Giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên: Cần đẩy mạnh hơn nữa
Để các em hiểu rõ quá trình phát triển tâm sinh lý của bản thân; giải thích cho các em biết thế nào là tình dục để có kỹ năng từ chối; và cuối cùng là phải hướng dẫn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) để các em tự bảo vệ bản thân khỏi mang thai ngoài ý muốn, dẫn đến những tác hại đáng tiếc do nạo phá thai... đó là những vấn đề cần phải giáo dục cho trẻ từ lứa tuổi vị thành niên (VTN). Thế nhưng thực tế hiện nay, giáo dục giới tính (GDGT) cho trẻ VTN vẫn còn là vấn đề nhạy cảm.
GDGT cho trẻ VTN chưa được quan tâm đúng mức
Bác sĩ Vũ Thị Kim Tính, Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), Giám đốc Trung tâm Tư vấn Dịch vụ Chăm sóc SKSS/KHHGĐ Thân Thiện cho biết, hiện nay vấn đề GDGT cho trẻ VTN (từ 10 - 19 tuổi) rất ít được quan tâm. Cha mẹ thì... ngại nói chuyện giới tính với con vì nhạy cảm. Còn thầy cô giáo thì vẫn còn tâm lý e ngại khi đề cập đến vấn đề tình dục. Việc này tôi thấy rất rõ khi đi tư vấn cho các em tại các trường THCS, THPT. Và các trường càng xa trung tâm thì sự lơ mơ của các em về giới tính càng rõ. Trong khi đó, mong muốn, thắc mắc của các em rất nhiều... Và khi những thắc mắc, mong muốn đó không biết hỏi ai thì các cháu tự chia sẻ với nhau. Điều này vô cùng nguy hiểm vì kiến thức lơ mơ thì các cháu cũng sẽ hiểu lơ mơ... dẫn đến hành động sai, lệch lạc. Hậu quả của vấn đề này rất rõ, đó là tỷ lệ trẻ VTN nạo phá thai rất cao.
Các buổi tư vấn về SKSS, tình dục, các biện pháp tránh thai… luôn thu hút các em học sinh tham gia
Từ tháng 4 đến 11, Tỉnh hội đã tổ chức được 12 chuyến tư vấn đến 11 trường học trên địa bàn tỉnh. Trong tổng số 2.304 VTN nhận dịch vụ tư vấn về SKSS/SKTD các biện pháp tránh thai, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và cách phòng chống, kể cả HIV/AIDS thì có đến 499 câu hỏi của các em thắc mắc về tình yêu, tình bạn khác giới; tình dục, các biện pháp tránh thai và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; và sự phát triển tâm sinh lý... Đáng báo động là có 133/499 câu hỏi thì đặt vấn đề tình dục vào chuyện đã rồi như: quan hệ một lần có thai hay không, dùng thuốc tránh thai khẩn cấp nhiều có bị ảnh hưởng không, quan hệ ngày nào là an toàn... Qua đó cho thấy nhu cầu các em rất lớn, trong khi số được tư vấn rất hạn chế. Vì thế GDGT cho trẻ VTN không chỉ dừng lại ở hội mà phải là trách nhiệm của ngành y tế, nhà trường để định hướng đúng cho các em.
Vẽ đường cho hươu chạy... đúng
Để xã hội không phải chịu cảnh đau lòng bởi những bà mẹ là trẻ con, trẻ sinh ra bị bỏ rơi, hay những cô gái ôm nỗi đau bởi những biến chứng của nạo phá thai như: thủng tử cung, nhiễm trùng... dẫn đến vô sinh. Hội KHHGĐ đã triển khai dự án Salin Plus - đây là một dự án phi Chính phủ do Hà Lan tài trợ. Mục tiêu là cung cấp các dịch vụ thân thiện, nâng cao kiến thức về chăm sóc SKSS cho VTN, thanh niên (TN).
Bác sĩ Vũ Thị Kim Tính cho biết, triển khai dự án này thì VTN - TN có thêm một địa chỉ thân thiện để chia sẻ thông tin, cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS mang tính thân thiện đặc thù với lứa tuổi của các em. Trước đây vấn đề này chỉ có ngành y tế thực hiện, mà y tế thì hầu như chỉ mới đem đến việc cung cấp dịch vụ, còn mảng tư vấn thì còn bỏ ngỏ.
GDGT cho trẻ VTN - TN thay vì né tránh thì phải đẩy mạnh tư vấn, giáo dục cho các em hiểu tường tận. Tuy nhiên điều quan trọng là phải tùy theo từng lứa tuổi để tư vấn cho phù hợp. Ghi nhận thực tế ở những trường được tư vấn thì khi quay trở lại, kiến thức của các em khá hơn, hiểu biết rõ hơn. Thầy Phạm Hoàng Long, trường THCS Chu Văn An chia sẻ: Nhà trường rất quan tâm đến việc GDGT cho các em học sinh. Ngoài việc giáo viên trực tiếp giảng dạy thì năm vừa qua, nhà trường đã cũng 2 lần mời những chuyên gia về tư vấn cho các em. Nhờ đó, kiến thức của các em về giới tính, tình dục an toàn khá tốt.
“Thà vẽ đường cho hươu chạy để nó chạy đúng hướng, còn hơn không vẽ để nó chạy tùm lum” như bác sĩ Tính nói đang được triển khai thực hiện, tuy nhiên kết quả còn rất hạn chế. Vì thế, GDGT cho trẻ VTN - TN cần được đẩy mạnh hơn để giảm dần tình trạng nạo phá thai, trẻ sinh ra bị bỏ rơi.
THU THẢO