Giáo dục Bình Dương bứt phá về chất lượng

2020-01-17 08:34:42

Năm 2019 đã trôi qua, thêm một lần nữa giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tỉnh nhà đã ghi được dấu ấn đậm nét về chất lượng. Từ kết quả thi học sinh (HS) giỏi cấp quốc gia, thi THPT quốc gia năm 2019, Bình Dương có thể tự hào bước lên nấc thang mới, nấc thang của trí tuệ và tài năng sáng tạo.

 HS trung học làm quen với STEM qua cuộc thi Robocon

 Tự hào về chất lượng

Nhớ lại kết quả giáo dục trong năm qua, chúng tôi vẫn còn đó cảm giác thăng hoa bởi chất lượng giáo dục đã có sự đổi thay vượt bậc. Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bình Dương đã có sự bứt phá đáng tự hào. Toàn tỉnh có 95,17% HS tốt nghiệp THPT, trong đó tỷ lệ tốt nghiệp khối THPT đạt 98,65%; điểm trung bình chung các môn thi xếp hạng 4/63 tỉnh, thành trên cả nước; tỷ lệ điểm trung bình của 8/9 môn thi được xếp trong tốp 10 các tỉnh, thành phố, riêng môn tiếng Anh được xếp thứ hai.

Ở đấu trường HS giỏi quốc gia, HS tỉnh nhà cũng đã lập được kỳ tích. Trong 3 năm gần đây, kết quả HS đạt giải HS giỏi quốc gia tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Năm 2017 đạt 15 giải; năm 2018 đạt 24 giải, trong đó có 4 giải nhì, 7 giải ba; năm 2019 đạt 29 giải, trong đó có 1 giải nhất ở môn tin học, 4 giải nhì, 8 giải ba, đây là lần đầu tiên Bình Dương có giải nhất ở cuộc thi HS giỏi cấp quốc gia.

Rõ ràng, chất lượng GD-ĐT của tỉnh nhà đã được cải thiện và nâng tầm về chất lượng. Chất lượng dạy và học ở các cấp tăng hơn so với năm học trước, thể hiện qua tỷ lệ HS hoàn thành chương trình tiểu học, HS tốt nghiệp THCS và THPT và kết quả thi HS giỏi cấp tỉnh. Tâm sự với chúng tôi, bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ: “Việc xây dựng và đẩy mạnh phong trào HS giỏi cũng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng sư phạm của đội ngũ giáo viên. Thầy cô đã nâng cao chất lượng dạy học theo tinh thần đổi mới ngay ở những tiết học bình thường trên lớp, tổ chức hướng dẫn HS về nhà tự học và học tập theo nhóm, đặc biệt là đối với HS giỏi, HS có năng khiếu”.

Đổi mới quản lý, giảng dạy

Hiện nay toàn ngành có 20.311 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn chiếm 99,89%. Con số này cho thấy, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu hợp lý, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Người thầy là nhân tố quyết định làm nên chất lượng. Với lòng yêu nghề, chịu khó đầu tư, nghiên cứu của thầy cô giáo đã tạo nên chất lượng giáo dục tỉnh nhà trong năm 2019. Thực tế cho thấy, nhìn lại năm 2019, toàn ngành nói chung và từng nhà giáo đã thực hiện đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy, đúng với phương châm: “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở GD-ĐT, phần lớn các trường đã được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ cho giảng dạy, phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin. Từng nhà trường tiếp tục tập trung đổi mới đồng bộ phương pháp dạy - học và giáo dục, đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của HS theo hướng phát triển năng lực, tăng cường kỹ năng thực hành; vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Các trường thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của HS. Trường học các cấp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học, tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ nét về chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Một đất nước muốn phồn vinh thì cần có đội ngũ trí thức có trí tuệ và tài năng sáng tạo. Với sự tận tâm, tận tụy, nỗ lực đổi mới sáng tạo của đội ngũ nhà giáo tỉnh nhà, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực theo xu hướng phát triển của thời đại.

 ÁNH SÁNG

Báo Bình Dương