Giảm lải suất huy động: Ngân hàng lớn kỳ vọng làn sóng giảm theo

Thứ hai, ngày 03/10/2016

(BDO) 4 ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước gồm BIDV, Vietcombank, Agribank và Vietinbank vừa công bố giảm lãi suất huy động ngắn hạn với mức giảm từ 0,3 - 0,5%/năm. Vấn đề các NH này đang quan tâm là liệu các NHTM cổ phần vừa và nhỏ có hưởng ứng để cùng điều chỉnh hạ lãi suất vay?

Các NHTM cổ phần lớn của Nhà nước mong muốn NH cổ phần vừa và nhỏ giảm lãi suất huy động theo. Trong ảnh: Hoạt động giao dịch tại BIDV Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một) Ảnh: THANH HỒNG

Vốn chưa dịch chuyển

Đến thời điểm này, tại Bình Dương, ngoài 4 NH BIDV, Vietcombank, Agribank, Vietinbank điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn dưới 12 tháng với mức giảm từ 0,3 - 0,5%/năm còn có NHTM Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) công bố điều chỉnh giảm lãi suất huy động gần bằng mức hạ của 4 NH nói trên.

Theo tìm hiểu được biết, hầu hết NHTM cổ phần vừa và nhỏ vẫn giữ nguyên mức lãi suất huy động VND, thậm chí một số NH còn đang triển khai chương trình khuyến mại huy động với lãi suất tiền gửi tăng nhẹ.

Tuy vậy, thông tin từ các NHTM Nhà nước cho thấy, dù mức lãi suất tiết kiệm được điều chỉnh giảm nhưng nguồn vốn huy động chưa có dấu hiệu dịch chuyển sang kênh đầu tư khác. Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank Bình Dương cho biết, việc giảm lãi suất đầu vào lần này không làm ảnh hưởng đến nguồn tiền gửi tiết kiệm. Nguyên nhân là do nguồn huy động của NH dồi dào, đủ đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Hơn nữa, mức lãi suất huy động hiện tại so với lạm phát đang ở mức hợp lý. Trong những ngày tới, nếu tiếp tục có thêm NHTM cổ phần hưởng ứng giảm lãi suất tiết kiệm, dòng vốn đầu vào sẽ không có biến động giảm.

Vẫn lo

Lãnh đạo một NHTM cổ phần nhỏ tại TP.Thủ Dầu Một cho biết, muốn giảm lãi suất huy động hiện nay cũng rất khó vì áp lực cạnh tranh với các NHTM lớn trong việc giữ chân khách hàng. Hiện NH này chưa nhận được quyết định điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ cấp trên, nhưng chi phí huy động vốn lại tăng đáng kể do triển khai các chương trình khuyến mãi, ưu đãi để thu hút người gửi tiền...

Trên thực tế, việc “neo” lãi suất huy động ở mức cao đôi khi đến từ các NHTM cổ phần nhỏ. Các NH này thường gặp khó khăn trong huy động vốn nên buộc phải sử dụng công cụ duy nhất là lãi suất và các phương thức khuyến mại để hấp dẫn người gửi tiền. Về phía NHTM lớn của Nhà nước, để ngăn chặn luồng vốn di chuyển, các NH này cũng buộc phải tăng lãi suất huy động. Kết quả là làn sóng tăng lãi suất hoặc không giảm lãi suất huy động xảy ra không hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu vốn mà từ nhu cầu giữ khách hàng. Đây cũng là điều khiến các NHTM Nhà nước trên địa bàn tỉnh có phần lo ngại. Bởi nếu tình hình các NHTM cổ phần vừa và nhỏ điều chỉnh giảm lãi suất huy động ít hoặc không giảm sẽ gây khó khăn trở lại cho khối NHTM Nhà nước.

Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV Bình Dương cho hay, hiện 4 NHTM Nhà nước chỉ điều chỉnh giảm lãi suất huy động từ 0,3 - 0,5%/năm chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn (dưới 12 tháng). Đây được xem là mức giảm mang tính chất thăm dò thị trường. Tuy nhiên, mức giảm lãi suất huy động đầu vào lần này là rất sâu. Trước đây, lãi suất giữ ở mức 12 -14%/năm, giảm 0,5% là bình thường nhưng hiện tại lãi suất tiết kiệm chỉ còn 4 - 5%/ năm, nay giảm thêm 0,5%/năm nữa là rất nhiều so với kỳ vọng của người gửi tiền. Do vậy, việc e ngại dòng vốn chảy từ NH này sang NH khác là có.

Cũng theo ông Linh, hiện tại, thanh khoản của NH vẫn đang ổn định, thậm chí là dư thừa. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm nhu cầu tín dụng có thể tăng cao để phục vụ sản xuất, kinh doanh dịp lễ, tết. Nếu khoảng cách giữa huy động vốn và cho vay mất cân đối, giải ngân nhiều dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn và thanh khoản thấp, thị trường tiền tệ có thể sẽ điều chỉnh tăng lãi suất huy động trở lại. Do vậy, nếu có sự đồng thuận cùng giảm lãi suất huy động thì việc cạnh tranh lãi suất ít xảy ra và khả năng giảm lãi suất vay tiếp tục giảm sẽ diễn ra thuận lợi trong thời gian tới.

 

 THANH HỒNG

 

 

Từ khóa: