Giáo viên dạy nghề ở Bình Dương: Ngày càng nâng cao kỹ năng giảng dạy
(BDO) Đánh giá chất lượng đào tạo nghề cũng như năng lực giảng dạy của giáo viên (GV), Sở Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội giảng Giáo viên dạy nghề giỏi năm 2014 diễn ra từ ngày 22-10 đến 24-10.
Giáo viên dự thi hội giảng nhóm nghề điện công nghiệp hướng dẫn học viên thực hành
Đánh giá thực trạng dạy nghề
3 năm 1 lần, Sở LĐ- TB&XH tổ chức Hội giảng GV dạy nghề giỏi. 9 cơ sở dạy nghề với hơn 40 GV đã đến tham dự. Với 7 nhóm nghề, gồm cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, điện tử - cơ điện tử, tự động hóa - điện lạnh, công nghệ thông tin, điện công nghiệp và nhóm nghề khác, đa số GV đã chọn thi nội dung bài giảng tích hợp (lý thuyết và thực hành), giúp Ban tổ chức đánh giá kỹ năng, tay nghề và phương pháp sư phạm theo định hướng mới của Tổng cục Dạy nghề. Thầy Nguyễn Thanh Thuận, GV tham dự hội giảng nói: “Đây thực sự là ngày hội lớn của toàn ngành. Với cách giảng mới, chúng tôi thấy được điểm mạnh, yếu của mình trong cách giảng lý thuyết, hướng dẫn thực hành cho học viên. Từ đó, bản thân khắc phục yếu kém để trở thành GV giỏi”.
Nói về chất lượng GV dạy nghề, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Sung, thành viên Ban giám khảo cho biết, đội ngũ GV tham gia hội giảng lần này còn rất trẻ nhưng có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, có dịp trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau để tìm ra được phương pháp dạy nghề hữu ích nhất. Đến tham dự, chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện, bài giảng công phu. Tuy nhiên, nhiều thầy cô bộc lộ hạn chế qua việc lựa chọn bài giảng chưa đúng với dạng tích hợp, giảng quá thời gian, khả năng truyền đạt kiến thức còn hạn chế…
Ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhận định, đây là buổi sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ thiết thực và bổ ích, qua đó đẩy mạnh phong trào dạy tốt và học tốt ở các cơ sở dạy nghề. Đồng thời, từ đây các cơ sở dạy nghề cũng có dịp đánh giá năng lực giảng dạy một cách khách quan của đội ngũ GVDN, đưa ra nhiều ý kiến hay giúp các cơ quan quản lý có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao chất lượng GVDN phù hợp với điều kiện thực tế.
Phát triển đội ngũ GVDN
Nhờ tổ chức hội giảng đúng hẹn, nên mạng lưới cơ sở dạy nghề ở Bình Dương ngày càng tăng nhanh về số lượng, chất lượng. Số liệu thống kê, cho biết toàn tỉnh hiện có 64 cơ sở dạy nghề được cấp phép hoạt động với quy mô đào tạo từ 30.000 - 35.000 lao động/năm. Đội ngũ GVDN tăng nhanh đáng kể với 889 GVDN, trong đó có 720 GV cơ hữu. Đa phần GV đều có trình độ đại học và sau đại học. Ông Trung tiếp tục đánh giá, trong công tác dạy nghề, đội ngũ GV tâm huyết với nghề đều có ý chí vươn lên bằng cách tự học để nâng cao trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, các trường dạy nghề cũng đã tập trung đào tạo GV đối với các ngành nghề mà Bình Dương đang cần.
Không chỉ tổ chức hội giảng 3 năm 1 lần, mỗi năm, Sở LĐ- TB&XH đều tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng sư phạm cho GV. Theo đó, trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Singapore hiện đã có khoa sư phạm, để mỗi năm, tất cả GV cơ sở dạy nghề đều có điều kiện tham gia khóa sư phạm tại trường này. Ông Trung cho biết thêm là hướng tới, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức lớp giảng dạy theo phương pháp tích hợp, giúp GV có hướng đi mới, cách dạy mới để truyền đạt kiến thức cho học viên.
Nâng cao năng lực cho những người “cầm cân nẩy mực”, đào tạo ra một thế hệ học viên giỏi chuyên môn, vững tay nghề, các trường nghề nên tiếp tục cử GV đi bồi dưỡng nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, các GV cần rèn luyện, trau dồi, học tập kinh nghiệm về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm để giảng dạy tốt hơn; tích cực đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về công tác dạy nghề; đồng thời, hiến kế với các cơ quan quản lý về xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ cho GVDN. Có như vậy, phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong trường nghề ngày càng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề khi xã hội cần.
• THIÊN LÝ