công khai bắt buộc, Luật sửa đổi, bổ sung cũng quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể lựa chọn thêm hình thức công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân (quy định tại điểm a hoặc điểm g khoản 1 Điều 12, Luật phòng, chống tham nhũng).
Thực tiễn thời gian qua cũng cho thấy, trên nhiều ngành, lĩnh vực, việc thực hiện công khai, minh bạch còn hạn chế và chưa phát huy hết tác dụng trong phòng ngừa tham nhũng, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến quản lý, sử dụng các nguồn lực công hoặc có sự tiếp xúc thường xuyên giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhiều quy định còn chưa rõ về nội dung cần được công khai, minh bạch. Vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung đã tập trung vào khắc phục những vấn đề này, cụ thể như sau:
- Thứ nhất, bổ sung “danh mục các dự án chỉ định thầu, lý do chỉ định thầu, thông tin về nhà thầu được chỉ định; danh mục các dự án đấu thầu hạn chế” vào nội dung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 13 về công khai, minh bạch trong mua sắm công và xây dựng cơ bản, qua đó giúp khắc phục tình trạng khép kín, tiêu cực trong đấu thầu đối với chương trình hoặc dự án có sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước;
- Thứ hai, sửa đổi quy định về công khai, minh bạch trong quản lý dự án đầu tư xây dựng tại Điều 14 nhằm làm rõ các nội dung phải thực hiện công khai, minh bạch, bao gồm: báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi, báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội; các mục tiêu, dự kiến kết qủa, các nhóm hoạt động chính và đối tượng thụ hưởng trong quá trình lập dự án; quyết định phê duyệt dự án, kế hoạch thực hiện dự án; báo cáo tiến độ, báo cáo kết quả thực hiện dự án, báo cáo đánh giá thực hiện dự án và báo cáo kết thúc dự án. Đồng thời, tùy vào từng loại dự án và giai đoạn triển khai cụ thể, cơ quan chủ quản hoặc chủ dự án có trách nhiệm lựa chọn các nội dung phù hợp ở trên để công khai.
- Thứ ba, bổ sung thêm khoản 7 vào Điều 15 quy định trách nhiệm của cơ quan thuế, cơ quan hải quan và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có thu phí, lệ phí phải công khai căn cứ tính mức thu, số thu thực tế, đối tượng miễn, giảm và căn cứ miễn, giảm các khoản thu ngân sách. Quy định này nhằm phòng ngừa tiêu cực phát sinh trong việc thu ngân sách, đặc biệt là các trường hợp ấn định mức thu hoặc áp mức thu, mức thuế suất...
- Thứ tư, sửa đổi quy định tại Điều 18 về công khai, minh bạch trong quản lý doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm công khai các nội dung gồm vốn và tài sản Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, vốn và tài sản của doanh nghiệp đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, ngoài ngành nghề kinh doanh, vốn vay ưu đãi, báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán, việc lập và sử dụng quỹ, việc bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý, họ, tên, nhiệm vụ, lương và các khoản thu nhập khác của người trong hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kiểm soát viên, kế toán trưởng. Đồng thời, định kỳ hằng năm, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm báo cáo về các nội dung công khai ở trên với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực kinh doanh chính và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp. Quy định này giúp tăng cường cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng và bảo toàn vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp, kịp thời phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng có thể xảy ra trong hoạt động kinh doanh.
- Thứ sáu, sửa đổi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 19 nhằm làm rõ nội dung phải được công khai liên quan đến doanh nghiệp được cổ phần hóa, bao gồm: báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán, phương án, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhằm tránh tình trạng cổ phần hóa khép kín hoặc biển thủ tiền, tài sản của Nhà nước trong quá trình thực hiện cổ phần hóa. Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung cũng quy định rõ về trách nhiệm của cơ quan cử người đại diện phần vốn của Nhà nước ở doanh nghiệp trong việc công khai giá trị doanh nghiệp được cổ phần hóa và điều chỉnh giá trị doanh nghiệp (nếu có).
- Thứ bảy, đổi tên Điều 21 về công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng đất thành công khai, minh bạch trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đồng thời bổ sung thêm quy định về công khai, minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản, tài nguyên nước; trong quản lý nhà nước về môi trường. Nội dung thực hiện công khai, minh bạch trong các lĩnh vực này tập trung vào điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện quyền của cá nhân, tổ chức. Trong lĩnh vực đất đai, các nội dung công khai gồm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy hoạch chi tiết, các khoản thu tài chính từ quản lý và sử dụng đất, các khoản miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất...; trong lĩnh vực khoáng sản và tài nguyên nước gồm quy hoạch khoáng sản, trình tự, thủ tục, thẩm quyền và việc cấp, gia hạn, thu hồi các loại giấy phép có liên quan, các trình tự, thủ tục và điều kiện liên quan đến phê duyệt trữ lượng khoáng sản, đóng cửa mỏ, đấu giá quyền khai thác, khoanh định khu vực khoáng sản và các nguồn thu ngân sách từ việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản; tương tự như vậy, trong lĩnh vực quản lý nhà nước về môi trường, các nội dung công khai cũng tập trung vào điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện quyền của các cá nhân, tổ chức.
- Thứ tám, sửa đổi khoản 2 và bổ sung thêm khoản 3 vào Điều 23 về công khai, minh bạch trong lĩnh vực giáo dục nhằm làm rõ các nội dung phải công khai trong lĩnh vực giáo dục và đối tượng có trách nhiệm thực hiện công khai, bao gồm việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ và nguồn lực tài chính cho hoạt động giáo dục, cũng như các khoản đầu tư, hỗ trợ cho giáo dục đối với cơ quan quản lý giáo dục; cam kết chất lượng, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, việc thu, quản lý, sử dụng học phí, lệ phí và các khoản thu, chi tài chính khác đối với cơ sở giáo dục công lập.
- Thứ chín, bổ sung thêm các Điều 26a về công khai, minh bạch trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, truyền thông; Điều 26b về công khai, minh bạch trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; Điều 26 c về công khai, minh bạch trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội; Điều 26d về công khai, minh bạch trong việc thực hiện chính sách dân tộc. Kết quả đánh giá thực tiễn thi hành Luật phòng, chống thời gian qua cho thấy, những lĩnh vực trên là rất quan trọng, có nguy cơ phát sinh tham nhũng. Vì vậy, nội dung thực hiện công khai, minh bạch tập trung vào quy hoạch, kế hoạch hoặc chính sách phát triển trong từng lĩnh vực; điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và việc thực hiện chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch trên từng lĩnh vực quản lý.
- Thứ mười, sửa đổi, bổ sung Điều 30 về công khai, minh bạch trong công tác tổ chức - cán bộ nhằm giảm nguy cơ phát sinh xung đột lợi ích và tham nhũng trong lĩnh vực công tác trọng tâm này theo tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI của Đảng. Theo đó, mọi nội dung liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ từ tuyển dụng, đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho thôi việc, cho thôi giữ chức vụ, hưu trí, chuyển ngạch, nâng ngạch, luân chuyển, điều động, biệt phái đến nâng lương, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị trực thuộc trong cơ quan, tổ chức.
- Thứ mười một, sửa đổi khoản 3 Điều 32 về quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cá nhân nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước liên quan đến việc thông báo cho người dân biết khi chưa cung cấp hoặc nội dung được yêu cầu đã được công khai nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
- Thứ mười hai, bổ sung Điều 32a quy định về trách nhiệm giải trình. Mặc dù đây là lần đầu tiên pháp luật Việt Nam ghi nhận chế định này, tuy nhiên trách nhiệm giải trình đã được quy định tương đối phổ biến trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia nhằm phòng ngừa và phát hiện tham nhũng, đặc biệt là việc xác định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức nói riêng và cơ quan nhà nước nói chung trong hoạt động công vụ. Theo đó, khi có yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải giải trình về quyết định, hành vi của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trước cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm của cơ quan có nghĩa vụ giải trình; trình tự, thủ tục của việc giải trình.
1.2.3 Sửa đổi, bổ sung các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập:
- Bổ sung Điều 46a về công khai bản kê khai tài sản nhằm tăng cường sự giám sát của các bên có liên quan về tính trung thực của người có nghĩa vụ kê khai trong kê khai tài sản, qua đó giúp nâng cao hiệu quả điều chỉnh của các biện pháp minh bạch tài sản trong thực tiễn. Theo đó, bản kê khai tài sản phải được công khai tại nơi thường xuyên làm việc của người có nghĩa vụ kê khai trong khoảng thời gian từ 01 tháng 01 đến 31 tháng 03 hằng năm dưới hình thức công bố tại cuộc họp hoặc niêm yết tại trụ sở làm việc của người có nghĩa vụ kê khai. Trong trường hợp niêm yết, thì thời gian tối thiểu là 30 ngày liên tục. Ngoài ra, bản kê khai tài sản của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác của người đó; của người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước kỳ họp theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân.
- Bổ sung Điều 46b về nghĩa vụ giải trình tài sản tăng thêm nhằm nâng cao khả năng phát hiện tham nhũng thông qua việc kiểm soát biến động về tài sản và nguy cơ xung đột lợi ích của người có nghĩa vụ kê khai. Theo đó, trong bản kê khai tài sản, người có nghĩa vụ kê khai phải giải trình về nguồn gốc phần tài sản tăng thêm bên cạnh việc làm rõ mọi biến động về tài sản của mình có trong kỳ kê khai. Quy định này phản ánh một bước hoàn thiện pháp luật của Việt Nam theo yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên. Điều 20 Công ước này quy định, trên cơ sở tuân thủ hiến pháp và các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật nước mình, mỗi quốc gia thành viên sẽ xem xét áp dụng các biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết khác nhằm quy định là tội phạm, nếu được thực hiện một cách cố ý, hành vi làm giàu bất chính, nghĩa là việc tài sản của một công chức tăng lên đáng kể so với thu nhập hợp pháp mà không giải thích được một cách hợp lý về lý do tăng đáng kể như vậy. Để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả điều chỉnh của biện pháp này, Luật đã giao Chính phủ quy định mức giá trị tài sản tăng thêm, việc xác định giá trị tài sản tăng thêm, thẩm quyền yêu cầu giải trình, trách nhiệm của người giải trình và trình tự, thủ tục của việc giải trình.
- Sửa đổi, bổ sung Điều 47 về xác minh tài sản nhằm quy định rõ hơn về căn cứ xác minh tài sản và trên cơ sở đó để người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ kê khai tài sản chủ động ra quyết định xác minh tài sản theo tinh thần Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI của Đảng. Theo đó, căn cứ xác minh tài sản bao gồm khi có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai; khi xét thấy cần có thêm thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai; khi có căn cứ cho rằng việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý; khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xác minh, làm rõ về hành vi hoặc trách nhiệm của người có nghĩa vụ kê khai.
- Bổ sung Điều 47a về thẩm quyền yêu cầu xác minh tài sản nhằm bảo đảm việc kê khai và xác minh tài sản thực sự trở thành một biện pháp phát hiện và xử lý tham nhũng có hiệu quả. Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được Quốc hội bầu hoặc dự kiến được bổ nhiệm Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; Cơ quan thường trực của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến bầu tại đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Chủ tịch nước có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Thủ tướng Chính phủ có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố bầu; Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu hoặc phê chuẩn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người dự kiến được Hội đồng nhân dân cấp dưới bầu; Hội đồng bầu cử, ủy ban bầu cử các cấp hoặc Ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp có quyền yêu cầu xác minh tài sản đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Ngoài ra, để phục vụ cho hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, các cơ quan có thẩm quyền trong những lĩnh vực này có quyền yêu cầu xác minh tài sản để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi vi pháp luật liên quan đến tham nhũng.
Đồng thời, Luật cũng bổ sung quy định về việc giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục xác minh tài sản vào khoản 6 Điều 48 nhằm xây dựng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện việc yêu cầu, tiếp nhận yêu cầu và tiến hành xác minh tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản.
1.2.4 Bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng:
Luật bổ sung thêm Điều 53a về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong việc tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có căn cứ cho rằng cán bộ, công chức, viên chức đó có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng nếu xét thấy người đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Quy định này nhằm giúp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ động hơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và hạn chế hậu quả của hành vi tham nhũng có thể xảy ra. Đồng thời, việc áp dụng các biện pháp này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình xác minh, xem xét và làm rõ, cũng như khắc phục những hạn chế trong việc xử lý các vụ việc tham nhũng thời gian qua. Để phát huy hiệu quả điều chỉnh của quy định này trên thực tế, khoản 2 Điều 53a cũng quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong việc áp dụng các biện pháp tạm thời này khi có yêu cầu của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nếu trong quá trình thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát phát hiện có căn cứ cho rằng người đó có hành vi tham nhũng để xác minh, làm rõ.
Tuy nhiên, nhằm hạn chế việc sử dụng các biện pháp này vào mục đích trái pháp luật, khoản 3 Điều 53a quy định về việc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác, cũng như thông báo công khai đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và khôi phục quyền, lợi ích pháp cho cán bộ, công chức, viên chức khi cơ quan có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng. Xuất phát từ những tác động quan trọng của các biện pháp này đối với việc chủ động phòng ngừa, phát hiện tham nhũng từ bên trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, khoản 4 Điều 53a đã giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, thời hạn tạm đình chỉ, chuyển sang vị trí công tác khác, việc hưởng lương, phụ cấp, quyền, lợi ích khác và việc bồi thường, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.
1.2.5 Một số nội dung khác:
Ngoài những nội dung nêu trên, Luật sửa đổi, bổ sung cũng đã chỉnh lý một số quy định cho phù hợp với các Luật hiện hành như Luật khiếu nại 2011, Luật tố cáo 2011, Luật Kiểm toán Nhà nước, cụ thể như sau:
- Sửa đổi khoản 2 Điều 27 như sau:
“2. Văn bản, quyết định sau đây phải được công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:
a) Quyết định thanh tra, kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra;
b) Quyết định giải quyết khiếu nại;
c) Kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo;
d) Báo cáo kiểm toán; báo cáo thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.”
- Sửa đổi khoản 4 Điều 55 như sau:
“4. Kết luận thanh tra, báo cáo kiểm toán, kết luận điều tra vụ việc, vụ án tham nhũng phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi tham nhũng theo các mức độ sau đây:
a) Yếu kém về năng lực quản lý;
b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý;
c) Bao che cho người có hành vi tham nhũng.
Kết luận, báo cáo phải được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quản lý cán bộ.”
- Sửa đổi, bổ sung Điều 77 như sau:
“Điều 77. Trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc kiểm toán nhằm phòng ngừa, phát hiện và phối hợp xử lý hành vi tham nhũng; trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng thì chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý.”