Giảm lãi suất để góp phần thúc đẩy tăng trưởng
(BDO) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chính thức ban hành các quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Theo đó, từ ngày 19-6, NHNN quyết định tiếp tục điều chỉnh giảm một số loại lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng trở xuống và lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên, với mức giảm từ 0,25 - 0,5%/năm, tùy loại lãi suất. Đây là lần thứ 4 liên tiếp kể từ đầu năm, NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành.
Cùng với việc điều chỉnh giảm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VNĐ) và mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN chỉ đạo hệ thống ngân hàng, TCTD triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân.
Việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VNĐ các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ ngân hàng thương mại giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính. Đối với quyết định giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ của TCTD lần này, tạo điều kiện để DN và người dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay chi phí thấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực trọng yếu là động lực cho tăng trưởng kinh tế theo đúng chủ trương của Chính phủ. Với việc NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành tiếp tục khẳng định và xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới có lợi cho DN và người. Qua đó, định hướng hệ thống ngân hàng và TCTD quyết liệt hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng DN và người dân.
Hạ lãi suất điều hành sẽ tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ xuống khiến chi phí sử dụng dòng vốn thấp, từ đó cải thiện kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và dân doanh. Trong lúc đó, người dân có thể quyết định tiêu dùng nhiều hơn bởi chi phí vay vốn thấp. Việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN linh hoạt, kịp thời và hoạt động của hệ thống ngân hàng, TCTD hiệu quả, có sự phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ kỳ vọng sẽ góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
NHẬT HUY