Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Dương Thế Phương: Đội ngũ nhà giáo đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục

Thứ tư, ngày 20/11/2013

 - Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH, ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã có bước chuẩn bị gì, thưa ông?

- Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển GD-ĐT, ngành đã xây dựng đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục từ năm 2011 đến 2015”. Mục tiêu trọng tâm của ngành là đổi mới công tác quản lý, phát triển và nâng cao chất lượng GD-ĐT nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh thời kỳ CNH, HĐH. Quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQL theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.    Giáo viên trường Tiểu học Định Hòa (TP.TDM) tích cực đổi mới phương pháp dạy, giúp học sinh tiếp thu bài tốt

Cụ thể, nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ ngoại ngữ trong thời kỳ hội nhập, nâng cao trình độ kỹ thuật, sử dụng có hiệu quả các thiết bị dạy học hiện đại. Bảo đảm đến năm 2015 đội ngũ ở tất cả các cấp học trong toàn ngành có 40 - 45% đạt trên chuẩn.

- 3 năm thực hiện đề án, ngành đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?

- Từ năm 2011, khi UBND tỉnh phê duyệt đề án, sở đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT huyện, thị, thành phố và các đơn vị trực thuộc căn cứ vào mục tiêu của đề án để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị. Các đơn vị đã rà soát đội ngũ, xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng giai đoạn 2011- 2015 và kế hoạch đào tạo bồi dưỡng từng năm. Sở đã phối hợp với trường ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, ĐH Quốc tế Miền Đông, trường CBQL giáo dục TP.Hồ Chí Minh, trường Cao đẳng Y tế Bình Dương tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng. Cụ thể, mở các lớp ĐH, các lớp tạo nguồn giáo viên THPT; tạo nguồn viên chức y tế học đường, bồi dưỡng công tác quản lý giáo dục cho CBQL THPT, THCS, bồi dưỡng các chuyên đề cho GV các cấp học, bồi dưỡng chuẩn hóa kiến thức và kỹ năng sử dụng tiếng Anh cho GV dạy tiếng Anh cấp tiểu học và THCS, bồi dưỡng lý luận chính trị trình độ trung cấp.

Sau 3 năm thực hiện đề án, số lượng nhà giáo đã từng bước phát triển đáp ứng nhu cầu của tỉnh. Chất lượng cũng đã có những chuyển biến tích cực, hầu hết các chỉ tiêu về đào tạo bồi dưỡng đều tăng so với năm học 2009-2010. Tỷ lệ đạt trình độ chuẩn đào tạo trở lên tăng đáng kể. Hầu hết các cấp học đều đạt hoặc xấp xỉ 100%. Đa số nhà giáo và CBQL đều tận tụy với nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm, sáng tạo và có quyết tâm tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực và trình độ.

- Những công việc còn lại từ nay đến năm 2015 là gì, thưa ông?

- Để đạt các mục tiêu đề án đã đề ra, ngành sẽ đẩy mạnh thực hiện phương thức đào tạo theo kế hoạch. Đẩy mạnh công tác đào tạo trình độ chuyên môn trên chuẩn cho đội ngũ CBQL các cấp học. Trong đó trọng tâm đối với cấp mầm non và THPT, trung cấp chuyên nghiệp. Tăng cường công tác đào tạo trình độ chuyên môn đại học cho đội ngũ GV, nhất là cấp học mầm non. Tăng cường bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ. Tăng cường bồi dưỡng công tác quản lý cho đội ngũ CBQL và cán bộ kế cận. Bồi dưỡng GV dạy tiếng Anh theo đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông giai đoạn 2012-2017 trên địa bàn tỉnh Bình Dương”...

- Xin cảm ơn ông!

H.THÁI (thực hiện)