Giảm lãi suất vay khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên

Thứ tư, ngày 09/05/2018

(BDO) Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện mặt bằng lãi suất về cơ bản được tiếp tục duy trì ổn định. Từ ngày 10-1-2018, các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm khoảng 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt thuộc lĩnh vực ưu tiên. Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 6,5% đối với cho vay ngắn hạn và 9 - 10% đối với cho vay trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường khác ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có mức tín nhiệm cao lãi suất cho vay ngắn hạn được các tổ chức tín dụng cho vay khoảng 4 - 5%/năm.

Về điều hành tín dụng, đến hết ngày 28-2-2018, tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên tiếp tục xu hướng tích cực. Cụ thể, tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 0,8%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 8,5%, tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn tăng 2,1%, tín dụng xuất khẩu tăng 2,2% so với cuối năm 2017. Dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 21,1% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Hiện diễn biến trên thị trường tiền tệ, lãi suất tiền gửi đang tăng giảm trái chiều. Tại HDBank, ngân hàng này cộng lãi suất tiết kiệm cho khách hàng cá nhân từ 28 tuổi trở lên gửi tiết kiệm nhận lãi cuối kỳ với thời hạn gửi 6 và 13 tháng. Mức cộng tối đa lên đến 0,7%/năm, đẩy lãi suất lên tới 7,1% năm kỳ hạn 6 tháng. BIDV cộng thêm lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm online với mức cộng thêm là 0,3%/năm cho các kỳ hạn dưới 12 tháng, 0,1% mỗi năm với các kỳ hạn trên 12 tháng. Tuy nhiên, Techcombank lại giảm lãi suất, đặc biệt kỳ hạn 9 - 11 tháng đã giảm từ 0,3 - 0,5% mỗi năm so với đầu năm…

Tính chung, từ cuối năm 2011 đến nay, lãi suất huy động giảm khoảng 7 - 10%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay giảm nhanh và mạnh hơn, khoảng 11 - 14%/năm, góp phần hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.

P.V