Gìn giữ, phát huy bản sắc một làng nghề
(BDO) Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp có lịch sử từ lâu đời. Đã có một thời quy mô sản xuất mở rộng, “người người làm sơn mài, nhà nhà làm sơn mài” tạo ra sản phẩm độc đáo mang dấu ấn riêng biệt, có nghệ nhân giỏi yêu nghề ra sức cống hiến, truyền nghề qua nhiều thế hệ...
Bản sắc của một làng nghề
Họa sĩ Nguyễn Văn Quý, Chi hội trưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài và Điêu khắc tỉnh Bình Dương cho biết: Sơn mài Tương Bình Hiệp là làng nghề truyền thống, được hình thành và phát triển lâu đời tạo ra sản phẩm độc đáo gắn liền với nghệ nhân hoặc tên làng...
Họa sĩ Nguyễn Văn Quý trao đổi về nghề sơn mài
Làng nghề Tương Bình Hiệp từ khi hình thành đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động, cung cấp thợ và nghệ nhân, họa sĩ đi khắp nơi cả nước qua hàng thế kỷ. Nhiều người có công truyền nghề được Nhà nước phong tặng nghệ nhân ưu tú như: Trần Văn Khiêm, Nguyễn Hữu Sang, Trương Quan Tịnh, Lê Bá Linh, Đinh Công Thiệu…
Trong tiến trình hội nhập, phát triển thì bản sắc là điều cần được lưu giữ. Không nằm ngoài việc bảo tồn và phát huy nghề sơn mài truyền thống, ngày 5-12-2008, UBND tỉnh Bình Dương đã có Quyết định số 3855/QĐ-UBND công nhận Làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp đạt tiêu chuẩn là làng nghề truyền thống.
Họa sĩ Nguyễn Văn Quý sáng tác tranh sơn mài
Đây là cơ hội thuận lợi mở ra hướng đi mới về đầu tư phát triển tạo việc làm, thu hút lao động và phát triển nghề mang bản sắc văn hóa địa phương.
Phát triển giá trị nghệ thuật
Từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ XX, thị trường sơn mài bắt đầu mở rộng hơn, nguyên liệu mới xuất hiện ngày càng nhiều gồm các loại sơn, nhựa tổng hợp, keo dùng trong công nghiệp, tấm MDF, đất nung và một số chất liệu như tre, trúc, vỏ cây được các nhà sản xuất sơn mài sử dụng, đã làm phong phú thêm kiểu dáng và hình thức trang trí trong sản phẩm sơn mài.
Tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Văn Quý
Kỹ thuật trong chế tác sơn mài bằng chất liệu mới có quy trình công nghệ khép kín, áp dụng trong tất cả các công đoạn dựa trên nhiều loại máy móc kết hợp, được vận hành bởi đội ngũ thợ chuyên môn. Họa sĩ tạo mẫu đã ứng dụng, cập nhật trên internet tra cứu tư liệu, dowload và xử lý bằng công nghệ đồ họa, từ đó kỹ thuật đã nâng thêm bước tiến mới qua khâu thiết kế từ phần mềm photoshop, coredraw… để có hình ảnh ưng ý rồi chuyển qua máy in ấn kết hợp thủ ấn... Đồng thời, vận dụng kỹ thuật sơn thổi, mài, đánh bóng bằng máy cầm tay để sản xuất số lượng nhiều, có thể tạo ra hàng loạt sản phẩm trong thời gian ngắn giúp giảm nhân công, tăng hiệu quả kinh doanh.
Về giá trị trang trí, sản phẩm sơn mài mới có nhiều thay đổi mang tính ứng dụng cao nhằm thích nghi trong môi trường công nghiệp hóa và yêu cầu khách hàng. Mẫu mã ngày càng có xu hướng đơn giản dần, đề tài ngày càng mới lạ, màu sắc tươi sáng bắt mắt, kiểu dáng gọn nhẹ phù hợp với không gian đô thị khu dân cư với diện tích hẹp. Cách trang trí màu không hình khối hoặc chiều sâu kết hợp tạo được hiệu quả sáng tối ứng dụng được trong nhiều không gian khác nhau.
Riêng giải pháp trang trí có hình tạo dáng giả cổ như: dán toàn bộ một màu bạc ánh sáng trên sản phẩm, sau đó cẩn vỏ trứng theo nhiều hình dạng vuông, tròn, xoắn ốc, lượn sóng… Loại này có thế thấy rõ qua các sản phẩm như: bình-hủ- hộp, khai, bàn trang điểm, kệ bếp, tranh treo tường…
Hình thức trang trí sơn mài luôn được cải thiện nhằm tạo sự mới lạ về mặt hình thức nghệ thuật hiện đại, phù hợp theo thị hiếu khách hàng cũng là điểm cộng cho sơn mài.
Về mỹ thuật tạo hình, đến đầu thập niên 2000, nhiều họa sĩ trẻ bắt đầu tiếp nối tham gia sáng tác tranh bằng chất liệu sơn ta, khơi nguồn cho chất liệu này hồi sinh, nhiều họa sĩ thường xuyên giới thiệu tác phẩm thông qua mạng xã hội, triển lãm.
Năm 2022, Trường Trung cấp Mỹ thuật – Văn hóa Bình Dương đã bắt đầu triển khai chất liệu sơn ta đưa vào giảng dạy trở lại, góp phần tạo lớp người kế thừa để khôi phục nghệ thuật sơn mài truyền thống địa phương. |
Qua nhiều cuộc triển lãm của tỉnh Bình Dương, TP.HCM và toàn quốc, các nghệ nhân sơn mài đã đạt nhiều giải thưởng. Với niềm đam mê nghệ thuật sơn mài, nhiều tên tuổi được công chúng trong cả nước biết đến như: Nguyễn Tấn Công, Nguyễn Quang Sơn, Hoàng Văn Cử, Huỳnh Đức Hiếu, Nguyễn Văn Quý, Bùi Văn Thanh…
Bên cạnh đó, nhận thấy sơn ta là loại chất liệu thuần Việt mang giá trị nghệ thuật độc đáo cần lưu giữ, Hiệp hội Sơn mài tỉnh Bình Dương đã động viên, hỗ trợ để doanh nghiệp bắt đầu sử dụng chất liệu này đưa vào sản xuất, như: Cơ sở sơn mài Bùi Văn Thanh, Công ty sơn mài xuất khẩu Định Hòa…
Với giá trị truyền thống của mỹ thuật sơn mài, TP.Thủ Dầu Một đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch nhằm vừa bào tồn, vừa phát triển làng nghề để du khách thập phương tìm về thưởng lãm…
Quỳnh Như