“Gieo” chữ cho các em nghèo
Xuất phát từ tình yêu thương trẻ em nhập cư không có điều kiện đến trường, dù không qua một trường lớp sư phạm nhưng nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn tổ chức thành lập và trở thành người thầy không chức danh của lớp học tình thương. Họ cũng đang từng ngày dạy các em biết đọc, biết viết...
Khi bóng chiều buông xuống, các học trò nhỏ lại đến lớp học tình thương để tìm con chữ. Lớp học tình thương ở khu phố Tân An, phường Tân Đông Hiệp (TX.Dĩ An) là một căn phòng nhỏ mượn tạm của Công ty Xây lắp 5, nằm gần với những khu nhà trọ công nhân trong khu phố và không có gì mới mẻ; bàn, ghế, bảng viết trong lớp đều được xin từ các trường học trên địa bàn. Em Nguyễn Thị Bích Ngọc (10 tuổi, quê Bến Tre) nói: “Hồi còn ở dưới quê em cũng được đi học, nhưng từ ngày theo ba mẹ xa quê, em không được đi học nữa vì phải theo giúp mẹ buôn bán ngoài chợ. Được đi học em vui lắm”.
Thầy và trò trong lớp học tình thương ở khu phố Tân An, phường Tân Đông Hiệp (TX.Dĩ An)
Người có sáng kiến thành lập ra lớp học này là anh Dương Thanh Quý. Quý bộc bạch: “Năm học lớp 4, mẹ tôi mất nên gia đình rất khó khăn nhưng 4 chị em vẫn quyết định theo học tới cùng. Tôi và người chị phải vừa học vừa làm, sau giờ đến lớp thì ra đồng trồng trọt, buôn bán cùng ba để kiếm tiền đi học. Năm học lớp 9, ba tôi có gia đình riêng, mấy chị em lại càng khó khăn hơn nhưng vẫn bảo nhau phải cố gắng vượt qua. Thấy những đứa trẻ lao động nhập cư không được đến trường, đi bán vé số, nhặt ve chai tôi chợt nhớ về tuổi thơ và cảm thấy thương mấy em”. Sau đó, Quý cùng nhóm bạn trong Chi đoàn Thanh niên đến từng phòng trọ để tập trung các em vào lớp học tình thương học buổi tối từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Quý còn tìm hiểu xây dựng kế hoạch bài học, cùng các bạn đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đến lớp giảng dạy với mong muốn mang lại niềm vui cho những đứa trẻ, đóng góp phần nhỏ cho xã hội.
Đối với anh Nguyễn Duy Thái, cán bộ Đề án Tập hợp thanh niên công nhân xã Vĩnh Tân (Tân Uyên) đến giờ vẫn còn giữ nguyên cảm giác vui mừng khi cách đây 3 tháng, lớp học tình thương vào buổi học đầu tiên. Đồng cảm với những đứa trẻ không được học tập mà phải mưu sinh, anh cùng các bạn ĐVTN vận động mấy em đến lớp và được các ngành địa phương hỗ trợ tập sách, nơi học (văn phòng ấp 2 của xã). Giờ đây, 14 đứa trẻ học 3 khối từ lớp 1 đến lớp 3 được ngồi học đàng hoàng dưới sự hướng dẫn của các anh chị TN. Thái chia sẻ: “Mỗi lần đến lớp dạy các em, tôi rất thích và hạnh phúc khi nghe tiếng gọi “thầy” của các em”.
Với chị Nguyễn Thị Ngọc (Chi hội trưởng Chi hội Sức Trẻ ở khu phố 1B, phường An Phú, TX.Thuận An) tuổi thơ từng trải qua sự nghèo khó, không được học hành đến nơi đến chốn. Vì vậy, chị đã không kìm được nước mắt khi thấy niềm khát khao được học của một đứa trẻ khi nhìn chị dạy học cho con. Chị hỏi: “Sao con không đi học”, em trả lời: “Ba mẹ con không có tiền”… Được sự hỗ trợ của Đoàn Thanh niên địa phương, chị đến nhà trọ ở khu phố và địa phương lân cận để vận động phụ huynh cho các em đến lớp. Lúc mới tổ chức lớp học chỉ có hơn 10 em, nay đã tăng lên gần 50 em. Riêng bản thân chị còn sắp xếp đi học thêm lớp bổ túc để nâng cao trình độ hướng dẫn các em.
Chăm lo việc học tập của các em lớp học tình thương, chị Ngọc còn xây dựng một phòng học, mở lớp tại nhà để các em thuận tiện việc đi lại. Chị dìu dắt việc học hành, dạy bảo các em làm theo 5 điều Bác Hồ dạy để các em là công dân tốt trong xã hội. Gần 5 năm phụ trách lớp, tình cảm yêu thương, sự kính trọng của các em dành cho chị là động lực giúp người giáo viên như chị tiếp tục gieo chữ cho lớp học được xây dựng bằng tình thương.
Lớp học tình thương này hiện có gần 10 tình nguyện viên, chủ yếu là TN đã đi làm, sinh viên, học sinh tham gia giảng dạy. Dẫu đối mặt với nhiều khó khăn đối với những người thầy không chuyên như mấy khối lớp học trong một phòng, có em bệnh tật, chậm phát triển… nhưng các anh chị đã cố gắng vượt qua, tự trang bị những gì cần thiết để giảng dạy các em. Tấm lòng của họ xứng đáng để mọi người phải tri ân.
K.TUYẾN