Giảm lãi suất huy động, bảo đảm tăng trưởng ổn định
(BDO) Sau đợt giảm lãi suất vào đầu tháng 7, nhiều ngân hàng lớn tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Việc giảm lãi suất đầu vào cũng nhằm mục tiêu có dư địa để giảm lãi suất đầu ra, góp phần chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Các ngân hàng cắt giảm lãi suất huy động làm cơ sở giảm lãi suất đầu ra nhằm hỗ trợ người vay vốn. Trong ảnh: Khách hàng gửi tiết kiệm tại Ngân hàng HDbank - Chi nhánh Bình Dương
Liên tục hạ lãi suất tiết kiệm
Sở hữu 3 tài khoản tiết kiệm tại một ngân hàng với giá trị 300 triệu đồng, chị B.M.H. ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một đang phân vân có nên tất toán tài khoản tiết kiệm khi lãi suất tiền gửi được hưởng quá thấp so với kỳ vọng. Theo chị H., tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn một tháng được mở hồi tháng 3 và 4-2020. Thời điểm mở, lãi suất tiến gửi với kỳ hạn 1 tháng là 4,3%/năm. Tuy nhiên, giữa tháng 7 vừa qua cả 3 tài khoản đã đến hạn tất toán, nếu tiếp tục gửi, mức lãi suất ngân hàng thông báo chị nhận được chỉ là 3,7%/năm, kỳ hạn 1 tháng, thấp hơn nhiều so với lãi suất hồi đầu năm.
Ghi nhận biểu lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại từ đầu tháng 7 đến nay cho thấy, các ngân hàng liên tục giảm lãi suất. Cụ thể như ACB, lãi suất huy động từ 5,9 - 6,2%/năm giảm còn 5,3% - 5,6%/năm, tùy từng giá trị tiền gửi. Ngoài ra, lãi suất 9 - 12 tháng giảm 0,5%/năm còn 5,7% - 5,8%/năm. Các ngân hàng khác như Sacombank, Eximbank, KienLongbank, LienVietPostbank., TPbank… cũng điều chỉnh giảm lãi suất dao động dưới 6 tháng từ 3,5 - 3,7%; 6 - 12 tháng từ 5,6% - 5,8% và từ 12 tháng trở lên dao động 6 - 6,2%/năm. Các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khác cũng có động thái tương tự. Ngoài ra, các ngân hàng quốc doanh cũng điều chỉnh giảm 0,3% - 0,5%/năm cho kỳ hạn trên 6 tháng. Trong đó, Vietcombank hạ lãi suất 6 - 9 tháng từ 4,9% xuống 4,4 - 4,6%/ năm, kỳ hạn trên 12 tháng giảm 6,5% xuống 6%/năm. Cùng lúc đó, Vietinbank, Agribank, BIDV cũng điều chỉnh mức giảm mạnh lãi suất huy động đối với các kỳ hạn từ 354 ngày và 12 tháng trở lên với mức giảm tương tự so với tháng trước.
Hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó
Thông tin chung từ một số lãnh đạo ngân hàng cho biết hiện việc giảm lãi suất tiết kiệm có 2 nguyên nhân. Trong đó, từ định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm giảm lãi suất từ 0,2 - 1%/năm đối với khách hàng cá nhân và 0,2% - 1,2% đối với khách hàng doanh nghiệp (DN). Trong đó, việc giảm lãi suất đầu vào cũng nhằm mục tiêu có dư địa để giảm lãi suất đầu ra, góp phần chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Thứ hai, hiện dịch bệnh đang có xu hướng tăng trở lại nên các ngân hàng gặp khó trong tăng trưởng tín dụng, khả năng hấp thụ vốn của nhiều DN thấp… “Tín dụng khó tăng trưởng thì đương nhiên ngân hàng phải điều chỉnh giảm lãi suất huy động”, ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV - Chi nhánh Bình Dương nói. Theo ông Linh, nhiều DN hiện nay gặp khó khăn nên các ngân hàng cũng phải giảm lãi suất cho vay. “Như vậy người vay mới trả được nợ và muốn giảm lãi vay thì buộc các ngân hàng phải giảm lãi suất đầu vào”, ông Linh cho biết thêm.
Bà Lại Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Ngân hàng HDbank - Chi nhánh Bình Dương, cho biết tình hình thực tế trên thị trường tiền tệ hiện nay cũng cho thấy, dù NHNN không giảm lãi suất điều hành nhưng cơ quan quản lý đã yêu cầu các tổ chức tín dụng trong hệ thống tập trung các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế do tác động của dịch bệnh Covid-19. Do vậy việc cắt giảm lãi suất huy động là một trong những hình thức được ngân hàng lựa chọn để giảm chi phí vốn đầu vào.
Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, trong 6 tháng đầu năm, tuy tín dụng có tăng trưởng nhưng không cao, khiến bức tranh chung trong tốc độ tăng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng vẫn chậm so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 tác động đến rất nhiều ngành nghề kinh doanh khác và tác động đến cả DN nhỏ và vừa. Vì vậy, tín dụng chung trên thị trường tăng trưởng thấp và chậm nên khả năng hấp thụ lượng tiền gửi cũng hạn chế. Vì vậy, các ngân hàng phải điều chỉnh để cân đối chi phí.
THANH HỒNG