Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bậc tiểu học: Cần tăng cường các giải pháp
Từ năm học 2010-2011, Bộ GD-ĐT đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống (KNS) lồng ghép vào các môn học ở bậc tiểu học. Đây là một chủ trương cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, để giáo dục KNS cho học sinh (HS) đạt hiệu quả đòi hỏi nhiều yếu tố chứ không chỉ từ các bài giảng.
Học để tự tin, tự lập
Giáo dục KNS cho HS là một nội dung được đông đảo phụ huynh và dư luận quan tâm, bởi đây là một chương trình giáo dục hết sức cần thiết đối với HS. Thật ra, việc giáo dục KNS cho HS được ngành GD-ĐT đặt ra từ lâu, nhưng lâu nay do Bộ GD-ĐT chưa ban hành bộ chuẩn về giáo dục KNS cho HS để định hướng chung nên mỗi trường dạy mỗi kiểu. Cùng với đó, việc giáo dục kỹ năng này tại các trường học mới chỉ dừng lại ở các tiết học về giáo dục công dân. Từ năm học 2010-2011, Bộ GD-ĐT chủ trương đưa nội dung giáo dục KNS đại trà vào các trường bằng cách tích hợp vào các môn học và các hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Những buổi sinh hoạt ngoại khóa của trường tiểu học Dĩ An luôn thu hút đông đảo các em học sinh
Lo lắng trước những cảnh báo về một lớp trẻ thiếu KNS, tranh thủ những tháng nghỉ hè vừa qua, không ít phụ huynh bên cạnh việc cho con đi học ngoại ngữ, năng khiếu, thể thao... cũng ráo riết tìm kiếm những trung tâm huấn luyện KNS cho trẻ với kỳ vọng: Trẻ sẽ có đủ tự tin, bản lĩnh để vững bước vào đời. Do đó, việc đưa KNS vào trường học trong năm học này được nhiều phụ huynh tán thành. Bà Trần Thị Hoài Thu, một phụ huynh nhận định: “Tôi nghĩ KNS thực sự không phải là những gì quá cao siêu, phức tạp. Việc giáo dục KNS cho trẻ em bao gồm những nội dung hết sức đơn giản, gần gũi với trẻ em, là những kiến thức tối thiểu để các em có thể tự lập... Và mục đích quan trọng nhất là giúp các em tự tin hơn, tự lập hơn trong cuộc sống”.
Cô Huỳnh Lê Mai, một giáo viên tiểu học thì cho rằng: Để rèn luyện KNS nên cho HS chơi những trò chơi tương tác, những trò chơi dân gian để các em rèn luyện tính tập thể, khả năng làm việc nhóm; cho HS đi tham quan các di tích lịch sử; tham gia các trò chơi vận động... để từ đó xây dựng tinh thần chia sẻ, ý thức trách nhiệm. KNS sẽ được hình thành một cách tự nhiên và hiệu quả trong chính những môi trường hoạt động cụ thể như vậy chứ không phải chỉ từ những bài giảng trên lớp.
Nhiều ý kiến cho rằng, các trường học hiện nay đã quá nặng về dạy kiến thức, ít quan tâm đến việc giáo dục KNS cho HS dẫn đến có một bộ phận HS trong các trường thiếu hụt hiểu biết về môi trường xung quanh, ứng xử cần thiết trong cuộc sống. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong hành vi, lối sống đạo đức của nhiều HS. Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, giáo dục KNS cho HS phải bảo đảm các yếu tố: giúp HS ý thức được giá trị của bản thân trong mối quan hệ xã hội; giúp HS hiểu biết về thể chất, tinh thần của bản thân mình; có hành vi, thói quen ứng xử có văn hóa, hiểu biết và chấp hành pháp luật... Tuy nhiên, giáo dục KNS để đạt hiệu quả đòi hỏi nhiều yếu tố chứ không phải chỉ từ các bài giảng.
Trách nhiệm của cộng đồng
Giáo dục KNS đòi hỏi tính chủ động của HS đầu tiên. Vì vậy, nếu chỉ đưa vào chương trình lồng ghép với các môn học liệu có hiệu quả, nhất là khi giáo viên chỉ mới làm quen với các tài liệu hướng dẫn từ đầu năm học này. Cô Vũ Bích Hằng, Hiệu Trưởng trường tiểu học Dĩ An cho biết: “Giáo dục KNS chỉ thật sự có hiệu quả khi người thầy có tâm huyết, sự kiên nhẫn và nhất là phải có thời gian. Giáo dục KNS không phải chỉ là công việc của giáo viên, nhà trường mà của cả xã hội, cộng đồng. Phải kết hợp cả gia đình, nhà trường và xã hội mới mong đào tạo được những HS phát triển toàn diện”.
Thuận lợi lớn của giáo viên hiện nay, đó là Bộ GD-ĐT đã phát hành tài liệu giáo dục KNS cho HS. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Hiếu cho biết: “Cùng với việc tổ chức tập huấn cho đội ngũ cốt cán của các trường, năm học này Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường học tăng cường rèn luyện KNS cho HS. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”. Mỗi thầy cô giáo tâm huyết, trách nhiệm hơn trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho HS. Giáo viên các trường học không chỉ nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, mà còn thường xuyên quan tâm đến đời sống, tâm tư tình cảm của HS. Các trường cần tăng cường trao đổi thông tin với gia đình một cách thường xuyên, liên tục. Mặt khác, vai trò của gia đình vô cùng quan trọng trong định hướng, giáo dục, động viên giúp HS tránh xa tệ nạn xã hội, bố trí thời gian học tập, vui chơi phù hợp. Vì vậy, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương trong quản lý, giáo dục HS trong và ngoài nhà trường. KNS của mỗi người được hình thành qua quá trình rèn luyện, phấn đấu. Nên cùng với những kiến thức có được từ các lớp học, rất cần cha mẹ đồng hành cùng con để hỗ trợ KNS cho con phù hợp với lứa tuổi và thực tế cuộc sống”.
NGỌC THANH