Gìn giữ nghề bánh tráng truyền thống

Thứ tư, ngày 10/08/2011

Từ bao đời nay, người dân Thanh An đã quá quen thuộc với bánh tráng của quê hương. Nghề nối nghề, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước gìn giữ nghề tráng bánh của ông cha. Nhiều hộ nhỏ lẻ trước đây giờ đã được tập hợp; trong đó có HTX Bánh tráng Danh Lễ (ấp Cần Giăng, xã Thanh An, Dầu Tiếng) là một cơ sở có cách làm căn cơ, bài bản. Bánh tráng Thanh An đang trên đường khẳng định thương hiệu

Trước khi chuyển đổi qua mô hình HTX, cơ sở bánh tráng của chị Trần Thị Gái (nay là Chủ nhiệm HTX Danh Lễ) chỉ sản xuất theo quy mô hộ gia đình. Bánh tráng chỉ để bỏ mối cho các tiểu thương trong xã, song nhận thấy khả năng tiêu thụ loại bánh này ngày càng nhiều, chị vận động các hộ gia đình xung quanh ấp mở lò làm bánh tráng. Vừa làm bánh, chị vừa đi gom bánh bỏ mối tại các cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Bước khởi đầu tuy gặp nhiều khó khăn do người tiêu dùng vẫn chưa quen với sản phẩm, qua một thời gian, khách hàng gần, xa cũng đã dần yêu thích.

Theo chị Gái: Bánh tráng là nghề truyền thống của quê hương Thanh An, bởi vậy nên chúng tôi cố gắng giữ gìn. Gia đình tôi đã theo nghề này được 5 năm. Làm bánh tráng không đơn giản, nó phức tạp trong từng khâu, từng công đoạn. Từ một cơ sở nhỏ lẻ ban đầu, đến nay đã trở thành HTX, đây không chỉ là niềm vui của riêng gia đình tôi mà còn của cả nhiều người dân trong ấp.

HTX Bánh tráng Danh Lễ mới được thành lập tròn 1 tháng và là thành viên của Liên minh HTX tỉnh, với 8 xã viên. Mỗi xã viên đều đóng góp kinh phí để mua thiết bị máy móc sản xuất. Được biết, khó khăn lớn nhất của HTX là vốn bởi nguồn vốn đầu tư là rất lớn, chỉ tính riêng máy tráng bánh đã gần 200 triệu đồng. Liếp bánh tráng bằng tre khoảng 30.000 đồng/liếp, mà HTX trang bị trên 2.000 liếp. Mỗi ngày nếu trời nắng ráo, HTX sản xuất được hơn 2.000 liếp bánh tráng. Việc sản xuất bằng máy đã giúp bánh được làm nhanh hơn, cho sản phẩm đều hơn. Đặc biệt, việc ra đời HTX đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 12 lao động tại địa phương với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Nguyễn Phước Vinh, Trưởng phòng Kinh tế hợp tác, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Chi cục sẽ lập kế hoạch hỗ trợ thêm cho HTX Danh Lễ một số trang thiết bị máy móc như máy cắt, giàn phơi (còn gọi là liếp), máy vi tính, bàn ghế... với tổng số tiền hỗ trợ trên 130 triệu đồng. Nhưng trước mắt, để có hướng phát triển lâu dài, HTX cần phải đăng ký thương hiệu, logo bao bì, sản xuất theo đúng quy trình bảo đảm chất lượng...

Việc HTX Bánh tráng Danh Lễ góp phần gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống quê hương Thanh An, tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương, đồng thời thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển theo hướng hàng hóa rất cần được cổ vũ, tạo điều kiện thuận lợi.

H.TIẾN - B.MINH