Giáo sư Mỹ: 'Quay lưng với khoa học cơ bản là sai lầm'
Đó là nhận định của nhà bác học Sheldon Lee Glashow, người đoạt giải Nobel năm 1979, người Mỹ gốc Do Thái với nỗi niềm trăn trở "Tại sao ta cần nghiên cứu khoa học cơ bản".
Trong phiên khai mạc hội nghị với chủ đề "Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ" ngày 12/8, GS Sheldon Lee Glashow, Đại học Harvard, người đoạt giải Nobel năm 1979 thuyết trình trước hàng trăm nhà khoa học đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (phải) tặng quà lưu niệm cho GS Trần Thanh Vân, người sáng lập Hội khoa học "Gặp gỡ Việt Nam", có nhiều đóng góp cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học cơ bản cho nước nhà. Ảnh: Trí Tín.
GS Sheldon Lee Glashow, người đoạt giải Nbel năm 1979 phát biểu tại lễ khánh thành Trung tâm khoa học quốc tế và giáo dục liên ngành ở TP Quy Nhơn sáng 12/8.Glashow cho biết, thực tế nhiều chính phủ, ngành công nghiệp và cả giới trí thức tranh cãi để rồi cuối cùng chính quyền chỉ đầu tư vào các nghiên cứu trực tiếp mang lại lợi ích tức thời. Bởi lẽ họ cho rằng những nghiên cứu gián tiếp về vật lý hạt, toán học, vũ trụ, vật lý nhiệt độ thấp và nhiều lĩnh vực khoa học cơ bản khác là vô dụng, xa xỉ, tốn tiền. Ông cho rằng không thể không tập trung vào nghiên cứu khoa học cơ bản.
"Nhưng quay lưng với khoa học cơ bản là sai lầm", Glashow nhận định.
Theo ông Glashow, nếu các nhà khoa học Faraday, Rontgen và Hertz chỉ chăm chú giải quyết "những vấn đề thực tế" ở thời đại họ thì chắc hẳn còn chờ đợi lâu mới có động cơ điện, tia X và radio. Các nhà vật lý lý thuyết ngày nay quan tâm đến những hiện tượng kỳ lạ tuy không mang lại lợi ích sát thực cho họ nhưng công trình nghiên cứu của họ đã và đang tác động rất lớn đến cuộc sống.
Ví như Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN), nơi đây được trang bị những phương tiện tối tân nhất để nghiên cứu vật lý năng lượng cao, với khoảng 2.500 nhà khoa học, kỹ sư làm việc. Trung tâm này đã đạt những thành tựu lớn như tìm kiếm dòng trung hòa trong lý thuyết tương tác yếu, dùng neutrino để xác nhận giả thuyết quark, khám phá các boson W và Z, tạo ra phản nguyên tử(anti-atom) đầu tiên. Đặc biệt họ đã khám phá hạt có các đặc tính giống hạt Higg vào năm ngoái, loại hạt từng bị săn lùng gần nửa thế kỷ.
GS Ngô Bảo Châu, người đoạt giải thưởng Fields, được xem là giải "Nobel Toán học" năm 2010 trò chuyện với GS Rolf Heuer, Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu hạt nhân Châu ÂU(CERN). Ảnh: Trí Tín.
Năm 2003, DxRay, một công ty sản phẩm phụ phát triển loại máy quét tia X tối tân dựa trên công nghệ của CERN. Năm 2004, GEANT-4, phần mềm mô phỏng của CERN dành cho vật lý, khoa học không gian, y học và chuyên ngành y học phóng xạ. Mục tiêu trước tiên của Trung tâm CERN là khám phá những bí ẩn của tự nhiên và đào tạo thế hệ những nhà sáng chế, phát minh kế cận.
" Phải chăng đó là thứ khoa học vô tích sự? Hoàn toàn không. CERN là lò sáng chế các công nghệ mũi nhọn như máy gia tốc, kỹ thuật nhiệt độ thấp, detector (thiết bị dò), điện tử học, công nghệ thông tin, nam châm, siêu dẫn...đã thúc đẩy rất lớn sự phát triển của thế giới", Glashow nhấn mạnh.
Khoảng thời gian từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng ngày càng được rút ngắn.Từ khám phá hiệu ứng từ trở khổng lồ đến việc chế tạo các ổ ứng nhiều gigabyte chỉ mất 3 năm. Từ khám phá bán dẫn đến chế tạo radio bán dẫn chỉ mất 7 năm.
Điều kỳ diệu trong nghiên cứu khoa học cơ bản khó thể lý giải. Chẳng hạn năm 1856, Henri Perkin đang cố gắng tổng hợp thuốc sốt rét quinine thì lại khám phá ra cách nhuộm aniline. Năm 1896, Henri Becquerel đang cố chứng minh mặt trời phát ra tia X thì bỗng nhiên khám phá ra hiện tượng bức xạ. Năm 1996, nhà hóa học Pfizer đang tìm ra thứ thuốc trị bệnh đau thắt ngực và cao huyết áp thì bỗng tìm được Viagra, thuốc cường dương cho nam giới.
Giáo sư Glashow cho rằng, nghiên cứu cơ bản là một mô hình kiến tạo tình hữu nghị và nền hòa bình giữa các dân tộc. Thành tựu khoa học cơ bản là thành tựu chung của loài người không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, màu da, giới tính. Trên tinh thân đó, Trung tâm khoa học quốc tế và giáo dục liên ngành tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định của Việt Nam sẽ là nơi gặp gỡ, hội tụ các nhà khoa học quốc tế, truyền cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ sinh viên và nhà khoa học trẻ châu Á.
"Những khám phá khoa học mới nhất sẽ được thông báo thường xuyên tại đây nhằm khuyến khích những nghiên cứu thông qua hợp tác và trao đổi thông tin quốc tế. Đó là cách các nhà khoa học đến từ các nước trên thế giới và giới nghiên cứu, các bạn trẻ Việt Nam làm việc với nhau", Glashow cho biết thêm.
Nhận định về tính hữu ích của nghiên cứu khoa học cơ bản, giáo sư David Gross, người đoạt giải Nobel Vật lý năm 2004 khẳng định, nếu không có khoa học cơ bản thì không thể có khoa học ứng dụng. Những phát minh mới, những kỹ thuật mới đều đến từ khoa học cơ bản. Sự phát triển khoa học ví như một cái cây mà khoa học cơ bản chính là rễ, điều hiển nhiên là nếu không có rễ thì sẽ không có cây.
(Theo VNE)