Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng ban tổ chức hội thi “Hòa giải viên giỏi” cấp tỉnh lần IV năm 2010 Trần Nhất Huấn: “Hòa giải là một truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”

Thứ hai, ngày 13/09/2010

HG còn là một truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; là hoạt động mang đậm tính nhân văn cao cả. Mục tiêu, ý nghĩa của HG cơ sở rất cao đẹp, tác dụng, lợi ích thiết thực của nó rất to lớn như: giúp ngăn ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm ngay từ cơ sở; hạn chế đơn thư khiếu kiện; HG kịp thời những vi phạm pháp luật, mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nhân dân; góp phần củng cố tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư. Nhờ hoạt động HG cơ sở mà các vụ việc phải đưa ra cơ quan Nhà nước giảm đi đáng kể, tiết kiệm thời gian, tiền của, công sức của nhân dân, giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách Nhà nước. Chính vì vậy, công tác HG cơ sở luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, động viên, khuyến khích, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Trong thời gian qua, công tác HG của Bình Dương đã có những bước phát triển đáng kể. Đặc biệt, từ khi có Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động HG cơ sở, công tác này càng được quan tâm, chăm lo đầu tư hơn. Bình Dương hiện có 585 tổ HG với 4.337 HG viên khắp 7 huyện, thị. Hàng năm, các HG viên tiếp nhận hơn 4.000 vụ việc. Năm 2009, HG thành đạt tỷ lệ 75%, đây là con số rất đáng trân trọng, tự hào, là kết quả của những đóng góp tích cực, có ý nghĩa quan trọng của tất cả những người làm công tác HG.

Hội thi HG viên giỏi được tổ chức nhằm tăng cường hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; vừa tạo điều kiện để các HG viên gặp gỡ, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, rút ra những phương pháp, cách thức HG ở cơ sở có hiệu quả để phổ biến, nhân rộng, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ HG. Từ đó, nâng cao chất lượng hiệu quả HG cơ sở, nâng cao tỷ lệ HG thành trong thời gian tới, góp phần giữ vững an ninh chính trị xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Lê Na (lược ghi)