Giảm tối đa chi phí hải quan cho doanh nghiệp
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trình bày dự án Luật Hải quan
Sáng 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hải quan (sửa đổi), do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình.
Những năm qua, các thủ tục hành chính về hải quan đã được quy định rõ ràng, minh bạch, đơn giản, thông thoáng hơn, tạo điều kiện thông quan hàng hóa, phương tiện vận tải với thời gian và chi phí giảm đi đáng kể, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Từ 2009 đến nay, ngành Hải quan đã hoàn thành việc rà soát, hệ thống hoá và công khai 239 thủ tục, sau đó tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ, hợp nhất, đến nay còn 179 thủ tục hành chính, ước giảm chi phí tuân thủ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, dự thảo Luật Hải quan sửa đổi đã quy định rõ thời hạn công chức hải quan kiểm tra hồ sơ hải quan chậm nhất 2 giờ làm việc; giảm thời gian kiểm tra thực tế hàng hoá xuống 8 giờ; trường hợp cần thiết phải gia hạn thì thời gian gia hạn tối đa không quá 2 ngày làm việc.
Đồng thời để giảm bớt giấy tờ phải nộp không cần thiết cho cá nhân, tổ chức, dự thảo Luật đã đưa ra quy định chung theo hướng hồ sơ hải quan gồm tờ khai hải quan là chứng từ bắt buộc phải có. Đối với các chứng từ khác thuộc hồ sơ hải quan thì tùy trường hợp cụ thể phải nộp, xuất trình các chứng từ này.
Thực tế thời gian qua, cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan gắn liền với áp dụng phương thức quản lý hải quan hiện đại đã giúp tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng nhanh qua các năm (kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2010 đạt 157 tỷ USD tăng 23,6%, 2011 đạt 203,1 tỷ USD tăng 29,7%, 2012 đạt 228,3 tỷ USD tăng 12,1% so với năm trước). Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng việc sửa đổi Luật Hải quan hiện hành sẽ tiếp tục hướng thúc đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ kỳ vọng hơn ở dự án Luật sẽ giảm tối đa các chi phí thủ tục hải quan. Đồng thời bà Ngân yêu cầu dự Luật minh bạch tối đa các thủ tục hải quan nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu quả quản lý Nhà nước và xây dựng hình ảnh hải quan thân thiện với doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu hàng hóa.
Góp ý với dự thảo, các thành viên UBTVQH cũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định của dự án Luật phù hợp các điều ước quốc tế, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang đàm phán để tránh sau này phải sửa luật cho phù hợp với Hiệp định.
Một điểm đáng lưu ý là dự thảo đề xuất cho phép lực lượng kiểm soát hải quan được truy đuổi liên tục trong trường hợp có căn cứ xác định phương tiện vận chuyển hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan. Đồng thời, lực lượng hải quan cũng được áp dụng các biện pháp trinh sát, tuần tra và sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để phòng, chống buôn lậu.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị cần sửa Pháp lệnh quản lý vũ khí và vật liệu nổ để cho phép hải quan được sử dụng quyền này. Đồng thời, ông Sơn cho rằng “phải quy định cụ thể ai là người cho phép hải quan nổ súng, rồi việc truy đuổi phương tiện vận chuyển hàng lậu được thực hiện đến đâu, truy đuổi ở mức độ nào để tránh chồng chéo với nhiệm vụ của các lực lượng khác”.
Về bộ máy hải quan, các thành viên UBTVQH đồng tình với Bộ Tài chính tổ chức các cấp: Tổng cục Hải quan; Cục Hải quan; Chi cục Hải quan và đơn vị tương đương. Hệ thống tổ chức này không phụ thuộc vào địa giới hành chính mà phụ thuộc vào yêu cầu công việc; quy mô, tính chất hoạt động xuất nhập khẩu; đặc thù địa bàn, điều kiện kinh tế xã hội.
Trong đó cơ bản Cục Hải quan có tính chất vùng trong địa giới nhiều tỉnh; trường hợp đặc biệt phù hợp yêu cầu nhiệm vụ, thông lệ quốc tế, có 2 Cục Hải quan nằm trong địa giới 1 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo VGP