Giảm ngay lãi suất ngân hàng
Trong hai ngày 5 và 6-3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2. Ngay sau khi phiên họp kết thúc, 17h hôm qua 6-3, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp báo về các nội dung liên quan. Hạ lãi suất ngân hàng và việc gia hạn thời gian sử dụng đất nông nghiệp là hai nội dung nổi bật tại cuộc họp báo.
Nếu lạm phát tiếp tục giảm, lãi suất sẽ giảm trung bình khoảng 1%/quý.Lãi suất ngân hàng có thể giảm xuống 10%
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải công bố ngay việc giảm lãi suất ngân hàng sau phiên họp thường kỳ của Chính phủ kết thúc.
Thực hiện đúng chỉ đạo này, tại cuộc họp báo, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, mức trần lãi suất huy động vốn và lãi suất cơ bản do NHNN quy định sẽ giảm bớt 1%. Quyết định giảm lãi suất chính thức sẽ được NHNN công bố trong một vài ngày tới. Như vậy, mức trần lãi suất huy động vốn sắp tới sẽ là 13% thay vì mức 14%/năm, lãi suất cơ bản sẽ còn 8% thay vì 9% như hiện nay. Cũng theo Thống đốc NHNN, lộ trình điều hành lãi suất năm 2012 sẽ căn cứ vào diễn biến tình hình lạm phát. Nếu xu hướng lạm phát tiếp tục diễn biến tích cực như hiện nay, lãi suất sẽ giảm trung bình khoảng 1%/quý. Đến cuối năm, khả năng lạm phát ở mức dưới 10%, mức trần lãi suất huy động vốn sẽ giảm xung quanh mức 10%.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng công bố một số tín hiệu tích cực về tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt là những tiến bộ về thanh khoản và độ lành mạnh của các tổ chức tín dụng. Hiện nay, chỉ còn 9 tổ chức tín dụng chưa lành mạnh, hoạt động yếu kém đang được NHNN tích cực phối hợp thực hiện tái cơ cấu. 9 đơn vị này chỉ chiếm khoảng 6% thị phần của hệ thống ngân hàng Việt Nam, nên ảnh hưởng đến hệ thống rất hạn chế. Các tổ chức tín dụng còn lại đang hoạt động tốt. Trong đó, hai tháng qua, lãi suất liên ngân hàng trong các tổ chức tín dụng này đã giảm đáng kể, mức cao nhất chỉ còn 13-14%/tháng; lãi suất qua đêm chỉ từ 7-8%/năm.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, một điểm tích cực khác là phát hành trái phiếu Chính phủ 2 tháng đầu năm đã tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2011. Đây là mức tăng kỷ lục trong nhiều năm qua, ngay cả những năm kinh tế vĩ mô rất ổn định cũng không đạt được. Năm 2011, NHNN đã phát hành trái phiếu với mức lãi suất cao hơn năm nay, nhưng cũng không thành công. Kết quả này cho thấy, một mặt khả năng thanh khoản của các tổ chức tín dụng đã tốt hơn, mặt khác sự kỳ vọng vào giảm lạm phát của các tổ chức tín dụng cũng tăng cao.
Một diễn biến nổi bật khác là NHNN đang mua vào một khối lượng lớn ngoại tệ. Kết thúc năm 2011, dự trữ ngoại hối đã tăng thêm xấp xỉ 50%, nhưng chỉ 2 tháng đầu năm nay, nguồn dự trữ đã tăng được gần 20%. Nhờ biện pháp này, NHNN đã đưa một lượng tiền đồng khá lớn ra thị trường góp phần tăng cường thanh khoản. Tuy nhiên, để duy trì nguyên tắc điều hành tiền tệ chặt chẽ, NHNN đang phát hành tín phiếu nhiều kỳ hạn (1 tháng đến 3 tháng và có cả kỳ hạn 1 năm) với mức lãi suất hợp lý nhằm thu hút nguồn tiền dư thừa của các tổ chức tín dụng, góp phần giảm áp lực về lạm phát.
Không thu hồi, chia lại đất nông nghiệp
Một thông tin khác đang được dư luận cả nước quan tâm là Chính phủ sẽ quyết định ra sao khi thời hạn sử dụng đất nông nghiệp sắp kết thúc (ngày 15-10-2013) đã được Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam, kiêm Người phát ngôn của Chính phủ làm rõ.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, hiện nay, Bộ TN&MT đã có phương án đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ và trong thời gian tới, Chính phủ sẽ bàn và đưa ra quyết định chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, dù Chính phủ có quyết theo phương án nào, định hướng chung cần thông tin để người dân hiểu và yên tâm là không có chuyện thu hồi lại hay chia lại ruộng đất của nhân dân. Luật Đất đai 2003 đã có quy định rất rõ rằng, khi hết hạn sử dụng đất, nếu người dân có nhu cầu, trong quá trình sử dụng tuân thủ đúng pháp luật sẽ được tiếp tục sử dụng. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền các cấp hướng dẫn nhân dân hết thời hạn sử dụng thực hiện các thủ tục theo quy định để được sử dụng tiếp.
Đề cập đến hiện tượng người dân gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng khi thế chấp đất sắp hết thời hạn sử dụng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, những ngân hàng gây khó dễ là đã hiểu sai chủ trương của Nhà nước. Nên tới đây, Chính phủ sẽ thống nhất chỉ đạo các ngân hàng không được để tái diễn tình trạng gây khó dễ cho người dân như hiện tượng nói trên.
Về các nội dung đáng chú ý khác của phiên họp thường kỳ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, trong tháng 2 và hai tháng đầu năm, tình hình kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực. Các giải pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô được triển khai đồng bộ, quyết liệt và đang phát huy hiệu quả. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 tăng 1,37% so với tháng trước và tăng 2,38% so với cuối năm 2011, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua (ngoại trừ năm 2001 và 2009, các năm từ 1986 đến 2011 đều cao hơn). Theo như mọi năm, chỉ số giá tiêu dùng quý I chiếm gần như một nửa của cả năm, thì với diễn biến của CPI từ đầu năm đến nay, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 1 con số của Chính phủ là rất khả quan. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ vẫn tiếp tục lưu ý các bộ, ngành, chính quyền các cấp không được chủ quan, phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp Chính phủ đã chỉ đạo.
Cũng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Đề án một số vấn đề an sinh xã hội và Đề án cải cách tiền lương. Về an sinh xã hội, Chính phủ khẳng định, từ trước đến nay, khi kinh tế càng khó khăn, an sinh xã hội càng được quan tâm, chăm lo, nên trong thời gian tới, chủ trương này sẽ tiếp tục duy trì để khẳng định tính chất ưu việt của chế độ ta. Chính sách an sinh xã hội sẽ đặc biệt hướng tới bảo đảm công bằng xã hội, trợ giúp các đối tượng khó khăn, chịu tác động mạnh của kinh tế thị trường.
Theo HNM