Gìn giữ nét quê…
(BDO) Trong ngày người dân TX.Dĩ An vui mừng dự lễ công nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia cho đình thần Dĩ An, chúng tôi được dịp chuyện trò cùng các ông bà cao niên ở đây. Nghe họ kể về “chuyện ngày xưa” thật thú vị!
Trước hết là nét đặc trưng của Lễ hội Cầu Bông (ngày 16-6 âm lịch hàng năm) được tổ chức trang nghiêm, thành kính tại ngôi đình hơn 180 năm tuổi này (đình được xây dựng từ năm 1838). Theo các cụ cao niên, Lễ hội Cầu Bông có ý nghĩa như một nghi lễ dâng cúng sản vật của quê nhà đến tổ tiên và cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, nhà nhà no ấm. Những người cao tuổi mặc áo dài, khăn đóng y như ngày xưa.
Đội nhạc, lễ nghiêm túc thực hiện các quy định của một lễ cúng rất đầy đủ, trang trọng. Cùng bà con ở TX.Dĩ An tham gia vào Lễ hội Cầu Bông năm nay mới thấy hết được cái hay của văn hóa tín ngưỡng dân gian. Điều này khiến con dân Việt đi đâu cũng nhớ về nguồn cội của mình.
Ông Trần Văn Thi, năm nay đã hơn 70 tuổi, cho biết tuổi thơ của ông gắn với ngôi đình này. Ông được bà ngoại đưa ra đình coi hát bội cho đến khi “tôi lớn lên, dắt bà ngoại ra đình, tìm ghế cho ngoại ngồi coi hát bội, cải lương!”. Sự nối tiếp thế hệ, sự lưu truyền văn hóa làng xã cứ thế mà tiếp đời này sang đời khác. Ông Thi cũng là người sưu tầm các bức ảnh chứng minh người Việt vì sao được gọi là người Giao Chỉ. Đó là hình ảnh những người xưa có ngón chân cái và ngón kế… giao nhau, hướng về nhau! Ông muốn con cháu khi tới đình hiểu được những điều này. Ông cũng là lão nông trồng cây chuối có buồng ra 100 nải, trồng bầu bí nhiều trái trên một dây và ông cũng gửi tặng các bức ảnh này cho Ban quản đình để lưu giữ nơi đây. Ông khoe về những hạt giống quý mà ông lưu giữ được và “ai muốn trồng tôi cho hết bởi nông nghiệp luôn là điều cần thiết, đem lại cuộc sống no đủ cho mọi người”.
Đình làng, cây đa, miếu thờ Thần Hoàng ở đâu cũng nói lên được nét tín ngưỡng dân gian cần lưu giữ cho muôn đời sau. “Đừng để cuộc sống hiện đai, xô bồ ngày nay làm mất bản sắc văn hóa của dân tộc. Làm gì cũng giữ gìn đạo nhà, giữ gìn nét cổ kính của ngôi đình quê mới thấy giá trị của cuộc sống, của câu nói chim có tổ, người có tông”, ông Thi nói với chúng tôi như một lời truyền dạy cho đời sau!
HƯƠNG CẦN