Giao thông đường thủy vào mùa mưa bão: Cần nâng cao ý thức để bảo vệ chính mình
Bước vào mùa mưa, vấn đề ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của người tham gia giao thông rất cần được quan tâm nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Hành khách đi qua bến đò chợ, không ai mặc áo phao cứu hộ
Chủ quan
Qua khảo sát thực tế của P.V trên các bến đò ngang cho thấy, người dân khi tham gia giao thông đường thủy tại các bến đò dường như chưa quan tâm đến việc mặc áo phao cứu hộ. Mặt khác, chủ các bến đò mặc dù có trang bị áo phao nhưng chưa bảo đảm và tương xứng với lượng khách đi đò. Anh Huỳnh Thanh Hải, người dân thường đi lại trên bến đò chợ Thủ Dầu Một cho biết, ngày nào anh cũng sang sông trên bến đò này, nhưng anh ít thấy khách mặc áo phao. Họ có nhiều lý do như mặc áo phao tốn thời gian, hoặc vì áo phao đã cũ mặc vào sẽ gây bẩn quần áo! Thực tế tại bến đò này, một số chuyến đò mà trên đó chỉ có lác đác vài áo phao treo lủng lẳng, nếu có sự cố xảy ra thì số phao đó không thể đáp ứng được nhu cầu cứu hộ.
Tại bến đò An Sơn, chủ phương tiện trang bị áo phao tương đối đầy đủ nhưng cũng chỉ để… cho có! Nhiều người khi bước lên đò phần lớn không quan tâm đến việc mặc áo phao. Chị Nguyễn Thị Út, người thường xuyên qua lại trên bến đò này nói: “Tôi qua lại bến đò này rất nhiều năm nhưng vẫn không thấy ai chấp hành việc mặc áo phao để bảo vệ mình. Họ cứ mặc cho số trời vậy”.
Cần tăng cường tuyên truyền, xử phạt
Trung tá Tống Minh Sơn, Đội trưởng đội CSGT Đường thủy Công an Bình Dương cho biết, để bảo đảm an ninh trật tự giao thông đường thủy trên địa bàn, trong 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng CSGT đường thủy đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát các bến, bãi; kiểm tra hạn kiểm định các phương tiện hoạt động cũng như kiểm tra toàn bộ giấy phép hoạt động của các phương tiện; yêu cầu chủ các bến bãi ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa, đồng thời xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Cụ thể trong 6 tháng đầu năm nay, đội đã tổ chức tuần tra kiểm soát 109 ca, với 431 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia, qua đó phát hiện và bắt giữ 7 trường hợp sử dụng kích điện khai thác thủy sản, lập biên bản xử lý 720 trường hợp vi phạm an toàn giao thông đường thủy; ra quyết định xử phạt 562 trường hợp, thu nộp ngân sách tổng số tiền hơn 531 triệu đồng và nhắc nhở nhiều trường hợp vi phạm.
Ông Nguyễn Đỗ Vũ, Chánh Thanh tra giao thông, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh cho biết, để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm, Thanh tra giao thông đã lập phương án cụ thể để trình Ban An toàn giao thông tỉnh. Theo kế hoạch này, lực lượng đã tiến hành kiểm tra toàn diện các cơ sở có bến bãi hoạt động giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, kiểm tra nghiêm giấy phép lái tàu, tăng cường công tác tuần tra xử lý vi phạm. Đơn vị này cũng thông tin kịp thời tình hình xả lũ của lòng hồ Dầu Tiếng đến các đơn vị, cá nhân đang hoạt động tại các bến thủy biết để chủ động đề phòng. Đồng thời mời các doanh nghiệp ký cam kết không chở quá tải, quá số người quy định trong việc vận chuyển; chủ phương tiện được quyền từ chối đưa người qua sông khi không chấp hành nội quy của bến bãi khi lên tàu.
Theo ông Vũ, trong 6 tháng đầu năm 2015, đội 6 Thanh tra giao thông đã kiểm tra 69 lượt bến, cảng, bến thủy nội địa, trong đó có 56 bến đủ điều kiện hoạt động; lực lượng đã lập biên bản 6 trường hợp vi phạm, đình chỉ hoạt động 1 bến, lập biên bản kiểm tra thực trạng, nhắc nhở và buộc ngưng hoạt động 3 bến.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, tình hình trật tự giao thông đường thủy trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm không xảy ra sự cố nào nghiêm trọng, tuy nhiên các chủ phương tiện và người dân khi tham gia giao thông đường thủy cần ý thức chấp hành việc mặc áo phao phòng sự cố xảy ra, đặc biệt là vào mùa mưa bão.
CÔNG KHANH