Giáo dục pháp luật cho học sinh: Không chỉ là những lời nói suông

Thứ năm, ngày 25/11/2010

Thời gian gần đây, trong xã hội ngày càng có nhiều tội phạm trẻ, không chỉ có những trẻ em lang thang, thiếu giáo dục mới phạm tội, mà có rất nhiều vụ án trái pháp luật đã xảy ra mà hung thủ là những học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Hầu hết những trẻ này phạm tội là do không hiểu biết về pháp luật.

Cách đây không lâu, vụ một số em học sinh lớp 6, trường THCS P. TX.TDM đã dùng dao đe dọa trấn lột tiền của các bạn học; vụ 5 nữ sinh trường T. huyện Thuận An hành hung cô giáo chỉ vì lý do đi học trễ bị cô ghi tên và mới đây là vụ các nữ sinh trường T.P đánh nhau được tung lên mạng... đã gây chấn động trong tâm lý người dân.

Cần tăng cường giáo dục pháp luật cho các em từ trong nhà trường

Hầu hết các em khi bị bắt, đều trả lời rằng không hề biết hành vi đó vi phạm Luật Hình sự mà chỉ nghĩ đó là cách giải quyết mâu thuẫn cá nhân bình thường mà thôi. Thậm chí khi thực hiện hành vi phạm các tội nghiêm trọng như giết người, các em cũng không nhận thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo bà Nguyễn Thị Oanh, thạc sĩ phát triển cộng đồng thì hiện tượng “trẻ hóa tội phạm” là hậu quả của việc quản lý xã hội lỏng lẻo. Bà cho rằng: “Bạo lực học đường” luôn hiện diện một cách ngấm ngầm, khi trẻ có xu hướng kết hợp với nhau để cô lập, ăn hiếp một trẻ khác. Bạo lực học đường bao gồm cả khi thầy đánh trò và mượn tay học trò khác để trừng phạt các em. Đây là tấm gương xấu nhất vì qua đó các em xem chuyện đánh đập là bình thường và bắt chước. Ở các nước, một người lớn bị bắt gặp đánh trẻ là phải ra tòa. Bạo lực tăng cường về mức độ cũng do bầu không khí “bạo lực” chung của xã hội.

Thầy Đào Văn Nghị, một giáo viên huyện Thuận An cho rằng: “Sở dĩ ngày càng có nhiều em học sinh phạm luật là do hiện nay, trẻ được dạy pháp luật duy nhất mới chỉ trong trường học, mà chính xác đó mới chỉ là một số tiết của môn giáo dục công dân. Ở các trường mầm non, trẻ được dạy một số kiến thức sơ đẳng như  đèn đỏ dừng lại, đèn xanh được đi, khi đi phải đi bên tay phải... Lên các lớp lớn hơn, các em được dạy thêm một chút kiến thức như quyền trẻ em. Còn hầu như các em không có hiểu biết căn bản về pháp luật”. Cô Huỳnh Thu Nguyệt, một giáo viên mầm non cũng cho biết: “Thậm chí, có trường hợp cha mẹ còn vô tình dạy con cách sống thiếu văn minh hoặc vi phạm pháp luật như vứt rác bất cứ nơi đâu hoặc vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông. Một số trẻ còn vi phạm pháp luật khi phải chứng kiến những cảnh bạo lực trong gia đình hoặc là nạn nhân của bạo lực gia đình. Các em bị bố mẹ trừng phạt bằng cách bạo hành tinh thần hoặc thể chất khiến trong nhận thức của các em, đó là hành vi bình thường, người lớn làm được thì mình cũng làm được”.

Bạo lực trẻ em ở đâu cũng có. Nếu cô thầy tâm lý hơn một chút cũng dễ phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Tiếc rằng thầy cô chỉ được chuẩn bị để dạy chữ. Chính vì vậy, để góp phần làm giảm tình trạng học trẻ vi phạm pháp luật, không chỉ đơn giản là những bài lý thuyết suông mà cần tăng cường giáo dục pháp luật cho các em từ trong nhà trường, ngoài xã hội như: hoạt động tuyên truyền của Đội thiếu niên, Đoàn thanh niên... thông qua các buổi sinh hoạt với cách thức sinh động, lôi cuốn sự tham gia của các em. Ngoài ra, các phòng xã hội, phòng tham vấn tâm lý học đường cũng góp phần không nhỏ vào việc làm giảm bớt nạn bỏ học và các vấn đề tệ nạn trong học đường.

Đặc biệt, cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc giáo dục pháp luật cho con. Cha mẹ phải là người có ý thức tuân thủ pháp luật và phải đề ra những nguyên tắc nhất định để con trẻ tuân theo, tôn trọng và dạy trẻ phải biết tôn trọng tự do cá nhân của các thành viên. Đây chính là cơ sở để các em bước đầu biết chấp hành các quy định của pháp luật.

 NGỌC THANH