Giám đốc sở Giáo dục - Đào tạo Dương Thế Phương: Cơ sở vật chất đáp ứng đủ chỗ học cho tất cả học sinh

Thứ sáu, ngày 01/08/2014
Thời gian đang bước vào tháng 8, một mùa hè nữa đã trôi qua, giờ đây học sinh các cấp đang háo hức chuẩn bị bước vào năm học mới. Cứ mỗi năm học, Bình Dương tăng thêm trên 20.000 học sinh (HS) các cấp. Số HS cứ gia tăng đến chóng mặt như vậy, liệu ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) có đủ trường, đủ lớp? Chúng tôi đã gặp và trao đổi với Giám đốc Sở GD-ĐT Dương Thế Phương xung quanh vấn đề trên cùng công tác chuẩn bị năm học mới 2014-2015.

   Tuyển sinh lớp 1 năm học 2014-2015 tại trường Tiểu học Phú Hòa 3 (TP.TDM) Ảnh: H.THÁI

 - Được biết năm học này toàn tỉnh tăng thêm 27.900 HS so với năm học trước. Vậy trường lớp có đủ đáp ứng nhu cầu học tập của HS. Ngành có hướng giải quyết ra sao đối với những địa phương có số HS tăng cao, thưa ông?

- Theo kế hoạch phát triển giáo dục tỉnh giao năm 2014, tổng số HS trong năm học 2014- 2015 là 314.600 HS từ mầm non đến THPT, tăng 26.000 HS so với năm học trước. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành, cho đến thời điểm này toàn tỉnh tăng thêm 27.900 HS, từ nay đến đầu năm học con số này sẽ còn thay đổi. Số HS tăng chủ yếu là con em lao động nhập cư ở các địa bàn như: TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Bến Cát, TP.TDM.

Để đáp ứng nhu cầu học tập cho con em, hàng năm tỉnh đều đầu tư xây dựng mới, xây dựng thay thế nhiều công trình trường học. Trong năm học này toàn tỉnh có 5 trường mới thành lập, đáp ứng đáng kể cho số HS gia tăng ở các địa bàn nóng. Và theo dự kiến, dịp khai giảng toàn tỉnh có 23 công trình trường (trong đó có 21 trường công lập) được đưa vào sử dụng, với 604 phòng học. Dự kiến đến cuối năm 2014, số trường lầu hóa sẽ nâng lên 29 trường. Ngoài ra còn có 13 công trình ngoài công lập đang thi công, trong đó có 2 trường TCCN và 2 trường đại học.

Như vậy, với cơ sở vật chất được xây thêm, có thể đáp ứng được gần 19.000 HS, số HS còn lại ngành cũng có cách giải quyết. Trước tiên là ưu tiên thu nhận HS công lập các cấp có hộ khẩu thường trú, tạm trú trên 6 tháng. Số mới tạm trú, nếu còn chỗ trong địa bàn thì trường sẽ thu nhận, nếu hết chỗ thì phòng GD-ĐT điều chuyển sang địa bàn lân cận. Riêng TX.Thuận An, địa phương có số HS tăng cao nhất tỉnh, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, trong tháng 9 này trường Cao đẳng Y tế sẽ chuyển về cơ sở mới, bàn giao cơ sở tại trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore cho Thuận An bố trí chỗ học cho HS. Và với tình hình tăng HS như hiện nay, ngành sẽ tiếp tục giảm số lớp 2 buổi và tăng sĩ số HS trên mỗi lớp. ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập, để thu nhận 3.400 HS trong năm học 2014-2015.

Như vậy, dù áp lực HS gia tăng trong năm học mới, nhưng với sự sắp xếp ổn thỏa của ngành GD-ĐT và các địa phương, tất cả HS đều có chỗ học, tuy số HS ở các lớp có chật đôi chút.

- Xin ông cho biết ngành đã có sự chuẩn bị cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giảng dạy phục vụ năm học mới như thế nào?

- Mùa hè, trong khi HS được nghỉ ngơi dưỡng sức, thì ngành giáo dục bắt tay vào chuẩn bị mọi điều kiện phục vụ cho năm học mới. Để tạo cảnh quan, trường lớp sạch đẹp, các trường học được xây dựng từ trước đó đã sơn phết lại trường lớp, làm lại cổng, sân, tường rào, sửa chữa nhà vệ sinh, trồng cây xanh. Từ nguồn ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục và chương trình mục tiêu quốc gia, ngành đã mua sắm thiết bị đồ dùng dạy học, sách giáo khoa và các thiết bị khác cho thư viện, thiết bị trường học và thay thế bàn ghế mới theo quy cách hiện hành; mua sắm, sửa chữa thường xuyên cơ sở vật chất trường học. Tổng kinh phí cho các hoạt động trên khoảng 65 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn thu học phí, nguồn xã hội hóa, các trường học còn tu sửa nhỏ trường lớp, tạo thêm diện mạo mới cho ngôi trường, để HS cảm thấy trường học thân thiện, từ đó thích thú đến trường học và yêu quý ngôi trường hơn.

- Xin cảm ơn ông!

 HỒNG THÁI (thực hiện)