Giám sát bằng tai, mắt của nhân dân

Thứ năm, ngày 14/06/2018

(BDO) Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đang được kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV tiến hành thảo luận, cho ý kiến, dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 6. Phòng chống tham nhũng là một nhiệm vụ quan trọng, là vấn đề tác động đến nhiều mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội và nhận được sự quan tâm, kỳ vọng rất lớn của nhân dân; trong đó câu chuyện về kê khai tài sản của cán bộ đang được bàn thảo với nhiều ý kiến rất trực diện.

Trên thực tế, để phòng chống tham nhũng có hiệu quả, một trong những giải pháp khá căn cơ là kê khai tài sản để làm cơ sở giám sát chặt chẽ.

Tuy vậy, thời gian qua, việc kê khai tài sản vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, có khi còn mang tính hình thức; việc kê khai tài sản chưa được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục... Điều này tạo kẽ hở, đơn cử như việc chuyển tài sản cho người khác đứng tên, bỏ lọt đối tượng và không thể giám sát, vì chưa có quy định cụ thể. Đối tượng cán bộ kê khai tài sản dàn trải và hầu như không thể xác minh các bản kê khai; thông tin tài sản không được công khai để người dân giám sát... Bên cạnh đó, một vấn đề đặt ra là ai, cơ quan nào sẽ quản lý kê khai tài sản? Thời gian qua, từ một số vụ việc cho thấy, chỉ khi trường hợp nào “đụng chuyện” thì dư luận mới biết đến khối tài sản kếch xù của người có liên quan. Nhưng khi bị dư luận đặt vấn đề thì người trong cuộc lại giải thích nguồn gốc của khối tài sản đó có được là từ “bán chổi đót” hay “nuôi gà”, “nuôi heo”... Tham nhũng hiện đang là một vấn nạn đang được Đảng ta quyết tâm xử lý để làm trong sạch bộ máy, nhưng muốn phòng chống tham nhũng hiệu quả thì cần phải có cơ chế quản lý, giám sát thật chặt chẽ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống tham ô. Người chỉ rõ bản chất của tham ô: “Là lấy của công làm của tư. Là gian lận, tham lam”. Tham ô ngăn trở, phá hoại sự nghiệp cách mạng; tài sản của Nhà nước, của cải, công sức của nhân dân bị chiếm đoạt, lãng phí; đội ngũ cán bộ cách mạng bị tha hóa, suy thoái đạo đức, sút giảm tính chiến đấu. Do vậy, đấu tranh chống tham ô chính là để loại bỏ những trở lực của cách mạng, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Đặc biệt, theo Người, phải làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô; “biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.

Do đó, để công tác phòng chống tham nhũng hiệu quả, cùng với việc kê khai tài sản một cách công khai, minh bạch, đi đôi với cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ thì còn rất cần có sự tham gia giám sát của nhân dân. Một khi, “hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi”, vấn nạn tham nhũng sẽ khó còn “đất sống” và chắc cũng sẽ không còn những câu chuyện nguồn gốc của biệt phủ là do từ... “bán chổi đót” hay “nuôi gà”, “nuôi heo”!

THÀNH SƠN