Giáo dục quyết định chất lượng nhân lực
(BDO) Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn toàn cầu hóa, lợi thế so sánh của sự phát triển kinh tế đang chuyển từ yếu tố tài nguyên, vốn, nhân công giá rẻ sang lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao (CLC). Do vậy, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng là phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) nhằm phát triển nguồn nhân lực CLC. Đổi mới GD-ĐT bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó đổi mới cơ chế tiền lương để đội ngũ giáo viên có thể sống được với nghề là một trong những vấn đề cần được quan tâm.
Nếu nguồn nhân lực CLC là yếu tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia thì GD-ĐT là một trong những yếu tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực, là nền tảng của chiến lược phát triển con người. Trong thời đại ngày nay, giáo dục là yếu tố cơ bản nhất tạo nên sự thành công của mỗi quốc gia. Vì vậy, cần phải đổi mới một cách căn bản, toàn diện nền GD-ĐT, làm cho GD-ĐT thực sự là phương tiện đắc lực để phát triển trí tuệ, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, tạo ra nguồn nhân lực CLC phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đối với Bình Dương, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng để trở thành thành phố thông minh và vùng đổi mới sáng tạo cũng đang đặt ra yêu cầu cấp bách phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực CLC.
Xác định nguồn nhân lực CLC là một đột phá chiến lược để phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã xác định “tập trung đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”. Thực hiện nghị quyết của Đảng về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, trong những năm qua Bình Dương đã quan tâm chăm lo cho ngành GD-ĐT và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, những kết quả đạt được của Bình Dương chỉ dừng lại ở mức phát triển cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục mà chưa thể thay đổi đời sống của đội ngũ thầy cô giáo.
Chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc vào ngành GD-ĐT. Góp phần tạo nên đội ngũ nhân lực đạt chất lượng có vai trò của người thầy. Giáo viên cho dù ở bậc học nào cũng đều là những người góp phần tạo ra nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cho xã hội. Trong khi đó, mức lương của giáo viên chậm được thay đổi. Để có thể theo nghề, không ít giáo viên buộc phải làm thêm nghề tay trái, thời gian dành cho việc nâng cao kiến thức hoặc toàn tâm toàn ý với nghề vì vậy mà giảm sút. Để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có trình độ, đạt chất lượng, trước tiên phải đẩy mạnh đổi mới toàn diện GD-ĐT, trong đó có đổi mới cơ chế tiền lương đối với đội ngũ giáo viên.
Tầm quan trọng của GD-ĐT đối với phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực CLC là đã rõ. Tin rằng với tầm quan trọng như vậy, việc đổi mới cơ chế tiền lương đối với đội ngũ giáo viên sẽ sớm được thực hiện.
LÊ QUANG