Giáo viên mong muốn được giảm nhiều hơn
(BDO) Không có sáng kiến kinh nghiệm vẫn được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ là tin vui đối với giáo viên (GV) trong năm học mới này. Đó cũng là nội dung của Nghị định 88/2017/NĐ- CP ngày 27-7-2017 sửa đổi một số điều của Nghị định 56/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 15-9-2017. Nghị định 88/2017/NĐ-CP của Chính phủ ra đời đã tháo gỡ được nỗi băn khoăn lâu nay đối với GV là nếu không có sáng kiến kinh nghiệm sẽ không được xếp loại cuối năm từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên.
Công bằng mà nhìn nhận thì sáng kiến kinh nghiệm là cần, thậm chí rất cần đối với tất cả các ngành nghề, giúp cải tiến quá trình làm việc, giảm bớt thời gian, công sức lao động và góp phần làm thay đổi sự trì trệ, từ đó giúp xã hội phát triển. Tuy nhiên, sáng kiến kinh nghiệm nếu được phổ biến nhân rộng phải hội đủ nhiều yếu tố, trong đó hiệu quả đem lại của sáng kiến kinh nghiệm phải được đặt lên hàng đầu. Ngành giáo dục - đào tạo hiện có hơn 1 triệu GV. Thực hiện Nghị định 56/2015/NĐ-CP thì mỗi năm ngành này có hơn 1 triệu sáng kiến kinh nghiệm nếu GV muốn được xếp loại từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên. Thực hiện nghị định này không chỉ GV khổ, mà ngành giáo dục - đào tạo cũng khổ vì phải lập hội đồng chấm, thẩm định sáng kiến kinh nghiệm.
Nghị định 88/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 56/2015/NĐ-CP được ban hành bỏ quy định GV không cần phải có sáng kiến kinh nghiệm vẫn được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ là tin vui đối với GV trong năm học mới này. Từ nay, GV không còn phải canh cánh nỗi lo cứ vào đầu năm học mới là phải đăng ký, rồi suốt năm mày mò thực hiện viết sáng kiến kinh nghiệm, mà có khi cái sáng kiến kinh nghiệm đó viết xong lại không ứng dụng được. Rõ ràng đây là một “sửa đổi” hợp lý của Chính phủ khi nhận thấy sự bất cập của một số điểm ở Nghị định 56/2015/NĐ-CP trước đây. Thời gian để GV viết sáng kiến kinh nghiệm được tập trung cho việc giảng dạy sẽ góp phần vào việc từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
Sự nghiệp giáo dục có đổi mới được hay không phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ GV. Để thực hiện được điều này, đội ngũ GV cần được “cởi trói” nhiều hơn một sáng kiến và cần được ưu đãi nhiều hơn. Đời sống của GV so với các ngành nghề khác của xã hội còn thấp. Cùng với đó, nếu vẫn còn những ràng buộc GV phải viết giáo án bằng tay, phải tham dự các hội thi, phải dự giờ những tiết dạy được sắp đặt như diễn và những việc ngoài chuyên môn khác thì rất khó để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Chỉ nhìn vào điểm thi tuyển đầu vào của ngành sư phạm hàng năm cũng ít nhiều nhận ra điều này. Giới trẻ không “mặn mà” với nghề giáo là do đâu? Nếu có mức lương hấp dẫn, nếu có những ưu đãi như những ngành nghề khác thì chắc chắn điểm tuyển đầu vào của ngành sư phạm đã không thấp như hiện nay!
Đổi mới sự nghiệp giáo dục phải đi từ gốc. Để đội ngũ GV toàn tâm toàn ý với công việc giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, bên cạnh việc nâng lương, có thêm các chính sách ưu đãi, cần phải giảm bớt những ràng buộc không đáng có. GV mong muốn được giảm nhiều hơn là vậy.
LÊ QUANG