Gian nan giữ nghề bánh tráng

Thứ hai, ngày 21/05/2018

(BDO) Nghề làm bánh tráng ở xã Phú An, TX.Bến Cát từ lâu đã được nhiều người biết đến. Tuy vậy, số gia đình làm nghề này ở đây ngày một ít đi, do thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, nguồn thu nhập còn thấp… 

Nghề làm bánh tráng ở xã Phú An, TX.Bến Cát đã có cách đây vài chục năm. Vào thời hoàng kim, toàn xã có hơn 100 hộ làm bánh tráng, nhưng đến nay chỉ còn vài hộ gắn bó với nghề này. Ông Nguyễn Thanh Răng, ở ấp Bến Giảng là một trong số ít người còn giữ nghề làm bánh tráng truyền thống trong xã.

Cơ sở làm bánh tráng của ông Nguyễn Thanh Răng. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

Ông Răng, người đã có hơn 30 năm trong nghề, được gia đình truyền lại cho nghề làm bánh. Chia sẻ bí quyết làm bánh tráng, ông cho biết, để có được bánh ngon, bảo đảm độ dẻo, dai của bánh cần phải qua nhiều công đoạn như pha bột, đổ bánh… Đây là một công đoạn đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm, khéo léo để tráng bánh đạt độ mỏng và kích cỡ đều như nhau. Đổ bánh, rồi hấp bánh thường diễn ra liên tục, nối tiếp nhau, đòi hỏi người thợ phải đều tay, để một cái bánh vừa chín tới đặt lên tấm phên thì cái bánh tiếp theo cũng đổ vừa xong để hấp. Việc phơi bánh cũng phải được tính toán kỹ, để tùy theo độ nắng mà bánh tráng được phơi bao lâu cho đủ nắng...

Ông Răng chia sẻ thêm, với những hộ làm bánh tráng thủ công, tuy công sức bỏ ra khá nhiều nhưng ngày nào thời tiết thuận lợi cũng chỉ kiếm được từ 100.000 - 200.000 đồng; hôm nào trời bất ngờ đổ mưa, bánh phơi không đủ nắng hoặc gom vào không kịp bị mưa ướt khiến bánh sượng, bị khách chê, coi như làm không công.

Những năm qua, nhiều gia đình làm bánh tráng ở xã Phú An đã đầu tư máy móc vào quy trình làm bánh tráng, năng suất nhờ đó được nâng cao. Là người tâm huyết với nghề, ông Răng đã tự tìm tòi học hỏi ở nhiều nơi. Năm 2012, ông đầu tư mua dàn máy tráng bánh tự động, sử dụng lò hơi áp suất cao để nấu bánh với giá hơn 700 triệu đồng. Từ khi có máy móc, cơ sở của ông đã giảm bớt chi phí nhân công, tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở của ông đạt năng suất bình quân 500kg bánh thành phẩm; giải quyết việc làm cho 20 lao động với mức lương trung bình 200.000 đồng/người/ngày.

Từ khi đầu tư máy móc, cơ sở của ông Răng làm ra nhiều bánh hơn, chất lượng bánh tráng cũng cao hơn, tuy nhiên đầu ra cho bánh chưa ổn định. Năm 2014, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã Phú An, ông đã thành lập Tổ hợp tác bánh tráng Phú An với 10 thành viên. Mục đích thành lập tổ hợp tác là để tăng cường hợp tác trong sản xuất, trao đổi, học tập kinh nghiệm, thống nhất quy trình, bảo đảm chất lượng, đồng thời chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, đầu ra ổn định cho sản phẩm. Trước đây, thương lái mua bánh thành phẩm của các hộ làm bánh tráng ở Phú An với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg. Từ khi Tổ hợp tác bánh tráng Phú An ra đời, giá bán bánh tráng cho thương lái đã tăng lên 40.000 - 60.000 đồng/kg; thị trường tiêu thụ ổn định hơn, cũng ít khi bị thương lái ép giá so với trước…

Ông Đoàn Thanh Phước Hậu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú An cho hay, người làm bánh tráng thường phải thức khuya dậy sớm, đội nắng giữa trưa để phơi bánh, lật bánh và thu bánh nên lớp trẻ trong xã hiện nay hầu như không có ai theo nghề, các em chọn đi làm tại công ty, xí nghiệp có thu nhập cao và ổn định hơn. Chính vì thế, việc duy trì nghề bánh tráng ở xã đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện xã đang có một số dự án phát triển nghề làm bánh tráng truyền thống. Hy vọng, các dự án này góp phần gìn giữ nghề làm bánh tráng truyền thống tại Phú An.

THOẠI PHƯƠNG