Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh tiểu học: Đa dạng các hình thức
An toàn giao thông (ATGT) luôn là vấn đề nóng ở mọi thời điểm, bởi gần như ngày nào cũng xảy ra tai nạn giao thông, có những vụ gây ra cái chết cho nhiều người, trong đó có trẻ em. Việc giáo dục ý thức chấp hành luật lệ giao thông cần được thực hiện từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Chú trọng công tác này, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đã tăng cường giáo dục ATGT cho học sinh (HS), nhất là HS tiểu học.
(BDO)
Đoàn giáo viên, HS tỉnh dự giao lưu ATGT cấp quốc gia. Ảnh: H.THÁI
Khi còn ở lứa tuổi tiểu học, HS rất dễ tiếp thu những kiến thức mới, việc giáo dục ATGT sớm sẽ tạo cho các em có thói quen từ nhỏ. Vậy nên, từ khi các em bước vào lớp 1 đã được làm quen với những bài học về vấn đề này. Việc giáo dục không chỉ là những lời giáo điều khô cứng theo sách vở, mà thầy cô lồng ghép qua các hoạt động ngoại khóa, qua tổ chức hoạt động vui chơi.
Bà Nguyễn Thị Kim Tuyết, Phó phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT, cho biết theo chỉ đạo của sở, các trường tiểu học tổ chức giáo dục lồng ghép trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa… đối với các trường có tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tổ chức các hoạt động thi năng khiếu về ATGT như: vẽ tranh, tiểu phẩm, văn nghệ vào hàng tháng, quý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HS vừa phát huy năng khiếu, vừa tuyên truyền sâu rộng đến từng đối tượng HS về vấn đề ATGT. Việc giảng dạy giáo dục ATGT từ lớp 1 đến lớp 5 bắt đầu thực hiện từ học kỳ II theo quy định của Bộ GD-ĐT. Để thực hiện tốt nội dung này, ngành rà soát thiết bị, sách HS, sách giáo viên về giảng dạy, trang bị đủ cho các trường để giảng dạy vào đầu học kỳ II.
Để hoạt động dạy và học của thầy trò được thực hiện bài bản, sở đã tổ chức tập huấn công tác giáo dục ATGT cho cán bộ quản lý các trường và giáo viên là khối trưởng những khối lớp giúp các trường nắm vững phương pháp giảng dạy, chủ động bố trí thời gian và nội dung hợp lý đối với các hoạt động dạy học và giáo dục ATGT để thực hiện chương trình và sách quy định cho mỗi lớp. Theo quy định, giáo viên dạy 6 tiết lý thuyết và 2 tiết thực hành trong năm. Cô Hồng Ngân, giáo viên trường Tiểu học Bình Quới (TX. Thuận An), cho biết giáo viên thực hiện chương trình môn học giáo dục ATGT một cách linh hoạt, bảo đảm vừa sức, phù hợp với thực tiễn giáo dục địa phương và các nhóm đối tượng HS theo đúng tài liệu hướng dẫn dạy học theo chuẩn của chương trình. Soạn giáo án dạy học các bộ môn đều có tích hợp lồng ghép nội dung này cho các em.
Đi đôi với hoạt động giáo dục, trong năm học 2014- 2015, Sở GD-ĐT còn tổ chức nhiều cuộc thi về ATGT cho HS. Trong tháng 4, ngành tổ chức Hội thi tìm hiểu về ATGT dành cho HS lớp 4 với hơn 700 HS tham gia các hình thức: đố em tìm hiểu kiến thức, tiểu phẩm, thơ ca hò vè, vẽ tranh… tuyên truyền về ATGT. Thông qua từng nội dung thi, các em đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về vấn đề này. Qua đó cho thấy, công tác giáo dục ở các trường đã đi vào thực chất. Một lần nữa thầy trò tỉnh nhà khẳng định sự am hiểu về ATGT khi đạt giải ở hội thi giao lưu ATGT cấp quốc gia năm học 2014- 2015. Kết quả, có 2 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi, đội tuyển với 15 HS dự thi đã đoạt giải nhất thi kiến thức, giải nhì vẽ tranh và giải nhất tiểu phẩm.
Bà NGUYỄN THỊ KIM TUYẾT, Phó phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT:
Cùng với đổi mới hình thức giáo dục ATGT cho HS, ngành GD-ĐT còn phát động trong giáo viên nghiên cứu khoa học, viết đề tài, sáng kiến kinh nghiệm (SKKN)… Hàng năm, trong tổng số SKKN cấp tỉnh, sáng kiến về giáo dục ATGT mỗi năm đều tăng về số lượng và chất lượng. Kết quả qua từng năm học các đề tài, SKKN đều có những nét mới, phát hiện được nhiều vấn đề mới, hiệu quả trong nâng cao chất lượng công tác giáo dục ATGT cấp tiểu học.
H.THÁI