Gìn giữ và phát triển nghề làm heo đất

Thứ ba, ngày 14/02/2017

(BDO) Nghề làm heo đất là một trong những ngành nghề truyền thống có mặt lâu đời trên vùng đất Lái Thiêu, TX.Thuận An. Trải qua nhiều thăng trầm, làng nghề này vẫn được các thế hệ sau gìn giữ và phát triển.

Heo đất gắn liền với tuổi thơ của biết bao đứa trẻ. Là món quà mà dường như ai cũng đã từng sở hữu để cất giữ tiền tiết kiệm, tiền lì xì. Heo đất đi vào lời ca tiếng hát hàng ngày của các trẻ thơ: “Mẹ mua cho em con heo đất… em không thèm mua bánh... em lì xì heo đất hai trăm mỗi ngày”.

Một ngành thủ công thú vị Nghề làm heo đất xuất hiện cách đây hơn nửa thế kỷ. Trước đây, vùng Lái Thiêu có hơn 300 hộ làm heo đất, đến nay chỉ còn khoảng hơn 20 hộ gắn bó với nghề. Mặc dù số hộ theo nghề đã giảm nhiều so với trước nhưng nét đẹp truyền thống của làng nghề vẫn được bao thế hệ người dân nơi đây gìn giữ và lưu truyền.Vừa đặt chân đến làng nghề làm heo đất, chúng tôi đã thấy hàng ngàn chú heo đang phơi mình trước hiên nhà. Mùi đất nung từ những chú heo còn đỏ đan quyện với mùi sơn vừa được khoác lên mình chúng muôn sắc màu rực rỡ.

Công nhân tỉ mỉ từng đường nét vẽ cho heo đất

Để  có  một  chú  heo  hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn.  Khâu  đầu  tiên  là  hình thành khuôn. Đất sét mua về được đổ vào bồn, hòa vào nước và keo để nhào nặn cho dẻo và có độ gắn kết cao, sau đó trộn đều đất. Đất sau khi được trộn sẽ đổ vào khuôn. Sau bước này, những chú heo mủm mỉm đã bắt đầu tượng hình. Để heo được sắc nét, nghệ nhân sẽ cạo bỏ những phần dư hoặc bị lỗi trước khi cho vào lò nung.

Trước đây, mỗi hộ làm heo  đất thường thực hiện công đoạn từ “A - Z” nhưng vài năm trở lại đây, thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư nên các hộ dân tại đây chỉ nhận heo thô từ phường Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên) về sơn. Chúng tôi ghé thăm cơ sở chị Tạ Thị Ngọc Lan, ở phường Lái Thiêu người có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với nghề “trang điểm” cho heo đất. Bàn về chuyện “làm đẹp” cho heo, chị cười vui vẻ: “ Từ khi sinh ra tôi đã gắn bó với mùi đất nung, mùi sơn của heo đất. Việc này không khó nhưng đòi hỏi người làm phải cần mẫn và khéo léo. Công việc còn phù hợp với các em nhỏ để các em tham gia phụ giúp ba mẹ làm những công đoạn nhẹ nhàng”.

Chị Lan giới thiệu với chúng tôi khu trưng bày heo đất, hàng ngàn chú heo đủ sắc màu được kẻ mắt, chân mày và tô son trông rất điệu đà. Vẫn là những đường nét trang trí truyền thống ngày xưa như chiếc lá, búp sen, hoa  hồng. Thoạt  nhìn,  tưởng đơn  giản  nhưng  người  nghệ nhân phải tích lũy kinh nghiệm, tay nghề hàng chục năm mới có được nét vẽ tinh tế, thoăn thoắt và đều đặn như thế. Cơ sở của chị Lan là một trong những cơ sở lớn chuyên “trang điểm” heo đất. Mỗi ngày cơ sở cho ra lò khoảng 1.300 chú heo đất.

So với hàng chục năm trước, thị trường tiêu thụ heo đất sụt giảm đáng kể. Nhiều hộ gia đình từ bỏ làng nghề để chuyển sang kinh doanh các mặt hàng có lợi nhuận cao hơn.  Hơn nữa, ngày càng có nhiều sản phẩm độc đáo xuất hiện trên thị trường nên  heo  đất  đành  nép  mình, khiêm nhường đứng sau những chú heo nhựa láng mướt, bắt mắt với những đường sơn đều đặn, tỉ mẩn và công nghiệp hơn, được nhập từ nước ngoài. Tuy vậy, heo đất vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của một lượng khách tiêu dùng nhất định. Bởi bên cạnh hình thức tiết kiệm tiền bằng công nghệ tiện dụng, heo đất còn là hình thức giúp các em có ý thức tiết kiệm và trân quý những món đồ thủ công truyền thống của dân tộc.

Những tín hiệu khởi sắc đáng mừng

Cạnh  tranh  để  giữ  vững thương hiệu của một làng nghề truyền  thống,  heo  đất  Bình Dương đã và đang vươn rộng ra thị trường các nước lân cận trong  khu  vực.  Những  năm gần đây, heo đất Bình Dương rất được ưa chuộng ở các nước như:  Campuchia,  Nhật  Bản, Thái Lan, Lào… Các kiều bào ở châu Âu cũng “tậu” heo đất, coi đó như là một trong những món quà lưu niệm ý nghĩa dành tặng khách du lịch khi ghé thăm Bình Dương.

Nhiều hộ gia đình còn gắn bó lâu năm với nghề phấn khởi cho biết họ luôn đặt niềm hy vọng nghề làm heo đất nhanh chóng khởi sắc trở lại. Nhiều người còn chịu khó nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, mày mò, sáng tạo ra nhiều cách thức sản xuất, mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú hơn để đáp ứng cho nhu cầu thị trường. Điển hình là mẫu heo vàng có dát kim tuyến đang được ưa chuộng nhiều năm trở lại đây mặc dù giá thành đắt gấp đôi heo truyền thống (heo màu).

Nhận  thấy  đây  là  làng nghề mang đậm nét thủ công truyền thống, địa phương đã có nhiều hoạt động nhằm duy trì và khuyến khích phát triển làng nghề. Từ năm 1995, ở Lái Thiêu đã thành lập một “Câu lạc bộ heo đất” do bà Lê Thị Nghiệm - một chủ lò lớn làm hủ nhiệm. Hoạt động của câu lạc bộ này nhằm giúp những người làm heo đất có công ăn việc làm ổn định, đặc biệt là hỗ trợ vay vốn và tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài quyết tâm gắn bó với nghề làm heo đất, sự hỗ trợ, tiếp sức của các câu lạc bộ ở phường Lái Thiêu là động lực quan trọng giúp làng nghề heo đất duy trì, phát triển và vươn xa hơn nữa. Tin rằng, nghề làm heo đất sẽ mãi được gìn giữ và phát triển nhờ tinh thần tiếp nối truyền thống cha ông đã thổi tình yêu nghề vào những đôi tay khéo léo, tỉ mẫn của người nghệ nhân.

LIÊN NGUYỄN

  

Từ khóa: