Giảm lãi suất cho vay: Ngân hàng nói có, doanh nghiệp nói chưa!

Thứ năm, ngày 10/01/2013

Đến thời điểm này, hầu hết ngân hàng (NH) trên địa bàn tỉnh đã thực hiện giảm lãi suất (LS) cho vay mới theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy vậy, để tiếp cận được nguồn vốn có LS thấp phụ thuộc rất nhiều vào tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN)...

Ngân hàng nói hạ lãi suất

Cùng với việc thực hiện giảm LS huy động từ 9%/năm xuống còn 8%/năm (kỳ hạn ngắn) và 10- 11%/năm (kỳ hạn dài), các NH trên địa bàn tỉnh cũng đã áp dụng mức lãi vay mới theo hướng giảm từ 0,5 - 1%/năm so với trước. Tại Vietcombank Bình Dương, LS vay đối với DN sản xuất, kinh doanh chỉ còn từ 12,5 - 14,5%/năm, khách hàng cá nhân còn 14,5%/năm... Tại NH Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Bình Dương, mức lãi vay cao nhất từ 13 - 14,5%/năm, tín dụng tiêu dùng cũng ở mức 14%/năm. Bên cạnh đó, những DN có tình hình tài chính tốt, khả năng trả nợ ổn định và DN sản xuất, kinh doanh thuộc diện ưu tiên mức lãi vay chỉ 10,5%/năm.  

 Cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn để tái cơ cấu lại các ngành nghề, đồng thời NHNN cũng cần có cơ chế giám sát chặt chẽ việc giảm lãi suất cho vay đối với DN. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

“Để hỗ trợ khả năng phục hồi của nền kinh tế, NH sẵn sàng cho vay những khách hàng đáp ứng được yêu cầu của NH. Thanh toán lãi vay chỉ là một trong rất nhiều chi phí tài chính mà DN phải gánh chịu nên đầu ra sản phẩm mới là vấn đề mấu chốt lúc này”, Giám đốc BIDV chi nhánh Bình Dương nói.

Lãnh đạo NH Đại Á cũng cho hay, hệ thống NH này cũng đã giảm LS vay thêm 1%/năm từ hôm 25-12-2012. Trong đó, 4 lĩnh vực ưu tiên có LS 12%/năm và DN sản xuất, kinh doanh LS khoảng 14%/năm. Riêng đối với tín dụng tiêu dùng, NH sẽ điều chỉnh giảm dần theo lộ trình…

Thông tin từ các NH cho biết, hiện thanh khoản của các NH đang rất dồi dào, khả năng đáp ứng tốt nguồn vốn cho DN. Tuy nhiên, theo các NH, nỗi lo lớn nhất hiện nay là tín dụng nợ xấu nên việc kiểm sát chặt chất lượng tín dụng luôn được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, đẩy mạnh cho vay vào thời điểm này rất khó, không dễ tìm được khách hàng tốt, Phó Giám đốc Vietcombank Bình Dương Nguyễn Thái Minh Quang cho biết, nhiều hợp đồng tín dụng đã ký trong quý III tương đối tốt song tốc độ giải ngân vốn của khách hàng nhất là đối với các DN vẫn chậm. Nguyên nhân là hàng tồn kho chưa có dấu hiệu giảm, DN chưa dám đầu tư sản xuất mới.

Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Bình Dương Trần Ngọc Linh thông tin, hiện mặt bằng LS cho vay trên thị trường đã giảm rất nhiều so với trước đây. Nhưng hiện tại dù LS có giảm xuống 5% đi chăng nữa thì DN cũng khó có thể tiếp cận được vốn tín dụng của các NH mà nguyên nhân chủ yếu là không đạt được những chỉ tiêu, yêu cầu của NH. Chính vì thế, ngoài những DN được vay với LS ưu đãi hiện có rất nhiều DN cần vốn của NH thì không thể vay được, cho dù NH có hạ LS thêm thì họ cũng không thể vay được. Như vậy, vấn đề ở đây không phải là LS mà làm sao để giúp DN tiếp cận được nguồn vốn.

Doanh nghiệp nói chưa!

Từ đầu năm đến nay NHNN đã 5 lần giảm trần LS, 6 lần giảm LS điều hành với mục tiêu, LS đầu vào giảm thì LS cho vay cũng sẽ giảm xuống tạo tiền đề để mặt bằng LS mới ổn định, giúp DN bổ sung thêm nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, nhiều DN vẫn chưa vui. Đại diện Câu lạc bộ (CLB) Nữ doanh nhân Bình Dương, cho rằng LS tín dụng giảm dù ít hay nhiều vẫn là tín hiệu tích cực đối với người vay, nhưng trong bối cảnh hàng hóa tồn đọng, tiêu thụ khó khăn, mức lãi vay điều chỉnh giảm khá khiêm tốn. Hiện các thành viên trong CLB vẫn chưa được NH đưa lãi vay về mức 12 - 13%/ năm, bởi phần lớn đang vay với mức 15%/năm hoặc khó tiếp cận được vốn vay từ NH. Vị đại diện này còn chia sẻ thêm, DN của chị hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, đang có các khoản vay cũ tại NH. Vì vậy, các NH gần như “tẩy chay” và không cho vay thêm đồng nào. Cũng do không vay thêm được các khoản vay mới nên chị phải tìm cách huy động vốn từ người thân, bạn bè và thậm chí phải chuyển dự án xây dựng nhà ở sang dự án khác.

Đại diện một công ty trang trí nội thất ở xã Bình Hòa, TX.Thuận An, cho biết DN chị đang có các khoản vay cũ tại NH ACB và đã được NH này đưa LS 21%/năm về mức 15%/ năm từ tháng 7-2012, nhưng đến nay mặc dù LS huy động tiếp tục giảm nhưng vẫn chưa thấy NH giảm thêm. Theo vị này, phía NH nói giảm LS xuống 12%/năm chỉ là nói suông chứ phía NH chưa hề có bất kỳ một văn bản nào thông báo cho DN biết về việc điều chỉnh giảm LS. “Mức giảm dù chỉ 1%/năm, nhưng với những DN vay hàng tỷ đồng thì mức LS được giảm là rất lớn. Mức LS hiện nay vẫn còn là gánh nặng của DN. Do vậy, NHNN cần sớm có biện pháp đưa lãi vay về mức 10%/ năm để giảm gánh nặng cho DN”, vị này đề nghị.

 

 THANH HỒNG