Giảm tải gánh nặng thi cử
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ra Nghị quyết về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Góp phần cho bước khởi đầu của sự đổi mới đó, năm nay Bộ GD-ĐT đã tính đến phương án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học - cao đẳng (ĐH, CĐ). Riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay học sinh (HS) chỉ còn thi 4 môn, thay cho 6 môn như trước đây là một bước đột phá mới theo hướng giảm tải gánh nặng thi cử.
Bấy lâu nay HS cuối cấp phải chịu nhiều áp lực trong thi cử, với nhiều đợt thi gần nhau. Riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT với 6 môn thi làm cho các em thêm căng thẳng vì áp lực học tập. Vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp, HS phải chuẩn bị cho kỳ thi ĐH, CĐ với nhiều cam go, khốc liệt hơn.
Tại cuộc họp về đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vừa được tổ chức mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo, năm 2014, Bộ GD-ĐT triển khai phương án tổ chức các kỳ thi theo hướng bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả, tiết kiệm, tạo điều kiện để thúc đẩy mạnh mẽ giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Hội nghị Trung ương lần thứ 8.
Việc Bộ GD-ĐT điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT với nhiều đổi mới theo hướng giảm áp lực cho HS, giảm bớt kinh phí tổ chức thi tốt nghiệp, đã nhận được sự đồng tình cao của xã hội. 2 môn thi bắt buộc là ngữ văn và toán đánh giá được năng lực học tập của HS; riêng 2 môn thi tự chọn, theo khảo sát, số đông HS đồng tình với phương án thi này. 2 môn thi tự chọn theo sở trường của HS, giúp các em phát huy năng khiếu học tập, có cơ hội đầu tư sâu hơn vào môn mình chọn, làm nền tảng để thi ĐH. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề về môn thi tự chọn, hiện nay vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau, đòi hỏi sự thận trọng cân nhắc trước khi có quyết định chính thức. Cuối cùng, vấn đề phụ huynh và xã hội quan tâm là cần tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT thật sự nghiêm túc, không phải để đạt những con số thành tích đáng nể với tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm trên 99% mà quan trọng là tỷ lệ tốt nghiệp phản ánh thực chất, khách quan trình độ, năng lực học tập của HS để hướng đến một kỳ thi quốc gia duy nhất, làm căn cứ chính để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
DÂN THƯỜNG