Giảm phát thải khí nhà kính góp phần phát triển bền vững

2024-11-14 08:15:27

Thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải net-zero vào năm 2050, Bình Dương đã và đang tích cực triển khai nhiều chương trình, kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.

 Việc đầu tư nhà máy sản xuất phân compost (Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương) công suất 1.680 tấn/ngày để tái chế chất thải sinh hoạt góp phần xử lý rác thải, giảm thiểu phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh

Đạt nhiều kết quả quan trọng

Thời gian qua, Bình Dương đã xây dựng và ban hành các kế hoạch về giảm phát thải khí nhà kính (KNK) và ứng phó với biến đổi khí hậu; đưa nội dung giảm KNK và ứng phó biến đổi khí hậu vào Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; cùng với đó ban hành kế hoạch triển khai thực hiện kiểm kê KNK cấp cơ sở trong toàn tỉnh... Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và cộng đồng, Bình Dương đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác giảm thiểu KNK. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện giảm phát thải KNK hướng tới trung hòa Carbon với các giải pháp như tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, lựa chọn nguồn nguyên liệu đầu vào thân thiện môi trường, tái chế, tái sử dụng chất thải, cải tiến công nghệ sản xuất, thực hành sản xuất sạch hơn, sản xuất bền vững.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp đã tăng cường sử dụng điện mặt trời; thực hiện sản xuất sạch hơn, chuyển đổi công nghệ hiện đại, ít phát sinh chất thải, tái chế bao bì thải… Một số doanh nghiệp đã, đang đầu tư các dự án giảm KNK hướng tới Net-zero trong toàn chuỗi sản xuất. Điển hình như Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đầu tư xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III, là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn với mục tiêu không thải khí carbon; Tập đoàn SEP (Hàn Quốc) dự kiến đầu tư hơn 200 triệu đô la Mỹ để thành lập Khu liên hợp công nghiệp trung hòa Carbon chuyên về ngành giày da và cơ sở hạ tầng giảm thiểu Carbon trên diện tích 180 ha tại huyện Phú Giáo; nhà máy bia AB InBev tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II-A vận hành hệ thống năng lượng mặt trời giúp sản xuất được 840.600 kWh/ năm, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng điện công ty đang sử dụng mỗi năm… Đến nay, toàn tỉnh có 4.069 dự án điện mặt trời với tổng công suất lắp đặt 775.916 kWp…

Đối với lĩnh vực đô thị, trên địa bàn tỉnh có Dự án căn hộ chung cư cao cấp The Habitat (TP.Thuận An) được Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) trao chứng nhận công trình xanh (EDGE). Lĩnh vực giao thông - vận tải, Bình Dương đã đưa vào hoạt động hệ thống xe buýt Tokyu sử dụng nhiên liệu sạch (CNG). Về lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm phát thải KNK.

 Phát triển hệ thống cây xanh trong khu công nghiệp, khu dân cư… là một trong những giải pháp giúp giảm KNK. Trong ảnh: Tuyến đường xanh tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I

Riêng đối với lĩnh vực môi trường, Bình Dương đã thực hiện chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ chôn lấp hợp vệ sinh sang đốt rác thu hồi năng lượng, đầu tư sản xuất phân compost; đồng thời thực hiện các biện pháp tăng tỷ lệ thu gom, đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của tỉnh. Đến nay, Bình Dương đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 4 nhà máy xử lý nước thải đô thị; đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân Compost với công suất 1.680 tấn/ngày để tái chế chất thải sinh hoạt, nhà máy đốt rác thải phát điện với công suất 4,6MW (200 tấn rác thải/ ngày). Bình Dương cũng đầu tư hệ thống thu hồi nhiệt từ lò đốt chất thải để phát điện với công suất 5 MW, hệ thống thu hồi nhiệt từ các hố chôn lấp với công suất 1.600 KVA…

 Thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, Bình Dương sẽ triển khai kế hoạch giảm phát thải KNK của các lĩnh vực theo lộ trình phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; thực hiện nghiêm quy định về kiểm kê và giảm phát thải KNK đối với các cơ sở, doanh nghiệp; xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các cơ sở triển khai thực hiện các quy định về giảm phát thải KNK, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuân thủ quy định về kiểm kê khí nhà kính

Theo Nghị định số 06/2022/ NĐ-CP ngày 7-1-2022 của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozone, phải kiểm kê KNK các cơ sở có mức phát thải hàng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp sau: Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hàng năm từ 1.000 TOE trở lên; tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hàng năm từ 1.000 TOE trở lên; cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hàng năm từ 65.000 tấn trở lên.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, kết quả kiểm kê cho thấy tổng khối lượng KNK phát thải trên địa bàn tỉnh trong một năm tương đương với 20.000 tấn khí CO2. Phát thải KN K của tỉnh chiếm khoảng 4,7% tổng phát thải cả nước.

Ông Nguyễn Thế Tùng Lâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, cho biết để giảm phát thải KNK và đáp ứng yêu cầu của toàn cầu hóa, trong thời gian tới Bình Dương chú trọng việc tổ chức kiểm kê và triển khai các biện pháp cắt giảm KNK đối với các doanh nghiệp nằm trong danh sách phải kiểm kê KNK do Chính phủ ban hành; khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải KNK như sử dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời), năng lượng sinh khối (dùng nhiên liệu Biomass thay thế nhiên liệu hóa thạch); sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường; tái chế, tái sử dụng chất thải... Việc phát triển diện tích rừng, đồng thời phát triển thêm hệ thống cây xanh trong khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị… cũng là một trong những giải pháp quan trọng giúp giảm lượng KNK trên địa bàn tỉnh.

 TIẾN HẠNH - VÕ LUYẾN

Báo Bình Dương