Giáo dục đã vươn mình...

Thứ năm, ngày 30/04/2020

(BDO) Những ngày tháng 4 lịch sử, cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng đang nhìn lại sự phát triển qua 45 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cùng với sự đi lên của tỉnh nhà, sự nghiệp giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) đã có sự phát triển vượt trội, có thể sánh vai với các tỉnh, thành trong nước về chất lượng.


Trường lớp trên địa bàn tỉnh được đầu tư khang trang, hiện đại. Trong ảnh: Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (TP.Thủ Dầu Một) vừa được đầu tư xây dựng mới

Chất lượng vượt trội

Mục tiêu của giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. GD-ĐT là yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, do đó tỉnh luôn quan tâm đầu tư cho giáo dục. Từ sự đầu tư có trọng tâm, sự nghiệp giáo dục phát triển không ngừng. Chỉ tính trong những năm gần đây, giáo dục Bình Dương đã gây sự chú ý cho các tỉnh, thành bạn, bởi sự bứt phá về chất lượng giáo dục. Tại các kỳ thi học sinh (HS) giỏi quốc gia trong những năm gần đây, đoàn HS tỉnh nhà đạt được nhiều giải hơn, đặc biệt có năm đạt được giải nhất; riêng năm 2020 đạt 34 giải, gồm: 5 giải nhì, 11 giải ba, 18 giải khuyến khích.

Chất lượng giáo dục tỉnh nhà đã trở thành hiện tượng, được phản ánh qua kết quả kỳ thi THPT quốc gia hàng năm. Riêng năm học 2018-2019, qua thống kê cho thấy, phổ điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp THPT xếp hạng 4/63, trong đó môn tiếng Anh xếp hạng 2 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đánh giá về chất lượng giáo dục, bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT nhìn nhận, tính đến đầu năm học 2019-2020, giáo dục Bình Dương đạt nhiều kết quả khả quan ở tất cả các cấp học. Ở bậc giáo dục tiểu học, tỷ lệ HS hoàn thành chương trình đạt 99,99%; đối với giáo dục THCS, tỷ lệ HS lớp 9 tốt nghiệp THCS đạt 95,95% và có 98,65% HS tốt nghiệp THPT.

“Đánh giá về chất lượng, chỉ riêng giáo dục trung học đã bảo đảm HS được trang bị kiến thức phổ thông và những kiến thức về công nghệ, về nghề phổ thông. Mức trang bị kiến thức cho HS trung học đã đạt tốt, chất lượng giáo dục trung học của ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã nằm trong nhóm đầu các tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hiện nay chất lượng một số mặt hoạt động giáo dục đã vươn lên tốp đầu quốc gia”, bà Sáng đánh giá.

Cơ sở vật chất liên tục được đầu tư

Để làm nên chất lượng như đã nêu trên, ngoài chú trọng phát triển đội ngũ, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp luôn được tỉnh ưu tiên. Thực tế cho thấy, sự phát triển rõ nét nhất của giáo dục tỉnh nhà là cơ sở vật chất trường lớp. Là một địa phương phát triển công nghiệp, hàng năm tỉnh tăng thêm hàng chục ngàn HS các cấp, vậy mà trường lớp trên địa bàn tỉnh cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu học tập của con em nhân dân. Đó là do ngành GD-ĐT đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố tham mưu tỉnh đầu tư xây dựng trường lớp, nhất là ở những địa bàn phát triển công nghiệp. Tính đến cuối năm 2019, toàn ngành giáo dục có 676 trường học và trung tâm, với 483.675 HS các cấp học. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 8 trường đại học, trong đó có 3 trường ngoài công lập; 71 trung tâm và 20 chi nhánh ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa và luyện thi đại học...

Trường lớp không chỉ đáp ứng được nhu cầu học tập, mà còn được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 305/383 trường, trung tâm công lập được lầu hóa, đạt tỷ lệ 79,63%. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cũng được tỉnh quan tâm đầu tư. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 72,6% trường đạt chuẩn quốc gia. Đáng chú ý là tỉnh đã đạt chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020 trước thời hạn.

Bên cạnh bảo đảm trường, lớp phục vụ cho việc dạy và học, không có trường hợp học ca ba, ngành còn cung cấp đầy đủ thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục, đặc biệt là số trường được đầu tư thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại được tăng lên. Cùng với đó, ngành GD-ĐT còn mua sắm bổ sung, thay thế thiết bị dạy học để đáp ứng nhu cầu dạy và học của các trường. Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, ngành đã đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc, đồ dùng dạy học cho các trường mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, bồi dưỡng nghiệp vụ với tổng kinh phí 1.239 tỷ 961 triệu đồng

Sau 45 năm phát triển, GD-ĐT tỉnh nhà đã có bước phát triển rõ nét, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đáp ứng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trong suốt quá trình phát triển, ngành GD-ĐT luôn quan tâm công tác chuẩn hóa đội ngũ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục để bảo đảm tốt việc hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra và thực hiện hiệu quả công tác đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.

(Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT)

 

 ÁNH SÁNG