Gieo chữ Chăm bên lòng hồ Dầu Tiếng

Thứ sáu, ngày 01/07/2022

(BDO) Những năm trước đây, người Chăm sinh sống ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng hầu như không biết chữ của dân tộc mình. Trong cuộc sống và thực hiện các nghi lễ tôn giáo, bà con nơi đây chủ yếu nói tiếng Chăm bằng truyền miệng, khiến một số bản sắc văn hóa bị mai một vì không ghi chép lại được. Mấy năm gần đây, nhờ có cựu giáo Cả Sa Lim và thầy So Fi Dan về dạy cho cái chữ, người già, thanh niên và cả trẻ nhỏ người Chăm sống bên lòng hồ đã biết đọc, biết viết chữ Chăm.

 Cổng làng văn hóa người Chăm ở ấp Hòa Lộc được thiết kế theo biểu tượng đặc trưng, đậm đà bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm

 Người Chăm phải biết chữ Chăm

Con đường nhựa nông thôn mới uốn lượn tít tắp đưa chúng tôi tới ấp Hòa Lộc của đồng bào Chăm hừng hực nắng khi mùa lễ hội Ramadam - lễ hội thiêng liêng nhất của người Hồi Giáo để thực hiện nghi thức “xả chay” vừa mới kết thúc. Làng Chăm từ bao đời vẫn yên ả nằm nép mình ven lòng hồ Dầu Tiếng, nơi giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Tây Ninh nay đang ngày càng đổi mới và phát triển. Đồng bào Chăm ở ấp Hòa Lộc có hơn 100 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu, mưu sinh chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá, làm vườn và buôn bán nên đời sống kinh tế của đồng bào rất khá giả.

Ngôi làng bao bọc bởi cánh rừng rậm hoang vu, heo hút, dân cư thưa thớt ngày nào nay đã có cơ sở hạ tầng khang trang, những vườn cao su xanh ngút, ánh đèn đường sáng rực khắp thôn làng khi đêm xuống. Đặc biệt, ấn tượng nhất với chúng tôi tại đây là thánh đường Hồi Giáo Al Mutt Aqin tọa lạc giữa trung tâm ấp Hòa Lộc có kiến trúc độc đáo, là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng theo tín ngưỡng tôn giáo của người Chăm Islam ở đây.

Đón tiếp chúng tôi là giáo cả Mách A Min (71 tuổi) cùng các thành viên “cốt cán” của cộng đồng người Chăm nơi đây trong trang phục xà rông thổ cẩm truyền thống của người Chăm. Cử chỉ cúi chào đón khách cùng nụ cười thân thiện và lối nói chuyện quây quần bằng cả hai thứ tiếng Chăm và tiếng Kinh làm cho mọi người gần gũi như đã thân nhau từ lâu lắm rồi. Chỉ tay về phía tấm bảng đen dày đặc những dòng chữ cái Chăm, thầy giáo Sa Lim, cựu giáo cả của làng Chăm giới thiệu: “Ở thánh đường này, ngoài việc dành cho đồng bào đến hành lễ còn là nơi mở lớp học chữ Chăm. Hiện trong làng có tôi và thầy So Fi Dan thay nhau dạy. Ban ngày chúng tôi tổ chức dạy 3 lớp, ban đêm dạy 1 lớp. Mỗi lớp học có khoảng hơn 20 người đủ các thành phần, lứa tuổi đến học rất nhiệt tình. Mấy đứa trẻ lúc nào không đi học ở trường thì lại đến thánh đường học chữ Chăm. Học chữ Chăm cũng như học các ngôn ngữ khác là học chữ cái, đánh vần, ghép chữ, ghép thành câu văn… Khi biết đọc, biết viết rồi thì sẽ chuyển sang học giáo lý theo tín ngưỡng đạo Hồi”, thầy Sa Lim nói.

 Thầy giáo Sa Lim giới thiệu về hệ thống chữ Chăm cho tác giả bài viết

Thầy giáo Sa Lim năm nay đã ngoài 60 tuổi. Cái dáng cao cao, lưng hơi cong như một cánh cung của thầy như đã gửi gắm rất nhiều tâm huyết vào ước mơ “gieo chữ” Chăm cho đồng bào của mình. Xuất thân từ một gia đình Chăm ở TP.Hồ Chí Minh, thầy Sa Lim có điều kiện được học hành đầy đủ và được giao trách nhiệm làm giáo viên dạy chữ Chăm và giáo lý tại thánh đường Hồi Giáo ở TP.Hồ Chí Minh. Những năm 1990, hoàn cảnh gia đình nghèo khó, mưu sinh vất vả, thầy phải đưa cả nhà và anh em họ hàng di cư lên ấp Hòa Lộc bên lòng hồ Dầu Tiếng khai hoang, lập nghiệp.

Hướng ánh nhìn về phía mặt hồ loang nắng lấp lánh như ánh sao đêm, thầy Sa Lim buông giọng nói xa xăm: “Đó là những ngày tháng mà người Chăm nơi đây chỉ ở nhà tạm bợ, đội nắng mưa làm nương rẫy, đánh bắt cá, buôn bán để sinh sống. Đồng bào mình lúc đó rất ít người biết chữ Chăm. Sau khi nghỉ hưu ở thánh đường tại TP.Hồ Chí Minh, tôi quay trở về ấp Hòa Lộc dành hết thời gian và tâm huyết dạy chữ Chăm”.

Còn thầy giáo So Fi Dan cũng may mắn được học hết lớp 8 trường làng, được tiếp tục đi học giáo lý của người Hồi Giáo bằng tiếng Chăm, tiếng Ả rập và tiếng Malaysia. Từ tỉnh An Giang lên huyện Dầu Tiếng chơi, duyên nợ đã gắn thầy với người vợ bây giờ, rồi an cư lạc nghiệp ở ấp Hòa Lộc. Thầy So Fi Dan đã theo thầy Sa Lim thay nhau dạy chữ Chăm cho người dân trong làng. Thầy chia sẻ: “Ở đây đa số bà con nghèo khó, nên chúng tôi dạy miễn phí. Khát vọng lớn nhất của tôi là người Chăm phải biết đọc, biết viết chữ Chăm”.

Tranh thủ học ban đêm

Những luồng gió mát từ hồ Dầu Tiếng thổi lại đã xua đi cái nắng oi nồng đang đổ xuống làng Chăm ấp Hòa Lộc. Từ quán cà phê “Gió Chiều”, ngắm nhìn làng Chăm trong tiếng nhạc du dương, cảm giác xốn xang, bâng khâng bỗng hiện lên trong lòng tôi khi ngắm nhìn những ngôi nhà mới đã và đang mọc lên san sát bên nhau như ở phố thị; một vài ngôi nhà còn được trang hoàng bằng bức tranh nhũ đá theo tín ngưỡng văn hóa của đạo Hồi, dưới chân lại khắc họa thêm những dòng chữ Chăm rất điệu nghệ.

Trò chuyện với chúng tôi trong trang phục váy thổ cẩm và áo sơ mi, anh Abdoa Zít, 43 tuổi, chủ quán cà phê “Gió Chiều” mở lòng, trẻ em người Chăm từ 15 tuổi trở lên bắt đầu học cách hành lễ và học giáo lý. Học chữ Chăm là để biết đọc các đạo luật, biết đọc kinh của người Hồi Giáo. Ban ngày lo làm ăn kiếm sống, nên người Chăm tranh thủ học chữ ban đêm. Anh Abdoa Zít còn khoe mình là Đội trưởng Đội xung kích của ấp Hòa Lộc, cùng mọi người giữ gìn an ninh trật tự của làng và tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho bà con nữa. Qua câu chuyện như trải lòng của anh Abdoa Zít khiến chúng tôi cảm nhận rằng, làng Chăm nơi đây đang thực hiện tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời các thế hệ đồng bào Chăm vẫn tiếp nối nhau khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc mình.

Chúng tôi tạm biệt làng Chăm ở ấp Hòa Lộc khi màu hoàng hôn nhuộm tím mặt hồ Dầu Tiếng. Càng xa làng Chăm ấp Hòa Lộc, hình ảnh lớp học chữ Chăm với tiếng trẻ bi bô đánh vần, cùng hình ảnh thầy giáo Sa Lim và một vài thanh niên đứng tiễn chúng tôi ra về bằng tiếng Chăm “Hulinlakaula Salamad Ông - May” (nghĩa là tạm biệt và chúc anh chị mọi điều tốt đẹp) càng níu chân tôi không muốn về. Xin hẹn gặp lại làng Chăm trong những mùa lễ hội rộn rã, trong tình cảm đong đầy và sự sung túc, phát triển. Tôi tự nhủ với lòng mình như thế...

 “Đồng bào Chăm ở ven lòng hồ Dầu Tiếng nơi đây đều theo đạo Hồi Islam có nguồn gốc từ Ả Rập Saudi nên chữ viết và tiếng nói của người Chăm Islam thuộc hệ ngôn ngữ Ả Rập. Để bảo tồn văn hóa, tiếng nói và chữ viết, hầu hết các thánh đường Hồi Giáo của người Chăm đều mở lớp dạy cho lớp thế hệ trẻ. Trước mắt là giúp bọn trẻ biết đọc kinh Quran, biết hành lễ và sâu xa hơn là phải biết viết chữ, biết nói tiếng của dân tộc mình. Hiện nay, hầu hết đồng bào Chăm ở đây đều biết nói và viết chữ Chăm, chỉ còn sót lại một vài người già thì không biết chữ Chăm thôi”, giáo cả Mách A Min cho biết.

 THU HƯỜNG