Giảm thuế quan từ CPTPP: Doanh nghiệp cần tận dụng tốt cơ hội
Bên cạnh những cơ hội mang lại cho doanh nghiệp (DN), hiện nay, một trong những thách thức lớn nhất khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) là để bán sản phẩm ra thị trường, các DN trong nước phải đáp ứng quy định pháp lý của nước nhập khẩu, như yêu cầu về chất lượng sản phẩm, quản lý hóa chất, quản lý môi trường, trách nhiệm xã hội...
(BDO)
Dây chuyền sản xuất tại Công ty giày Thái Bình. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
DN phải nắm vững các quy định của FTA
Các chuyên gia đánh giá, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện nhất hiện nay mà Việt Nam tham gia. Hiệp định này không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại..., mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, DN Nhà nước. Hiệp định này cũng đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ.
Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia CPTTP đồng ý xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước, từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho DN và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Tại Hội nghị tuyên truyền CPTPP do Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng qua (8-5), bà Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm hội nhập quốc tế, TP.Hồ Chí Minh cho rằng, CPTPP là một hiệp định tương đối toàn diện, nó bao trùm các nguyên tắc trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều bộ nguyên tắc khác. Chính vì vậy, hiệp định mới vừa tạo cơ hội vừa buộc Việt Nam cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh nói riêng và cải cách thể chế nói chung. Khi Hoa Kỳ chưa tham gia CPTPP thì những lợi ích thương mại của các DN Việt Nam còn chưa rõ nét, song việc Hoa Kỳ quay lại CPTPP chỉ là vấn đề thời gian bởi quốc gia này không dễ dàng nhường vị trí đứng đầu về tầm ảnh hưởng cho một quốc gia nào khác. Các DN muốn đón những cơ hội từ CPTPP đem lại thì ngay từ bây giờ phải tìm hiểu kỹ những quy định cụ thể mà Việt Nam cam kết trong CPTPP như mở cửa thị trường, lao động, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử… cũng như thuận lợi hóa thương mại mà CPTPP đem đến.
Do vậy, các DN cần khẩn trương tìm hiểu kỹ những quy định của CPTPP. DN cần nắm rõ lộ trình giảm thuế cho từng ngành hàng, từng thị trường có FTA; xác định nguồn gốc hàng hóa, nguyên liệu và cách tính hàm lượng xuất xứ; thay đổi nguồn cung nguyên phụ liệu bảo đảm chặt chẽ suốt quá trình quản lý. Bên cạnh đó, DN cần đầu tư nâng cấp quản lý, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, đầu tư xử lý môi trường, tạo lập và quản lý sổ sách theo chuẩn mực…
Theo nhiều chuyên gia, hội nhập là mở cửa thị trường, hàng hóa của các nước vào Việt Nam ngày càng nhiều nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa hình thành các rào cản thương mại để hỗ trợ cho DN trong nước. Điều quan trọng, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc DN Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn trên sân nhà. Việt Nam có trình độ phát triển được xem là thấp nhất trong các thành viên CPTPP, khả năng thích nghi của DN Việt Nam với kinh tế thị trường còn kém nên nguy cơ thất bại của các DN trên chính thị trường nội địa có thể sẽ gia tăng. Do vậy, DN cần chủ động, tích cực tận dụng các cơ hội và muốn được hưởng nhiều lợi ích từ CPTPP thì phải đáp ứng những yêu cầu hết sức khắt khe về các điều kiện, cam kết có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tiếp theo là nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và sản phẩm xuất khẩu.
Đáng chú ý, các chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn còn dư địa cho tăng trưởng xét từ nỗ lực nội tại của DN Việt Nam thì chúng ta có nhiều tiềm năng thúc đẩy xuất khẩu nếu biết tập trung cải thiện tình hình. Ngoài ra, DN cũng cần tăng cường năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu vì CPTPP sẽ đưa Việt Nam trở thành điểm đến của chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa thế giới. Đồng thời, các DN cần gắn kết, phối hợp với nhau để tranh thủ lợi thế của từng đơn vị; tạo ra chuỗi cung ứng trong nước một cách chủ động, hiệu quả hơn. Thêm vào đó, một trong những thách thức của DN là khi bán sản phẩm ra thị trường, các bên liên quan phải đáp ứng quy định pháp lý của quốc gia nhập khẩu, như yêu cầu về chất lượng sản phẩm, quản lý hóa chất, quản lý môi trường, trách nhiệm xã hội...
Vận dụng hiệu quả các lợi thế từ FTA
Vấn đề mà các DN quan tâm nhiều nhất tại Hội nghị tuyên truyền CPTPP là xuất xứ hàng hóa và các thủ tục hải quan, chính sách về thuế khi DN xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP. Theo bà Bùi Kim Thùy, phụ trách mảng hội nhập kinh tế quốc tế của Bộ Công thương, các FTA, đặc biệt là CPTPP mang lại nhiều cơ hội cho DN Việt Nam. Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế giao thương với các nước thành viên trong hiệp định, nhất là các thị trường như Canada, Mexico. Trong bối cảnh một số nước đang thể hiện mong muốn tham gia như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines… dự kiến nâng lợi ích các bên tham gia lên 3 lần, tương đương 500 tỷ USD/năm.
Theo số liệu đưa ra tại hội nghị, tỷ lệ tận dụng thuế ưu đãi FTA của Việt Nam năm 2017 vào các thị trường là không lớn. Lớn nhất có thể kể đến là thị trường ASEAN, khoảng 30%, tương ứng với 6,5 tỷ USD; ACFTA là 26%, tương đương 9,2 tỷ USD. Điều này đặt ra vấn đề cho DN Việt Nam là tại sao chúng ta không được hưởng thuế suất ưu đãi nhiều? Các chuyên gia khẳng định, vì chúng ta không đáp ứng được các tiêu chuẩn về hưởng ưu đãi theo quy định và các nước sở tại trong các FTA đã áp dụng thuế tự vệ và thuế chống bán phá giá.
Số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, cho thấy hiện chỉ có khoảng 35% lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam tham gia. Như vậy, hơn 60% lượng hàng hóa còn lại vẫn phải chịu thuế MFN (thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi). Bà Thùy cho rằng, một trong những lý do chính khiến DN trong nước chưa tận dụng được các ưu đãi từ FTA là chưa hiểu biết đầy đủ về quy tắc xuất xứ, không xin được C/O ưu đãi và không được hưởng mức thuế quan 0 - 5% mà các FTA mang lại. Cụ thể, các quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam đã thực hiện về cơ bản tương đối linh hoạt nhưng nhiều DN vẫn chưa tận dụng tốt. Với những FTA mới đòi hỏi những quy định cao, chắc chắn sẽ còn khó khăn nhiều hơn đối với DN trong nước.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà các DN trong nước cần phải hiểu rõ các quy định trong các FTA mà Việt Nam tham gia để vận dụng vào hoạt động kinh doanh của mình; cùng với đó cần tận dụng tốt nhất các lợi thế từ FTA mang lại. Nếu DN không chủ động, sáng tạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng sức cạnh tranh thì hàng hóa của DN trong nước thì sẽ bị thua trên chính sân nhà.
Bà Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm hội nhập quốc tế, TP.Hồ Chí Minh cho biết, các DN cần khẩn trương tìm hiểu kỹ những quy định của CPTPP. DN cần nắm rõ lộ trình giảm thuế cho từng ngành hàng, từng thị trường có FTA; xác định nguồn gốc hàng hóa, nguyên liệu và cách tính hàm lượng xuất xứ; thay đổi nguồn cung nguyên phụ liệu bảo đảm chặt chẽ suốt quá trình quản lý. Bên cạnh đó, DN cần đầu tư nâng cấp quản lý, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, đầu tư xử lý môi trường, tạo lập và quản lý sổ sách theo chuẩn mực…
TIỂU MY