Giảm tỷ trọng tín dụng phi sản xuất xuống 16%
Thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có quyết định điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2011 từ mức 23% xuống dưới mức 20%, trong đó, giảm tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất (PSX) xuống dưới 16%. Hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) tỏ ra khá băn khoăn bởi mức tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực PSX đang ở mức khá cao, chiếm 26%/tổng dư nợ, với lộ trình 9 tháng thực hiện mục tiêu NHNN chi nhánh Bình Dương đề ra là rất khó khăn khi phải điều chỉnh giảm 10% mức tăng dư nợ này đến cuối năm 2011.
Khó...
Giám đốc NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Bình Dương Phạm Thanh Kỳ cho biết, tỷ trọng vay trong lĩnh vực PSX (bất động sản (BĐS), chứng khoán, tiêu dùng) tại chi nhánh chiếm 25%/tổng dư nợ. Tại thời điểm này, nếu NH ngưng không cho vay ở lĩnh vực PSX, thì tính đến cuối năm 2011, Sacombank chỉ giảm khoảng 3%, nếu giảm 10% theo chỉ đạo của NHNN nghĩa là Sacombank phải giảm tới 13%. Với lộ trình chỉ còn 9 tháng để thực hiện mục tiêu giảm tỷ trọng này rõ ràng không thể kịp và sẽ rất khó khăn cho cả NH và khách hàng. Bởi các hợp đồng cho vay trong lĩnh vực PSX đều dài hạn, từ 3 - 5 năm. Các hợp đồng cho vay phải đợi tới ngày đáo hạn mới thu hồi được vốn. Nếu thuyết phục khách hàng thanh toán trước hạn không phải là dễ dàng bởi sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của đối tượng vay, ngay cả khi TCTD sẵn sàng bồi thường do vi phạm hợp đồng.
Theo chỉ đạo, các NH gần như không cho vay mới đối với lĩnh vực bất động sản trong thời gian hiện tại
Theo tính toán của các NH, trong thời gian tới, nếu dư nợ cho vay lĩnh vực PSX vẫn giữ nguyên ở mức 12.567 tỷ đồng trên tổng dư nợ 47.431 tỷ đồng, các NH phấn đấu đến cuối năm 2011 giảm 10%, buộc các TCTD phải giảm khoảng 8.000 tỷ đồng mới đạt mục tiêu như chương trình động đã đề ra. Đứng về mặt số học đã khó, thực tế càng khó thực hiện hơn - Giám đốc NH Ngoại thương (VCB) chi nhánh Bình Dương Nguyễn Đình Phục nêu vấn đề. Theo quy định của NHNN đối tượng cho vay đối với lĩnh vực PSX bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu công nghiệp, khu chế xuất, thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê, mua đất... chưa phù hợp thực tế. Ông nêu ví dụ, tại NH của ông, dư nợ cho vay ở lĩnh vực PSX chiếm tỷ lệ gần 17%, trong đó cho vay lĩnh vực bất động sản 10% còn lại là cho vay tiêu dùng, nhưng cho vay xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất - kinh doanh, xây dựng KCN chiếm tới 75%. Ông Phục phân tích, đầu tư cơ sở hạ tầng cho KCN tại Bình Dương trong 2 lĩnh vực này rất lớn. Bình Dương là địa phương đang phát triển thì tín dụng phải cao, nếu tín dụng bất động sản bao gồm đầu tư vào những lĩnh vực này giảm thì đầu tư sẽ bị ách tắc và tất yếu sẽ khiến cho tốc độ phát triển kinh tế - xã hội đạt thấp. Với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội như Bình Dương, mà chúng ta coi nó như là lĩnh vực BĐS để rồi hạn chế rõ ràng là chưa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, ông Phục nói.
...nhưng phải bắt đầu
Tính đến cuối tháng 2-2011, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tại Bình Dương đạt 47.431 tỷ đồng, tăng trên 27% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ cho vay sản xuất - kinh doanh đạt 34.431 tỷ đồng, chiếm 74%/tổng dư nợ, dư nợ cho vay PSX đạt 12.567 tỷ đồng, chiếm 26%/tổng dư nợ. Báo cáo thống kê của NHNN chi nhánh Bình Dương cho thấy, mức tăng dư nợ trong lĩnh vực PSX những tháng đầu năm của các NHTM đang ở mức cao, việc hạn chế và giảm 10% mức tăng dư nợ PSX đối với các NHTM là rất khó khăn và rất khó để đạt mục tiêu như chương trình động đã đề ra. Sở dĩ có tình trạng này vì thu nhập chủ yếu của NH từ hoạt động tín dụng. Một số lãnh đạo NH lo ngại về việc giảm mạnh tốc độ tăng trưởng dư nợ sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu lợi nhuận của NH, đồng thời khó khăn cho khách hàng vay vốn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một lãnh đạo NHNN cũng thừa nhận, việc đưa tín dụng PSX xuống 16% sẽ là khó khăn đối với một số ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP), nhất là các NH từ năm 2010 đến nay có tỷ trọng cho vay PSX so với tổng dư nợ khá cao, như NHTMCP Hàng Hải (Maritime Bank) 86%; NH Đầu tư và Phát triển chi nhánh Bình Dương (BIDV) 62,74%; BIDV chi nhánh Nam Bình Dương 47%; NH An Bình (ABBank) 66,45%; SHB 63,38%... Nếu nhìn vào các con số trên, thì việc tính toán bình quân giảm tín dụng PSX từ 26% xuống còn 10% là khó nhưng vấn đề là khâu tổ chức thực hiện. Như vậy, để đạt được mục tiêu mức tăng tín dụng trên toàn địa bàn tỉnh năm 2011 giảm xuống 16% so với Nghị quyết 11 đề ra. Điều tất yếu, tăng trưởng tín dụng năm 2011 phải dồn toàn bộ cho sản xuất, còn tăng trưởng khu vực PSX là bằng không.
Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã nhấn mạnh, thực hiện bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2011. “Toàn ngành NH phải đồng lòng làm cho được mục tiêu đề ra, phải tập trung nhiều biện pháp để cơ cấu lại tỷ trọng tín dụng, điều chỉnh lại mục tiêu tăng trưởng tín dụng, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp nhằm kiềm chế lạm phát, rà soát lại tình hình thị trường và khách hàng, lập phương án kiểm soát tăng trưởng dư nợ theo lộ trình giảm dần về mức yêu cầu, xem xét giảm tỷ lệ cho vay vào các lĩnh vực PSX. Mặt khác, các NH cơ cấu lại nguồn tín dụng, phân tích đánh giá lại hiệu quả cho vay, huy động phù hợp với tình hình thực tế” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung nói.
TRÚC HUỲNH
Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Dương BÙI VĂN NU: “Mục tiêu toàn ngành phải thực hiện cho được”
Các TCTD sẽ phải xây dựng, lập lại kế hoạch kinh doanh, phải “thắt lưng buộc bụng”, giảm chi phí để đạt mục tiêu tăng trưởng và lợi nhuận. Đây là thông điệp mà ngành đã đưa ra và quyết tâm thực hiện thời gian tới, NHNN sẽ tăng cường thanh tra, kiểm soát các TCTD về các vấn đề: chất lượng tín dụng; các chỉ tiêu bảo đảm an toàn hoạt động. Đặc biệt, sẽ tăng cường thanh tra, giám sát các TCTD nhằm bảo đảm việc thực hiện đúng quy định và chỉ đạo chung của ngành, góp phần cho sự thành công trong sự điều hành tiền tệ của Chính phủ và NHNN.
Giám đốc NH Ngoại thương (VCB) chi nhánh Bình Dương NGUYỄN ĐÌNH PHỤC: “Đối tượng cho vay đầu tư bất động sản cần tách riêng rõ ràng”
“NHNN cần cụ thể hóa danh mục trong cho vay lĩnh vực PSX, trong đó, khái niệm và danh mục cho vay BĐS cần phải rõ ràng. Chẳng hạn, thế nào là cho vay đầu tư BĐS hay cho vay mua nhà đúng với nhu cầu để ở thì xử lý như thế nào? Ngoài ra, NHNN nên điều chỉnh và tách riêng giữa đối tượng cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất - kinh doanh, khu công nghiệp, khu chế xuất và đầu tư BĐS dịch vụ, văn phòng cho thuê, mua đất...
T.HỒNG (ghi)