Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ mầm non

Thứ hai, ngày 12/03/2018

(BDO) Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, nhất là trẻ ở các lứa tuổi mầm non (MN) hiện nay được các trường MN ở Bình Dương thực hiện hiệu quả bằng việc hướng dẫn lồng ghép, tích hợp các nội dung giáo dục kỹ năng sống vào các môn học, các hoạt động giáo dục ngoài giờ, trải nghiệm theo phương châm học mà chơi, chơi mà học...

 Cho trẻ kỹ năng tự phục vụ

Thương con, không muốn con đi học sớm nên nhiều phụ huynh thuê người giúp việc, hoặc nhờ ông bà chăm sóc bé đến khi lớn mới tập làm quen với môi trường mẫu giáo để lấy cơ sở lên lớp 1. Chính vì quá bảo bọc con, một số gia đình vô tình đánh mất đi một số kỹ năng tự phục vụ cho bé khiến bé phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Đó là tâm sự chung của nhiều phụ huynh cho trẻ đến trường muộn. “Tôi thật sự hối hận khi không cho bé đi học sớm. Cho bé ở nhà, cái gì ba mẹ, ông bà cũng làm cho nên bé thường ỷ lại, trông chờ không biết tự làm một số việc nhỏ”, chị Mai Thị Hồng, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một nói.

Các em học sinh trường Mầm non Đom Đóm học làm hoa tặng mẹ nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3

Ngược lại với những bé quá được nuông chiều, được bảo bọc trong gia đình, các bé tại các lớp MN trong tỉnh hoàn toàn khác. Đến tham quan các lớp học tại trường MN Đoàn Thị Liên (phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một), trường MN Mặt Trời Đỏ (phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một)… các bé tuy nhỏ nhưng đã tự múc ăn, tự uống nước, tự mặc áo quần và một số kỹ năng vệ sinh cá nhân. Các bé còn rất lễ phép khi có người lạ đến thăm. Đó là biện pháp giáo dục của các trường MN trong tỉnh để bé nâng cao kỹ năng tự phục vụ. Cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng trường MN Mặt Trời Đỏ cho biết, ở mỗi lứa tuổi các bé được học tập những kỹ năng riêng. Từ 2 - 3 tuổi, trẻ sẽ được học các kỹ năng chào hỏi, lễ phép với người lớn, biết cảm ơn và xin lỗi. Lớn lên thêm một chút, trẻ được học về kỹ năng bảo vệ mình như tránh xa các nơi nguy hiểm; bảo vệ môi trường, vệ sinh răng miệng, cơ thể; tự phục vụ mình như tự mặc quần áo, xếp áo quần và để đúng nơi quy định…; làm việc nhóm và giải quyết các tình huống đơn giản trong cuộc sống. Có như vậy, các bé sẽ nhận thức được mọi thứ xung quanh, biết rằng mình đã khôn lớn để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, người thân.

Nhận biết mọi thứ xung quanh

Ngoài việc dạy cho trẻ tự chăm sóc bản thân, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, các trường MN trong tỉnh còn tổ chức những buổi học ngoại khóa cho các em tại các trung tâm thương mại, nhà vườn, khu vui chơi… để các em nhận biết mọi thứ xung quanh. Tại trường MN Việt - Anh, mỗi tháng một lần các em được tham gia một lớp ngoại khóa. Có khi các em tập mua bán tại khu vui chơi các siêu thị; trồng cây, rau quả tại nhà vườn; lựa chọn sách hay tại nhà sách… Đối với trường MN Đom Đóm, các em có hẳn một khu vườn nhỏ để cùng ươm mầm các loại cây giống; được tham quan các khu du lịch; hay cùng các cô thăm, tặng quà các em tại các cơ sở, trung tâm bảo trợ xã hội.

Chị Nguyễn Thị Hoài Trúc, mẹ của bé Trần Thiện Nhân cho biết, trước đây con trai chị rất nhút nhát, thấy người lạ thường khóc thét lên nhưng từ khi theo học tại trường MN Việt - Anh, được các cô cho đi chơi nhiều, khám phá nhiều thứ bé đã mạnh dạn hơn. Có lần tham gia trồng rau tại vườn ươm, bé về tự ra vườn làm cho mình luống rau và kêu mẹ mua hạt giống. Hay mỗi lần đi chợ, siêu thị bé đã biết lựa những thứ cần thiết cho bản thân chứ không thấy gì cũng đòi như trước. Thấy con nhanh nhẹn, hiểu biết nhiều thứ những bậc phụ huynh như tôi cũng cảm thấy hạnh phúc, an tâm. Cô Nguyễn Thị Ngọc Yến, Hiệu trưởng trường MN Đom Đóm nói, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa, lồng ghép các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống cho các em thông qua các hoạt động như kể chuyện về Bác Hồ, tổ chức hội thi nhanh trí, ngày hội thể thao, hội chợ quê của bé… Qua đó, giúp các em được phát triển toàn diện từ trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo, đồng thời phát huy sự nhanh nhạy, khéo léo. Ngoài ra, các hoạt động tập thể này còn giúp trẻ sống hòa đồng, gắn bó và giúp cho sự phát triển tư duy, nhân cách. Ở mỗi lứa tuổi lại có những kỹ năng khác nhau, trong quá trình giảng dạy các cô đều có những phương pháp giảng dạy phù hợp. Cũng theo cô Yến, để giáo dục hoàn thiện các kỹ năng sống cho trẻ, ngoài nhà trường còn cần có sự đồng hành của gia đình. Các bậc phụ huynh hãy dành thời gian trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho trẻ, giúp trẻ sớm có ý thức để làm chủ bản thân, sống tích cực, tự tin.

Đại diện Phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết, hiện nay nhiều học sinh còn thiếu kỹ năng sống cần thiết, biểu hiện ở việc hạn chế trong vấn đề giao tiếp, đứng trước đám đông không thể hiện được hết khả năng của mình, nhất là trong việc diễn đạt và chưa biết cách bảo vệ bản thân. Do vậy, những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động phù hợp để đưa kỹ năng sống đến với học sinh thông qua việc lồng ghép trong các bài học hoặc tổ chức các hoạt động ngoại khóa. Từ đó, nhằm giúp các em bắt nhịp với cuộc sống, tự bảo vệ mình trước những tình huống nguy hiểm, chuẩn bị hành trang vững chắc trong cuộc sống…

 

TỐ TÂM