Giảm hệ số đàn hồi điện/GDP ở Bình Dương: Nhiều giải pháp, một mục tiêu

Thứ năm, ngày 14/03/2013

 Ngay từ khi chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được phát động, chính quyền địa phương, Công ty Điện lực Bình Dương (PCBD) đã tích cực vào cuộc. Theo đó, UBND tỉnh nhanh chóng triển khai Chỉ thị 171/CT-TTg năm 2011 về tăng cường TKĐ, đặc biệt là trong các tháng mùa khô, của Thủ tướng Chính phủ đến các sở ngành, đoàn thể và thành lập Ban chỉ đạo TKĐ cấp tỉnh. Nhờ triển khai nhanh chỉ thị của Thủ tướng, năm 2012 chương trình TKĐ trên địa bàn tỉnh đã được các ngành, các cấp và chính quyền các huyện, thị, thành phố trong tỉnh quan tâm thực hiện. Kết quả năm 2012, toàn tỉnh tiết kiệm được 111,7 triệu kWh, đạt 154% so với kế hoạch.

“Năm 2012, Sở Công Thương tổ chức kiểm tra 26 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Kết quả, chưa có đơn vị nào thực hiện đúng quy định về chỉ định người quản lý năng lượng, xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, báo cáo tình hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả... Tính đến ngày 31-12-2012, toàn tỉnh có 17 cơ sở báo cáo kiểm toán năng lượng, 31 báo cáo tình hình sử dụng năng lượng/117 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm toàn tỉnh. Đây là những con số còn quá khiêm tốn!”.

(Ông NGUYỄN VĂN HỮU)

PCBD là đơn vị chủ đạo thực hiện chương trình TKĐ cũng đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện thông qua việc cải tạo, nâng cấp đường dây truyền tải và thay thế một số trạm biến áp cũ, kém chất lượng nhằm giảm tổn thất điện năng. PCBD còn thực hiện chương trình hỗ trợ 231 hộ gia đình chi phí lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời nhằm TKĐ. Đặc biệt, PCBD đã tăng cường tuyên truyền chương trình đến khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức. Nhờ vậy, ý thức TKĐ trong khách hàng ngày càng được nâng cao.

Sở Công Thương được Ban chỉ đạo TKĐ giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện chương trình, cũng đã tích cực tổ chức các đợt hội thảo, tập huấn và hỗ trợ các đơn vị trọng điểm về vốn, nhân vật lực, nhằm thực hiện chương trình kiểm toán năng lượng, đổi mới công nghệ sản xuất đồng bộ… Nhờ vậy, Bình Dương đã vượt kế hoạch về TKĐ, đạt hệ số đàn hồi điện/ GDP lý tưởng.

Tiềm năng còn nhiều

Mặc dù đã đạt và vượt kế hoạch TKĐ, nhưng Bình Dương vẫn còn nhiều tiềm năng về TKĐ. Năm 2012, toàn tỉnh chỉ mới có 113 đơn vị đăng ký phương án sử dụng điện trên 1.667 đơn vị, trong đó có 1.560 đơn vị trực thuộc địa phương và 107 đơn vị trực thuộc Trung ương. Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Phó Ban chỉ đạo TKĐ, cho biết: “Kết quả thực hiện TKĐ của các cơ quan hành chính sự nghiệp Nhà nước trên địa bàn các huyện, thị, thành phố năm 2012 đều giảm so với năm 2011. Tuy nhiên, phần lớn các cơ quan Nhà nước, sự nghiệp công lập vẫn chưa thực hiện nội dung đăng ký phương án sử dụng điện theo Thông tư liên tịch 111. Các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm chưa thực hiện các quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các thiết bị TKĐ chưa được sử dụng rộng rãi trong cơ quan Nhà nước và nhân dân”.

Theo ông Hữu, hiện các khối được đánh giá là tiêu thụ năng lượng nhiều nhất và còn nhiều tiềm năng TKĐ là sản xuất công nghiệp (chiếm khoảng 50% tổng điện năng toàn tỉnh) và khối doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ. Qua khảo sát, tiềm năng TKĐ của khối DN vừa và nhỏ lên đến khoảng 50%. Khối này chiếm gần 70% tổng số DN hiện có, nhưng sử dụng năng lượng kém hiệu quả do công nghệ, thiết bị còn lạc hậu.

Giải pháp trong thời gian tới

Để tiếp tục kéo giảm hệ số đàn hồi điện/GDP, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo TKĐ, chỉ đạo: “Các sở, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền phổ biến đến các tổ chức, cá nhân tham gia chiến dịch “Giờ Trái đất năm 2013” trên địa bàn tỉnh, cũng như ý thức sử dụng các thiết bị TKĐ; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm; phát huy chương trình ký kết giữa PCBD và 5 tổ chức đoàn thể của tỉnh. Song song đó, cần thực hiện tốt hơn chương trình hỗ trợ kiểm toán năng lượng, các giải pháp tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2011-2015, kết hợp với việc kiểm tra đối với các đơn vị trọng điểm, cũng như các đối tượng hành chính sự nghiệp. Đặc biệt, các địa phương cần ứng dụng các loại đèn TKĐ vào chiếu sáng công cộng”.

Về chuyên môn, ông Nguyễn Trung Thu, Phó Giám đốc PCBD, cho biết để tiếp tục duy trì hệ số đàn hồi ở Bình Dương và tiến tới giảm thêm hệ số này thấp hơn 1, cần tích cực thực hiện các giải pháp tạo đột phá, như đẩy mạnh kiểm toán năng lượng ở các DN sản xuất - kinh doanh trọng điểm; đề xuất các giải pháp đổi mới công nghệ, thiết bị, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời; nhân rộng các điển hình sử dụng năng lượng ít, nhưng tạo ra giá trị gia tăng cao; loại bỏ dần các đối tượng sử dụng nhiều năng lượng, nhưng tạo ra giá trị gia tăng thấp, ảnh hưởng đến hệ số đàn hồi điện/GDP.

BẢO ANH