Giảm tiền điện, nước: Chia sẻ giúp người dân vượt khó khăn do COVID-19

Thứ bảy, ngày 28/08/2021

(BDO)

Số tiền được giảm trực tiếp trên hóa đơn tiền điện thể hiện trong kỳ hóa đơn tháng 8 và 9/2021. (Ảnh: TTXVN)

Cùng với các biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch COVID-19, việc giảm tiền điện và nước sinh hoạt cho người dân là một chính sách hết sức kịp thời và thiết thực, giúp người dân, nhất là những đối tượng lao động có thu nhập thấp, được sẻ chia bớt một phần gánh nặng do tác động của dịch bệnh.

Chính sách thiết thực

Thực hiện Nghị quyết số 83/CP của Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiến hành giảm giá tiền điện các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố tại thời điểm ngày 30/7, đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16.

Mức giảm 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng. Giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng trên 200 kWh/tháng. Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện cho khách sử dụng điện là 2 tháng tại các kỳ hoá đơn tháng 8 và kỳ hoá đơn tháng 9/2021.

Cùng với việc giảm tiền điện, tại Nghị quyết số 16/NQ-HĐND, Hà Nội cũng quyết định hỗ trợ tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố 4 tháng cuối năm 2021 với mức hỗ trợ 100% tiền nước sạch cho các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, các hộ dân sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo ở mức sinh hoạt 1 (tối đa là 10m3 nước/hộ dân); hỗ trợ 15% trên tổng hóa đơn tiền nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt phải trả của các hộ dân khác.

Chia sẻ việc giảm tiền điện, nước trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều người dân đã rất phấn khởi.

Theo ông Đặng Duy Hùng, làm nghề sửa chữa xe máy trên phố Lạc Trung (quận Hai Bà Trưng), sau gần 2 tháng tạm nghỉ do thực hiện giãn cách xã hội, việc nhận được các gói hỗ trợ trong đó có giảm tiền điện và nước sinh hoạt đã giúp giảm bớt gánh nặng về chi tiêu cho gia đình trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài và phức tạp.

"Quyết định giảm giá nước và tiền điện cùng nhiều gói hỗ trợ khác của Chính phủ rất kịp thời, không chỉ giúp chia sẻ một phần khó khăn mà còn là nguồn động viên tinh thần đối với người dân để thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch," ông Hùng nói.

Còn theo bà Lại Hà Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hà Đông, việc ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ an sinh xã hội trong điều kiện cả hệ thống chính trị đang nỗ lực chống dịch là rất kịp thời, sát thực tiễn, hợp lòng dân.

“Trên địa bàn chắc chắn có nhiều người cần hỗ trợ bởi dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của họ, vì vậy, có được quyết sách này, người dân vô cùng phấn khởi,” bà Lại Hà Phương chia sẻ.

Doanh nghiệp cùng thụ hưởng

Đánh giá về việc giảm tiền điện theo Nghị quyết số 83/NQ-CP, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hanoisme) Trịnh Thị Ngân cho biết đây là động thái hết sức có ý nghĩa với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, vì sẽ có nhiều người lao động nằm trong diện này.

Theo bà, việc hỗ trợ tuy không lớn nhưng người dân và doanh nghiệp thấy rằng, sự đồng hành của Chính phủ kịp thời, phần nào giảm bớt khó khăn trong khi điều kiện sản xuất-kinh doanh tại nhiều doanh nghiệp cầm chừng và thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng.

“Do dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, những giải pháp hỗ trợ tích cực từ Chính phủ sẽ giúp cho khách hàng, trong đó có người lao động trong diện thụ hưởng ổn định phần nào cuộc sống, giảm bớt gánh nặng, chung tay gắn bó cùng các doanh nghiệp trong những khó khăn về điều kiện sản xuất-kinh doanh,” bà Ngân nhấn mạnh.

Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Còn theo ông Đoàn Phi Long, chủ cơ sở May Việt Long trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội), dịch COVID-19 trong thời gian qua đã tác động trực tiếp đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhất là làm sao để đảm bảo đời sống, giữ chân người lao động.

Ông đánh giá việc hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 4) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng rất kịp thời, bởi việc giãn cách xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống, thu nhập, sinh hoạt hàng ngày của nhiều người lao động phổ thông.

“Các gói hỗ trợ không chỉ giúp giảm bớt khó khăn, mà thông qua các chính sách an sinh xã hội, người dân luôn cảm thấy yên tâm khi thực hiện các giải pháp về phòng chống dịch bệnh,” ông Long nói.

Theo tính toán, tổng số tiền điện mà EVN sẽ giảm cho khách hàng trong đợt thứ 4 này là khoảng 2.500 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền cả 4 đợt EVN giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong năm 2020 và 2021 là khoảng 16.300 tỷ đồng.

Ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho biết việc giảm giá điện sinh hoạt cho người dân các tỉnh giãn cách xã hội là việc làm rất ý nghĩa.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều người dân mất thu nhập, gặp khó khăn về kinh tế. Bởi điện là đầu vào cho sản xuất, phục vụ đời sống, nên việc hỗ trợ lại càng thiết thực.

Còn theo Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, hiện tại số bệnh nhân đang phải cách ly và điều trị trên cả nước rất lớn, do đó, việc miễn giảm tiền điện cho những cơ sở điều trị, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm COVID-19 cũng là một việc chung tay giúp dịch bệnh sớm được đẩy lùi.

Hơn lúc nào hết, để chiến thắng đại dịch cần sự chung tay và quyết tâm của toàn xã hội. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ hiểu và trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp không kể ít hay nhiều, đều xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim, từ trách nhiệm với cộng đồng, từ sự chia sẻ với Nhà nước.

Chính phủ cũng làm hết sức mình để bảo đảm đời sống của người dân, để họ có đủ điều kiện vật chất, tinh thần, sự yên tâm, tin tưởng thực hiện yêu cầu giãn cách./.

Theo TTXVN