Giáo dục mầm non: Hiệu quả từ phương pháp dạy học tích cực

Thứ năm, ngày 29/10/2020

(BDO) Hiện nay, tất cả 420 trường mầm non (MN) trong tỉnh đều triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Mục tiêu cuối cùng mà ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) Bình Dương hướng đến là nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục (GD) trẻ, đáp ứng yêu cầu đổi mới GDMN.

 Trẻ ở trường MN Tuổi Ngọc (TP.Thủ Dầu Một) học thông qua trò chơi và sự trải nghiệm

 Đổi mới chăm sóc, giáo dục trẻ

Thực hiện chuyên đề trên, ngoài việc triển khai đồng loạt ở tất cả các trường MN, các phòng GD-ĐT đã chọn 23 trường xây dựng mô hình điểm. Bà Nguyễn Minh Tâm, Phó Phòng GDMN, Sở GD-ĐT, cho hay: “Chúng tôi chọn các trường mang tính đại diện cho các vùng thuận lợi, khó khăn, nông thôn, thành thị để xây dựng mô hình điểm thực hiện chuyên đề. Ngành chỉ đạo các trường MN thực hiện mô hình điểm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, môi trường GD, về tổ chức hoạt động chăm sóc, GD trẻ theo quan điểm GD lấy trẻ làm trung tâm. Các trường thực hiện điểm luôn là những cộng tác viên đắc lực giúp các cấp quản lý rút ra những kinh nghiệm thiết thực, hiệu quả trong quản lý chỉ đạo chuyên môn đại trà”.

Từ khi triển khai thực hiện chuyên đề này từ năm học 2015- 2016, công tác đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng môi trường GD được ngành triển khai thực hiện khá đồng bộ. Bên cạnh việc đầu tư mua sắm, bổ sung trang thiết bị theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phù hợp và đáp ứng yêu cầu của chương trình, mỗi đơn vị đều có những sáng tạo riêng trong việc xây dựng môi trường GD bên trong, bên ngoài nhóm lớp mang tính mở và mang đậm nét truyền thống, văn hóa địa phương. Đến các trường MN trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy nhiều trường bố trí các khu vực như chợ quê, các ngày lễ hội, làng nghề truyền thống, giúp cho các bé có những trải nghiệm cũng như hiểu hơn về cuộc sống của quê hương. Với trường MN Tuổi Ngọc (TP.Thủ Dầu Một), nhà trường tận dụng các góc sân, góc cầu thang, các khoảng trống trong khuôn viên trường… làm phong phú không gian hoạt động của trẻ với nhiều đồ dùng, đồ chơi, nguyên vật liệu khác nhau, tạo cơ hội cho trẻ được hoạt động, được trải nghiệm, khám phá môi trường tự nhiên, môi trường xã hội theo nhiều cách khác nhau, qua đó giúp trẻ phát triển toàn diện.

Bà Nguyễn Minh Tâm thông tin thêm, căn cứ vào chương trình GDMN do Bộ GD-ĐT ban hành, ngành chỉ đạo các trường chú trọng yêu cầu phát triển chương trình GDMN phù hợp với văn hóa, điều kiện thực tế của từng địa phương, của nhà trường, khả năng và nhu cầu của trẻ. Trường MN xây dựng kế hoạch GD theo quan điểm GD toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm với phương châm GD “Học bằng chơi, bằng trải nghiệm”, đặc biệt quan tâm các nội dung GD cá nhân, GD theo nhóm nhỏ trong xây dựng kế hoạch GD hàng ngày.

Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm

Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm”, trong các hoạt động GD, hầu hết giáo viên đều chú trọng tích hợp hiệu quả các nội dung GD kỹ năng sống, cảm xúc, thái độ hành vi, thói quen tốt phù hợp với từng độ tuổi của trẻ. Các cô luôn quan tâm tạo cơ hội, tạo các tình huống để trẻ được thực hành trải nghiệm, khám phá môi trường xung quanh.

Trường MN Ánh Dương (huyện Bàu Bàng) là trường vùng nông thôn đã thực hiện tốt chuyên đề này. Có dịp đến thăm trường, chúng tôi đã cảm nhận được đây là ngôi nhà thứ 2 của trẻ. Với lợi thế diện tích đất rộng, cùng với sự sáng tạo từ cán bộ quản lý đến giáo viên, trường đã thiết kế và tạo một môi trường lý thú, mới lạ để khuyến khích trẻ tham gia hoạt động tích cực. Đó là nhà trường sắp xếp, bố trí, thiết kế các khu vực nuôi chim bồ câu, cá cảnh, trồng nhiều loại hoa, cây cảnh, các loại rau, cây ăn quả. Một môi trường thiên nhiên phong phú, giúp trẻ được thỏa sức khám phá thế giới tự nhiên đầy màu sắc đã được hình thành nơi đây. Cô Cao Thị Thuần, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ sự hỗ trợ nguyên vật liệu của các tổ chức kinh tế, xã hội, trường đã thiết kế các khu vực chơi cho trẻ vừa thoáng mát, vừa có không gian để vận động và thể hiện năng khiếu sáng tạo của mình như: Sân chơi cát, nước, câu cá giải trí, khu vui chơi với các trò chơi dân gian, khu vẽ tranh ngoài trời”.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GD-ĐT, từ khi thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm, các điều kiện về môi trường GD được cải thiện rõ nét, kỹ năng nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo nâng lên, công tác chăm sóc, GD trẻ ngày càng tốt hơn. Từ sự linh hoạt, đa dạng, phong phú hình thức tổ chức các hoạt động GD lấy trẻ làm trung tâm của các trường MN đã tạo điều kiện cho trẻ có nhiều cơ hội được hoạt động, trải nghiệm, khám phá giúp trẻ phát triển hài hòa, toàn diện, tạo được niềm tin ở các bậc cha mẹ.

 Trong giai đoạn 2016-2020, Sở GD-ĐT đã đầu tư kinh phí ngân sách mua sắm đồ chơi vận động thông minh trong nhà, bộ đồ chơi vận động thông minh ngoài sân, bộ thiết bị phát triển ngôn ngữ, làm quen tiếng Anh và kỹ năng tìm kiếm thông tin cho trẻ ở các trường MN công lập với kinh phí trên 266 tỷ đồng. Đến cuối năm học 2019-2020, tỷ lệ nhóm, lớp trong trường MN có đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi đạt 97,85%, trong đó lớp mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%.

 ÁNH SÁNG