“Gieo chữ” nơi đầu sóng ngọn gió
(BDO) Mặc dù đã có cuộc sống ổn định trong đất liền nhưng các thầy đã xung phong ra xã đảo Sinh Tồn (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) để “gieo chữ”. Bằng lòng yêu nghề và nhiệt huyết của tuổi trẻ, các thầy đã đưa các em ở đảo xa tới bến bờ tri thức.
Thầy Hạ hướng dẫn các em học sinh trường Tiểu học Sinh Tồn làm bài tập
Lớp học “3 trong 1”
Trong hành trình vượt biển đến thăm, tặng quà và chúc tết quân dân ở huyện đảo Trường Sa, chúng tôi có dịp đến thăm trường Tiểu học Sinh Tồn. Nghe tiếng các em ê a đọc bài giữa mênh mông sóng vỗ khiến chúng tôi như được sống với những cảm giác vừa quen thuộc, vừa mới mẻ. Quen thuộc là được sống lại với thế giới tuổi thơ cắp sách đến trường. Mới mẻ là được chứng kiến một thế hệ đang lớn lên giữa trùng dương, biển cả. Lớp học trên do thầy Nguyễn Ngọc Hạ (28 tuổi) và Lê Anh Đức (30 tuổi, cùng quê Khánh Hòa) làm chủ nhiệm. Lớp của các thầy được ví von là lớp học “3 trong 1”, bởi hai thầy dạy cho 7 học sinh các khối lớp 1, 4 và 5. Vì là lớp ghép nên công việc “gieo chữ” của các thầy cũng rất khác. Trong khi thầy Hạ hướng dẫn một học sinh lớp 5 đang làm bài tập toán. Bên kia góc lớp, thầy Đức lại dạy cho hai em học sinh lớp 4 khác học môn Tiếng Việt.
Ngoài việc giảng dạy theo chương trình và theo sách giáo khoa, định kỳ, các thầy còn chọn các chủ điểm có liên quan đến đời sống thường nhật trong đất liền để truyền đạt, qua đó giúp các em có thêm kiến thức để khi hoàn thành chương trình tiểu học vào đất liền học tiếp sẽ không bị “hụt chân”. Ví dụ với chủ điểm về an toàn giao thông, thầy sẽ hướng dẫn các em đi sao cho đúng Luật Giao thông đường bộ như gặp đèn đỏ phải dừng, đèn xanh thì được đi, không được đi ngược chiều… Còn đối với vấn đề bạo lực, thầy sẽ đưa ra các tình huống, sau đó khuyến khích các em tìm cách xử lý. Từ đó, giúp các em nhận biết và phòng ngừa bạo lực học đường và xâm hại tình dục trong trẻ em.
Thầy Đức khoe học sinh trong lớp sớm có kiến thức về biển: “Việc hiểu biết các loại cá rất quan trọng đối với người sống giữa biển khơi. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên tìm hình ảnh các loại cá phổ biến nơi đây để giúp các em phân biệt được cá nào ăn được và không ăn được. Đồng thời, chúng tôi còn hướng dẫn các em cách sơ cứu khi không may bị ngộ độc cá. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp với các anh bộ đội tổ chức trao đổi về biển đảo, từ các buổi học này sẽ giúp các em có thêm kiến thức về biển đảo quê hương”.
Tuy nhiên, theo các thầy, cái khó lớn nhất của việc dạy học nơi đây là thiếu đồ dùng học tập để minh họa cho các bài giảng. Để khắc phục điều này, trong những lần nghỉ phép vào đất liền, hai thầy tranh thủ thời gian sưu tầm tranh ảnh phục vụ cho việc giảng dạy.
Vượt qua khó khăn
Trong lúc học sinh đang làm bài, chúng tôi có dịp nghe thầy Hạ và thầy Đức tâm sự về chuyện nghề và cuộc sống của bản thân. Hai thầy đều tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học tại trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang (nay là trường Đại học Khánh Hòa). Sau khi tốt nghiệp ra trường, thầy Hạ dạy tại trường Tiểu học Vạn Phú 1 (huyện Vạn Ninh). Khi hay tin Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa tuyển giáo viên ra Trường Sa dạy học, thầy Hạ đã viết đơn xin đi. Nói về lựa chọn này, thầy Hạ tâm sự: “Có thể nói so với nhiều người, tôi may mắn hơn khi tốt nghiệp xong lại được làm việc đúng chuyên môn và đam mê của bản thân. Đặc biệt, tôi lại được dạy học trên chính quê nhà. Tuy nhiên, trong tôi luôn có một ước muốn được ra nơi đầu sóng ngọn gió để dạy học cho các em. Tôi muốn rèn luyện thêm bản lĩnh sư phạm và đóng góp sức trẻ cho quê hương”. “Mặc dù cha mẹ không ngăn cản nhưng tôi biết họ rất buồn và lo lắng cho con. Nhưng có lẽ cha mẹ tôi đã hiểu được suy nghĩ của tôi nên cũng ủng hộ”, thầy Hạ nhớ lại.
Trong tiếng vi vu của gió biển, chúng tôi nghe tiếng hát của các em vang lên: “Quê em ở Trường Sa những đảo chìm đảo nổi. Quê em có biển trời bốn mùa xanh bao la. Sinh ra ở Trường Sa em là con của biển. Những chuyến tàu yêu thương mang hơi ấm đất liền…”. Chúng tôi chợt hiểu tương lai Trường Sa được ươm mầm từ chính những “chồi non” này…
Nghỉ giải lao giữa tiết học, các em chơi đùa với nhau
Năm 2013, thầy Hạ và thầy Đức nhận được quyết định ra xã đảo Sinh Tồn dạy học. Những ngày đầu lên đảo Sinh Tồn, hai thầy không khỏi bỡ ngỡ khi từ một nơi đầy đủ tiện nghi vật chất nhưng giờ lại thiếu thốn về vật chất và tinh thần nơi đảo tiền tiêu. Nếu không có quyết tâm thì có lẽ các thầy đã bị “đánh gục”. Đổi lại những khó khăn về vật chất, các thầy nhận được niềm tin yêu từ học trò, phụ huynh, đặc biệt là gia đình. Đối với thầy Hạ, chính nhờ sự động viên của gia đình, đặc biệt là sự đồng cảm và chia sẻ của vợ (cũng là giáo viên tiểu học) đã giúp thầy vượt qua những khó khăn của những ngày đầu ra đảo.Cũng như thầy Hạ, thầy Đức cũng viết đơn xin ra huyện đảo Trường Sa dạy học. “Nếu ở lại đất liền, ngoài việc lên lớp tôi có thể làm thêm được việc để kiếm thêm thu nhập lo cho bản thân và nhất là được gần cha mẹ. Nhưng tôi nghĩ tuổi trẻ thì phải đương đầu với sóng gió thì mới trưởng thành được”, thầy Đức nhấn mạnh.
Thầy Đức chia sẻ thêm: “Mặc dù sống trên đảo gặp nhiều khó khăn nhưng mọi người sống rất tình cảm với nhau. Đặc biệt, các em học sinh rất vâng lời và hiểu bài nhanh. Mỗi lần đi biển về có con cá ngon là phụ huynh đều chia sẻ cho chúng tôi. Tới ngày 20-11, phụ huynh mời chúng tôi đến nhà ăn cơm. Bữa cơm trên đảo mặc dù đạm bạc nhưng rất ấm cúng”.
Anh Võ Xuân Bảo, phụ huynh của em Võ Văn Thành, cho biết: “Trước đây, chúng tôi rất lo lắng về việc học của con. Tuy nhiên nhờ có sự dạy bảo tận tình của thầy Hạ và thầy Đức, tôi rất yên tâm và thấy các con ngày càng tiến bộ trong việc học và cách cư xử. Chúng tôi xem hai thầy như người trong nhà vậy”.
Rời xã đảo Sinh Tồn, chúng tôi cứ ấn tượng mãi với cảnh những em nhỏ trong màu áo học trò nghỉ giải lao giữa giờ chạy nhảy tung tăng trên âu tàu giữa biển xanh rộng gió. Trong tiếng vi vu của gió biển, chúng tôi nghe tiếng hát của các em vang lên: “Quê em ở Trường Sa những đảo chìm đảo nổi. Quê em có biển trời bốn mùa xanh bao la. Sinh ra ở Trường Sa em là con của biển. Những chuyến tàu yêu thương mang hơi ấm đất liền…”. Chúng tôi chợt hiểu tương lai Trường Sa được ươm mầm từ chính những “chồi non” này.
Luôn theo sát bước chân học trò
Sau khi học hết chương trình tiểu học trên xã đảo Sinh Tồn, các em phải vào đất liền học tiếp. Mặc dù đã hoàn thành xong nhiệm vụ nhưng các thầy vẫn luôn theo sát từng bước chân của học trò cũ. “Các em ở đây đã sống ở đảo xa từ nhỏ nên khi vào đất liền chắc chắn sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Chính vì vậy, chúng tôi thường xuyên gọi điện cho phụ huynh và các em để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong cuộc sống và việc học”, hai thầy cho biết.
Trước đây, em Nguyễn Trần Anh Luân được nhận học bổng Vừ A Dính. Sau đó, Luân vào TP.Hồ Chí Minh học. Những ngày đầu vào học, Luân gặp khó khăn trong việc hòa nhập với bạn cùng lớp cũng như tiếp thu bài vở. Biết được điều này, thầy Hạ và thầy Đức thường xuyên gọi điện động viên học trò. Mới đây, Luân gọi điện khoe với các thầy đã trở thành thành viên của một câu lạc bộ trong trường và thành tích học được cải thiện đáng kể.
NGUYỄN HẬU