Giám đốc sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban thường trực Ban phòng chống lụt bão tỉnh Nguyễn Minh Thủy: Sẽ hỗ trợ người dân vùng ngập lụt khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống
- Xin bà cho biết nguyên nhân chính dẫn đến trận ngập lụt cục bộ tại thị trấn Mỹ Phước?
- Đêm 18, sáng ngày 19-10, trên địa bàn khu phố 1 và một phần khu phố 2, khu phố 5, thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát đã xảy ra ngập lụt do nguyên nhân đêm 18-10, trên địa bàn tỉnh có nhiều nơi mưa trên diện rộng. Tại các xã Lai Hưng, Lai Uyên, Bàu Bàng, thị trấn Mỹ Phước của huyện Bến Cát có mưa rất to. Lượng mưa đo tại Bến Cát là 81mm tương đương trận mưa gây ngập quốc lộ 13 đoạn gần Siêu thị Metro ngày 28-9-2012. Các nơi khác lượng mưa đo được như sau: Phước Hòa 79,7mm; Chi cục Thủy lợi 57mm; Sở Sao 50,5mm; Dầu Tiếng 42mm. Mưa xảy ra trong thời gian ngắn (hơn 2 giờ) nên lượng nước mưa tập trung nhanh về các sông, suối, kênh, rạch với lưu lượng lớn. Thời gian xảy ra mưa khi triều cường trên sông Sài Gòn, sông Thị Tính đạt đỉnh làm cho nước mưa tiêu thoát chậm, gây ngập lụt. Ngày 18-10, thượng nguồn sông Thị Tính thuộc địa bàn huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước xảy ra mưa rất to với lượng mưa đo được 121,2mm tạo thành dòng chảy lũ trên sông Thị Tính. Đêm 18-10 lũ sông Thị Tính về đến thị trấn Mỹ Phước. 3 yếu tố bất lợi trên xảy ra đồng thời là nguyên nhân gây ngập lụt khu vực trũng thấp của thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát.
Một số thông tin cho rằng nguyên nhân chính gây ngập lụt là do xả lũ hồ Từ Vân, đây là thông tin hoàn toàn không có cơ sở. Sáng ngày 19-10, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão (BCH PCLB) tỉnh, UBND huyện Bến Cát đã kiểm tra thực tế hiện trường hồ Từ Vân. Tại thời điểm kiểm tra, hồ Từ Vân đang chứa lượng nước tối đa theo thiết kế. Như vậy, nước chảy về hạ du hồ Từ Vân xuống thị trấn Mỹ Phước là nước mưa trên địa bàn các xã Bàu Bàng, Lai Uyên và tổng lượng nước từ hồ chảy xuống hạ du luôn luôn nhỏ hơn hoặc bằng lượng nước mưa chảy về hồ. Như vậy, nguyên nhân gây ngập lụt không phải là do hồ Từ Vân xả lũ.
- Những thiệt hại cụ thể và công tác khắc phục được tiến hành như thế nào, thưa bà?
- Theo thống kê là có 667 hộ dân có nhà ở trong vùng ngập lụt. Trong đó, thị trấn Mỹ Phước 615 hộ, xã An Điền 22 hộ ngập do lũ và xã Phú An có 30 hộ ngập nhẹ do triều cường. Những vùng trũng thấp ven sông, suối bị thiệt hại về trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Lũ làm sạt lở đường giao thông chân cầu Bến Tượng, trôi 2 nhịp cầu Bến Mây ở xã Lai Hưng, huyện Bến Cát.
Ngay sau khi xảy ra ngập lụt, BCH PCLB tỉnh, UBND huyện Bến Cát, các xã, thị trấn, Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy và Công an tỉnh Bình Dương đã thông báo rộng rãi cho người dân biết để chủ động phòng tránh. Huy động lực lượng và phương tiện hỗ trợ di dời người và tài sản đến nơi an toàn với phương châm cứu người trước, cứu tài sản sau. Hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân nơi sơ tán và bố trí lực lượng tuần tra, canh gác bảo đảm an ninh trật tự vùng ngập lụt và nơi sơ tán. Đến ngày 20-10 nước đã rút hết, người dân từ nơi sơ tán đã trở về nhà an toàn.
Trong thời gian tới, BCH PCLB và chính quyền địa phương sẽ tiến hành thống kê chi tiết thiệt hại và hỗ trợ thiệt hại đột xuất theo Quyết định số 1312/ QĐ-UBND, ngày 7-5-2010 và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống theo Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND, ngày 16-8-2013 của UBND tỉnh.
- Để tránh lặp lại trường hợp xảy ra như vừa qua, Bình Dương cần xây dựng phương án phòng ngừa lâu dài như thế nào?
- BCH PCLB tỉnh sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức BCH PCLB các cấp. Tổ chức tập huấn, diễn tập cho lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, kiểm tra, rà soát bổ sung trang thiết bị sẵn sàng tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ người dân phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản; nâng cao năng lực thông tin cảnh báo.
Trong thời gian tới, đơn vị quản lý hồ Từ Vân cần nghiên cứu thêm về quy trình vận hành, hạn chế tích nước trong mùa mưa để có dung tích phòng lũ, phát huy vai trò của hồ trong việc điều tiết làm giảm và chậm lũ trên thượng nguồn hồ chảy về thị trấn Mỹ Phước, đặc biệt khi Khu đô thị Bàu Bàng được xây dựng hoàn thiện. Đối với các tuyến kênh, rạch nội đồng, hàng năm, các cơ quan hữu quan cần thường xuyên kiểm tra và nạo vét, khai thông dòng chảy, gia cố, nâng cao bờ các tuyến kênh, rạch trước khi vào mùa mưa lũ.
- Xin cảm ơn bà!
CAO SƠN (thực hiện)